08/10/2007 - 20:30

Việt Nam và Ấn Độ đã có quan hệ văn hóa lâu đời và sâu đậm

Quan hệ văn hóa Việt Nam-Ấn Độ đã có lịch sử hết sức lâu đời mà bằng chứng là Phật giáo Việt Nam. Phật giáo phát sinh từ Ấn Độ và đã truyền đến Việt Nam từ xa xưa bằng 2 ngã: trực tiếp từ Ấn Độ trước cả Trung Quốc (TQ) và gián tiếp qua TQ. Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến dân tộc Việt Nam, gắn bó rất mật thiết với triều đình, từng có thời được xem là quốc giáo dưới các triều đại Lý, Trần, và với đời sống của nhân dân.

Theo sách Lĩnh Nam chích quái, vào thời đại Hùng Vương, hai vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa đã được một nhà sư Ấn Độ tên là Phật Quang thuyết giảng về Đạo Phật tại núi Quỳnh Viên. Mặc dù đây là truyền thuyết nhưng không hẳn là không có thật. Theo khảo cứu của các học giả, núi Quỳnh Viên ở phía nam Cửa Sót nơi con sông cùng tên chảy ra biển (nay thuộc Hà Tĩnh). Lịch sử Phật giáo cho biết rằng vào thời vua A Dục (Asoka 273 - 232 tr CN), vua nước Ma Kiệt Đà (Magadha- bắc Ấn Độ) sau khi xâm chiếm xứ Kalinga, gây bao cảnh chết chóc đau thương cho hàng vạn người, bỗng cảm thấy hối hận, nhà vua phát nguyện ủng hộ Phật giáo, xây dựng nhiều chùa chiền, thành lập 9 phái đoàn để truyền bá đạo Phật ra các nước chung quanh, trong số đó có phái đoàn do hai cao tăng Uttara và Sona đi bằng đường biển đến Suvannabhumi (xứ của vàng) truyền đạo. Sử của Thái Lan và Myanmar có ghi nhận công cuộc hoằng pháp của phái đoàn này. Một đoàn khác do Mahoda, con của vua A Dục cầm đầu, đã đến nước Văn Lang của vua Hùng vào năm 240 trước CN. (Theo sử cũ, triều đại Hùng Vương kết thúc năm 258 trước CN, nhưng theo tư liệu khảo cổ mới tìm thấy trong lăng mộ của Triệu Văn Vương tại Quảng Châu năm 1983, vị vua thứ hai của nhà Triệu, tên thật là Triệu Mạt, con trai của Trọng Thủy và Mỵ Châu, cháu đích tôn của Triệu Đà, sinh năm 175 trước CN, Mỵ Châu không thể chết trước năm 175 trCN, Triệu Đà đánh chiếm nước Âu Lạc chỉ có thể từ 175 trCN hoặc sau đó 1,2 năm, Thục Phán đánh chiếm nước Văn Lang không phải năm 258 mà phải là năm 208 trCN và, như vậy khi đoàn của Mahoda đến vào năm 240 trCN, thì nước Văn Lang vẫn còn).

Họ đã thuyết giảng và xây dựng cơ sở Phật giáo, trong đó có bảo tháp vua A Dục tại thành Nê Lê mà ngày nay là Đồ Sơn, Hải Phòng, tăng sĩ trong đoàn có gặp và thuyết pháp cho Chử Đồng Tử, đó là dấu vết xưa nhất của Phật giáo tại Việt Nam. Năm 40CN, trong số nữ tướng theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, có Bát Nàn phu nhân là người đã từng xuất gia tu theo đạo Phật. Sách Thiền Uyển truyền đăng tập lục có dẫn lời sư Đàm Thiên nói với vua Tùy Cao Đế rằng ở Giao Châu có đường sang Thiên Trúc (Ấn Độ), khi Giang Đông (Trung Quốc) chưa có Phật giáo thì ở Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh) thủ phủ của Giao Châu, đã có 20 ngôi chùa, 500 vị tăng, dịch kinh được 15 quyển. Trong số tăng sĩ đó, có Khâu Đà La (Ksudra), Ma Ha Kỳ Vực (Marajivaka), Chi Cương Lương Tiếp (Kalasivi), Khương Tăng Hội (người gốc Khương Cư -Sogdiane, nay thuộc Uzbekistan - theo cha mẹ đến Luy Lâu lúc 10 tuổi, nam 248, vua nước Ngô là Tôn Quyền cho sứ giả sang Luy Lâu rước ngài đưa về Kiến Nghiệp)... Họ đều là người Ấn Độ hoặc Trung Á đến Giao Châu truyền đạo trong thế kỷ 2 và 3 Công nguyên. Đến thế kỷ thứ 6, Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) là người Nam Thiên Trúc, sang Trung Hoa học đạo và được tổ thứ ba Thiền tông là Tăng Xán khuyên nên đi về phương nam . Ngài đã đến Việt Nam vào năm 580, ở tại chùa Pháp Vân (nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) để hoằng pháp, làm sơ tổ dòng Thiền thứ nhất của VN, và truyền cho tổ thứ hai là ngài Pháp Hiền. Năm 820, thiền sư Vô Ngôn Thông từ TQ sang trụ trì ở chùa Kiến Sơ (xã Phù Đổng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) lập ra dòng Thiền thứ hai tại VN. Thế kỷ 11, sư Thảo Đường từ TQ sang Chiêm Thành thuyết pháp, đến 1069 vua Lý Thánh Tông đánh thắng quân Chiêm, đưa sư Thảo Đường về Thăng Long phong làm quốc sư, cho trụ trì chùa Khai Quốc mở ra dòng Thiền thứ ba của VN. Các sử liệu trên chứng tỏ Phật giáo từ Ấn Độ đã thâm nhập Việt Nam, ban đầu là trực tiếp, sau đó là gián tiếp qua ngã TQ.

Về mặt ngôn ngữ, trong tiếng Việt có hàng ngàn từ ngữ gốc Phạn (Sanskrit) hoặc Pali là những ngôn ngữ cổ của Ấn Độ, phần lớn là du nhập gián tiếp qua chữ Hán. Ví dụ: “Bụt”(buddha) có thể đã được du nhập trực tiếp từ tiếng Pali, về sau mới được gọi là Phật do du nhập gián tiếp qua phiên âm chữ Hán. “Tăng” (sangha) nói đủ là tăng già, là đoàn thể những người tu theo Phật giáo, một cá thể trong đó cũng gọi là tăng tức là ông sư. “Tỳ khưu” (Bhikkhu): vị sư đã thọ đầy đủ 250 giới. “Thiền” nói đầy đủ là thiền na (dhyàna): tập trung suy tưởng. “Vu Lan” (ullambana): cứu khỏi hình phạt bị treo ngược do tích Đại Mục Kiền Liên (Maha Moggallana) cứu mẹ vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. “Bồ tát” (bodhisattva): người đã giác ngộ, trí tuệ gần như Phật. “Niết bàn” (nirvàna): cõi giới giác ngộ. “Bát nhã” (prajđà): trí tuệ. “Hòa thượng” (Upàdhyàya): vị sư có học thức cao, có thể dạy bảo tăng chúng. “Nam mô A Di Đà Phật” (Namo Amitabhàya buddhàya): kính lạy Phật A Di Đà. “Trà tỳ” (jhàpita): thiêu xác. “Tha ma” (smasana): nơi chôn xác người chết.

Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đã có lịch sử lâu dài và sâu sắc như vậy trong quá khứ thì ngày nay càng có nhiều cơ hội để phát triển toàn diện hơn qua các cuộc thăm viếng của các vị lãnh đạo hai nước và trao đổi thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật, giáo dục... giữa nhân dân hai nước.

Thiếu Bình (Tổng hợp từ Thư viện Hoa sen & Wikipedia)

Chia sẻ bài viết