05/01/2021 - 08:48

Vĩnh Thạnh phát triển mạng lưới chợ truyền thống 

Những năm gần đây, mặc dù các kênh mua sắm hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, mua bán online,… phát triển rất mạnh, song chợ truyền thống vẫn được đánh giá là hình thức thương mại phổ biến ở huyện Vĩnh Thạnh. Vì thế trong định hướng phát triển thương mại - dịch vụ (TM-DV), huyện Vĩnh Thạnh rất quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới chợ truyền thống.

Một góc chợ trung tâm huyện Vĩnh Thạnh.

Theo ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh, năm 2020 mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng lĩnh vực TM-DV ở huyện vẫn tăng trưởng khá. Tính từ đầu năm đến nay tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn huyện ước đạt 3.758 tỉ đồng, đạt 89,65% kế hoạch năm và so với cùng kỳ năm 2019 tăng 19,49%. Tình hình lưu chuyển hàng hóa thị trường ổn định, hàng hóa lưu thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của nhân dân. Ngành chức năng thường xuyên phối hợp tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý thị trường, kiểm tra việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và thực hiện biện pháp an toàn cháy nổ. Kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, buôn lậu và gian lận thương mại,... góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Là huyện vùng nông thôn, nhưng vài năm gần đây nhiều loại hình TM-DV với hình thức đa dạng và phong phú đã phát triển rất mạnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế ở địa phương. Hiện đã có các siêu thị, cửa hàng tiện ích mở ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng sử dụng các sản phẩm, hàng hóa. Trong đó, có 4 cửa hàng Bách Hóa Xanh, đặt cạnh các chợ truyền thống, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân. Chính sự phát triển của các kênh bán lẻ hiện đại đã thúc đẩy các chợ truyền thống phải cạnh tranh với nhau. Chị Ngô Thị Cẩm Loan, tiểu thương bán các mặt hàng trái cây ở chợ trung tâm huyện, nói: “Từ ngày có cửa hàng Bách Hóa Xanh đến nay, tôi mất khách khá nhiều. Trước đây, mỗi ngày lượng trái cây tôi bán ra từ 4-5 triệu đồng, giờ chỉ bán được từ 3-4 triệu đồng”. Tương tự, bà Nhàn chuyên bán các mặt hàng thủy, hải sản cũng giảm số lượng hàng hóa từ 10-20%. Theo một số người tiêu dùng cho biết, hàng hóa tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không gian mua sắm sạch sẽ, hiện đại, giá cả một số mặt hàng cạnh tranh hơn so với ở chợ và thường có chương trình khuyến mãi vào cuối ngày và cuối tuần. Tuy nhiên, bên cạnh vẫn có nhiều người giữ thói quen đi chợ mỗi ngày nên đến các chợ truyền thống, vì vậy, các tiểu thương vẫn đảm bảo một lượng khách ổn định.

Theo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Vĩnh Thạnh, thời gian qua, cùng với thực hiện chủ trương thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… nhằm đa dạng hóa các phương thức kinh doanh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, huyện cũng quan tâm mời gọi các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, cải tạo các chợ truyền thống. Trên địa bàn huyện hiện có 7 chợ truyền thống, trong đó, có 3 chợ do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác, gồm: chợ huyện Vĩnh Thạnh, chợ Kênh D (thị trấn Thạnh An), chợ Láng Sen (xã Thạnh Quới); còn lại 4 chợ do xã quản lý, gồm: chợ số 2, chợ Bờ Ớt (xã Vĩnh Trinh), chợ Sáu Bọng, chợ Thạnh Lộc (xã Thạnh Lộc).

Tuy nhiên, một số chợ hiện đang xuống cấp, chỗ nơi mua bán ẩm thấp không đảm bảo vệ sinh môi trường,… Thời gian tới, huyện tiếp tục mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư, khai thác các chợ truyền thống. Ông Nguyễn Văn Thủ, Phó Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Xác định vai trò của chợ truyền thống rất quan trọng, ngoài việc trao đổi hàng hóa, phục vụ người dân đa thành phần, đây cũng là nơi tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông sản của bà con nông dân sản xuất với số lượng nhỏ lẻ, không thể liên kết tiêu thụ thông qua các kênh thương mại hiện đại. Vì thế, trước mắt Phòng Tài chính - Kế hoạch sẽ phối hợp với các ngành khác tham mưu UBND huyện ưu tiên mời gọi đầu tư nâng cấp, cải tạo các chợ: Số Hai, chợ Bờ Ớt (xã Vĩnh Trinh), chợ số 8 (xã Thạnh Mỹ) và chợ Thạnh Lộc (xã Thạnh Lộc) nhằm góp phần tạo thuận lợi để người dân mua bán, trao đổi hàng hóa cũng như giữ vững nhịp độ tăng trưởng của các kênh thương mại truyền thống.

 Bài, ảnh: MINH HẢI

Chia sẻ bài viết