05/09/2021 - 06:29

Viết cho những yêu thương giữa đại dịch 


Tác giả Phan Duy. Ảnh: NVCC

Phan Duy là hội viên trẻ của Hội Nhà văn TP Cần Thơ, hiện anh đang công tác tại Nhà hát Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu. Ngoài sở trường làm thơ, Phan Duy bén duyên và thành công ở lĩnh vực cổ nhạc. Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần này, Phan Duy đã viết hơn 20 bài vọng cổ, lan tỏa những thông điệp tích cực.

“Đợt này về rồi đến đợt nữa xe đi

Nối tiếp hành trình hồi hương nhân ái

Hãy giữ bình an đừng nên lo ngại

Chắc chắn là không để ai bị bỏ lại phía sau”

Đây là một đoạn trong bài vọng cổ “Những chuyến xe hồi hương”, được Phan Duy cảm tác khi chứng kiến hình ảnh những đoàn xe do TP Cần Thơ và một số tỉnh khu vực ĐBSCL tổ chức rước người từ vùng dịch trở về. Cảm kích trước sự chăm lo của địa phương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, cảm thông cho bà con phải rời quê mưu sinh, gặp nhiều khó khăn giữa đại dịch... bài ca cổ được Phan Duy viết nên đã chạm đến trái tim người xem ngay từ những câu nói lối.

Hay với bài vọng cổ mới sáng tác mang tên “Phía nào trên từng lá chắn”, từ những câu chuyện xúc động của lực lượng tuyến đầu chống dịch, Phan Duy xúc động trên từng câu chữ: “Mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe, uống thuốc đúng giờ rồi sớm nghỉ ngơi. Nhớ thắp cho ba dùm con mấy nén nhang, nói với ba hết dịch con về...”.

Phan Duy chia sẻ, anh viết ca cổ, lời mới cho bài bản tài tử đã khá lâu nhưng có lẽ gần 2 tháng qua là khoảng thời gian anh sáng tác nhiều nhất, đôi ba ngày lại có tác phẩm ra đời. Anh không hề chạy theo số lượng, đôi lúc tự nhủ sẽ dừng, nhưng rồi những chất liệu từ cuộc sống, những câu chuyện đẹp, giàu tình người từ cuộc chiến chống dịch COVID-19 trong khắp cả nước cứ giục anh viết tiếp. Đề tài Phan Duy chọn là những hy sinh thầm lặng, đóng góp to lớn của các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch như bộ đội, công an, y tế, tình nguyện viên, đoàn viên, thanh niên...

Điều làm nên sức hút trong tác phẩm vọng cổ của Phan Duy là anh biết “chém khía” một câu chuyện, nhân vật điển hình, có sức lan tỏa nên tác phẩm nhẹ nhàng, cuốn hút. Mỗi bài ca cổ của anh là một câu chuyện với ý và tứ được trao gửi nhẹ nhàng, không giáo điều, khẩu hiệu. Điển hình như từ một bài báo viết về người phụ nữ 60 tuổi nhiễm COVID-19 được các tình nguyện viên săn sóc tận tình nên mong muốn sau khi xuất viện sẽ nhận họ làm con nuôi, Phan Duy đã viết bài “Hết dịch rồi, má nhận mấy đứa làm con”. Anh viết: “Bàn tay nhẹ nhàng chạm lớp găng tay bảo hộ. Ánh mắt dịu dàng để lộ một niềm vui. Đợi xuất viện rồi, má nhận mấy đứa làm con nuôi. Chịu không? Nhìn tụi bây, má thương quá”.

Sức hút của tác phẩm Phan Duy còn ở chỗ, anh biết vận dụng sở trường làm thơ vào viết bài ca cổ. Những câu nói lối như những bài thơ hay, những lời ca thi vị, giàu chất văn học được chuyển tại gọn gàng trong câu vọng cổ. Nhờ vậy, những sáng tác của anh luôn tạo được sức lan tỏa.

“Tôi sẽ tiếp tục viết, khi cảm xúc còn rưng rưng trước những câu chuyện đẹp từ cuộc chiến chống COVID-19 mà tôi được nghe, được thấy”, tác giả Phan Duy tâm sự. Chàng trai xứ Bạc Liêu vẫn tiếp tục viết cho những yêu thương giữa đại dịch.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết