07/06/2017 - 16:38

Vĩnh biệt soạn giả Yên Lang!

Soạn giả Yên Lang. Ảnh: BLO 

Soạn giả Yên Lang đã trút hơi thở sau cùng vào chiều tối 5-6, tại Mỹ, sau thời gian lâm bệnh nặng, thọ 77 tuổi. Một người con Bạc Liêu làm rỡ ràng cho sân khấu cải lương Nam bộ, được người mộ điệu tặng cho mỹ danh "Ông vua cải lương kiếm hiệp kỳ tình", đã không còn; nhưng những vở tuồng, câu ca ông viết nên thì còn vang mãi…

Cách đây 3 năm, khi Bạc Liêu tổ chức một chương trình vinh danh soạn giả Yên Lang, ông đã không về dự được do sức khỏe yếu. Dù biết quy luật của tạo hóa, song nhiều người không khỏi ngậm ngùi khi sân khấu cải lương lại mất đi một cây bút tài danh.

Đôi lần được gặp soạn giả Yên Lang tại Bạc Liêu, ấn tượng về ông là sự chỉn chu, phong độ, lễ nghĩa của người đàn ông mái đầu điểm bạc. Soạn giả Yên Lang tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh, sinh năm 1940 tại nội ô Bạc Liêu, vốn là "Bạch diện thư sinh"- như lời ông nói- của Trường Trung học Nguyễn Du, Bạc Liêu. Ông có khiếu làm thơ, viết văn và mê cải lương nên khi lên Sài Gòn học tú tài, ông làm cộng tác viên cho một số tờ báo để "kiếm cơm". Nhờ vậy mà ông quen thân hai nhà báo kịch trường là Phong Vân của tờ Lẽ Sống và Hoài Ngọc của tờ Đuốc Nhà Nam. Thấy chàng thư sinh Bạc Liêu mê cải lương, giỏi văn chương nhưng chưa rành bài bản, cấu trúc phân cảnh, phân lớp trong một vở tuồng nên hai nhà báo đã giới thiệu ông với soạn giả Nguyễn Liêu. Vậy là hai vở đầu tay kết hợp Yên Lang- Nguyễn Liêu là "Nắng chiều lên cổ tháp" và "Bếp lửa chiều ly biệt" ra đời. Tên tuổi Yên Lang nổi danh từ đó. Một chuyện khá lý thú là vở "Nắng chiều lên cổ tháp" được đoàn Song Kiều dựng, do nghệ sĩ Kiều Oanh- con gái ông bầu thủ đào chánh. Rồi cô đào chánh ấy say lòng soạn giả trẻ, nên duyên và "nâng khăn sửa túi" đến tận bây giờ.

Trích đoạn vở "Đêm lạnh chùa hoang" của soạn giả Yên Lang được giới thiệu trong đêm nghệ thuật tôn vinh ông và soạn giả Trọng Nguyễn do Bạc Liêu tổ chức vào năm 2014. Ảnh: DUY KHÔI

Sau gần 1 năm bước vào nghiệp sân khấu, thành danh với một số sân khấu nhỏ, soạn giả Yên Lang hợp tác với đại bang Kim Chung, ra mắt bằng vở "Manh áo quê nghèo" (hay "Đường về quê ngoại") với kép chánh Hùng Cường và đào chánh Kim Chung. Vở được diễn suốt 1 tháng nhưng người coi vẫn chật rạp. Cũng cần nói thêm, lúc này nghệ sĩ Lệ Thủy mới 13, 14 tuổi, chập chững vào đoàn Kim Chung, ca hay nhưng diễn chưa giỏi. Soạn giả Yên Lang đã "đo ni đóng giày" cho bà nhân vật cô gái quét lá ven đường trong vở này và Lệ Thủy đã khẳng định tài năng với giọng hát mùi mẫn.

Từ những thành công đó, từ một thư sinh, rồi nhà báo, nhà văn, soạn giả Yên Lang đã khẳng định tài năng của mình trên sân khấu cải lương. Hàng chục kịch bản của ông đến nay vẫn còn sống mãi, được nhiều người thuộc nằm lòng, như "Đêm lạnh chùa hoang", "Máu nhuộm sân chùa", "Mùa thu trên Bạch Mã Sơn", "Tâm sự loài chim biển" (tức "Áo Vũ cơ hàn" - viết chung với soạn giả Nguyên Thảo, em trai ông), "Khi rừng thu thay lá", "Người đẹp Tây Thi", "Bão biển", "Bão cát", "Manh áo quê nghèo", "Nắng thu về ngõ trúc", "Người phu khiêng kiệu cưới", "Tình bằng hữu", "Tình hận trên băng hồ", "Hỏa Sơn thần nữ", "Khi trời lạnh sương khuya", "Nhất kiếm bá vương"… Sở trường của ông là kịch bản kiếm hiệp kỳ tình, cổ trang. Nhờ những vai diễn có chiều sâu, khai thác tâm lý nhân vật tốt mà các vở tuồng của Yên Lang đã góp phần đưa những tên tuổi như Minh Cảnh, Minh Phụng, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ… lên hàng sao sáng. Cũng nhờ năng khiếu văn thơ mà lời thoại, câu ca trong mỗi vở tuồng của Yên Lang mướt mát, ngọt ngào đến nao lòng, dễ nghe, dễ cảm và dễ nhớ. Điển hình như vài câu ca trong Đêm lạnh chùa hoang với đôi nhân vật trở thành kinh điển là Bảo Xuyên Quận chúa và Kiếm khách Tần Lĩnh Sơn: "Bảo Xuyên ơi, nhìn em rưng rưng dòng lệ mà lòng anh như uất nghẹn, như đau buốt cả linh hồn. Rồi đây bao nhiêu thương nhớ em xin trao trả lại cho anh đường biên ải xa xăm, quê hương em bụi cuốn mù trời…".

Lần nào về Bạc Liêu, ông cũng xúc động bồi hồi khi nói về quê xưa, quán cũ, về nơi chôn nhau cắt rốn. Ông nói rằng, dù đường sá, nhà cửa hiện đại mà ông vẫn nhìn thấy trong đó bụi tre, khóm trúc, con rạch, chiếc cầu thuở 50- 60 năm về trước. Tôi nhớ mãi về lời tâm sự của ông: "Xe chạy tới ngã ba Phú Lộc (cách trung tâm TP Bạc Liêu chừng 15km- PV), là tôi đã nghe hơi gió quê nhà, lòng hồi hộp của đứa con xa lâu chưa về thăm mẹ". Một tâm hồn nặng tình xứ sở như thế, phải chăng chính là giềng mối cho những vở tuồng hay, được khán giả mộ điệu của soạn giả Yên Lang.

Ở đời, sống gởi thác về! Xin tiễn biệt một soạn giả tài hoa, góp cho đời những vở tuồng, bài ca tuyệt mỹ!

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết