12/09/2021 - 09:01

Vì sao hen suyễn thường trở nặng về đêm? 

Hen suyễn là bệnh mãn tính gây viêm nhiễm và thu hẹp các đường dẫn khí trong phổi. Tùy vào yếu tố kích thích mà bệnh được phân loại thành nhiều dạng, như hen suyễn người lớn, hen suyễn trẻ em, hen suyễn do dị ứng, hen suyễn do nghề nghiệp… Song, đa số bệnh nhân thường nhận thấy tình trạng trở nặng hơn về đêm. Vậy nguyên nhân gây ra vấn đề này là gì?

Ảnh: Indian Express

Ảnh: Indian Express

Được biết, khoảng 75% số bệnh nhân hen suyễn cảm nhận các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm. Trong đa số trường hợp, các yếu tố hành vi và môi trường (như tập thể dục, nhiệt độ không khí, tư thế cơ thể và môi trường ngủ) được biết là có ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của hen suyễn. Song, nghiên cứu vừa công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng lý do khiến bệnh hen suyễn trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm có liên quan đến ảnh hưởng của hệ thống sinh học (tức nhịp sinh học) đến các triệu chứng. Hệ thống sinh học là những thay đổi về thể chất, tinh thần và hành vi theo chu kỳ 24 giờ, tức về cơ bản, nó là một phần của đồng hồ sinh học bên trong cơ thể.

Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia đã quan sát tình trạng chức năng phổi, các triệu chứng hen suyễn và đánh giá liên tục hiệu quả sử dụng thuốc giãn phế quản trên 17 bệnh nhân. Trong thời gian nghiên cứu, những người tham gia trải qua 2 khoảng thời gian khác biệt. Ở một giai đoạn, họ trải qua 38 tiếng thức liên tục và duy trì cùng một tư thế cơ thể trong điều kiện ánh sáng lờ mờ, đồng thời cứ 2 tiếng/lần thì dùng cùng một món ăn vặt. Trong giai đoạn còn lại, các đối tượng trải qua một chu kỳ ngủ/thức kéo dài 28 tiếng, cũng trong điều kiện ánh sáng yếu và tất cả các hành vi được lên lịch đồng đều trong chu kỳ đó.

Kết quả thử nghiệm cuối cùng cho thấy rằng nhịp sinh học đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chức năng phổi trong một chu kỳ ngủ/thức hàng ngày. Ngoài ra, tác động của nhịp sinh học đối với bệnh hen suyễn cũng tương tự như giấc ngủ và chu kỳ hành vi. Theo đó, chức năng phổi thấp nhất vào khoảng thời gian tương đương với chu kỳ sinh học là 4 giờ sáng.

Phát hiện trên cho thấy lý do chính khiến hen suyễn có xu hướng trầm trọng hơn vào ban đêm là do sự phối hợp không đồng đều giữa thói quen ngủ và chu kỳ sinh học ở người bệnh. “Chúng tôi quan sát thấy rằng những người bị hen suyễn nặng nhất, nói chung, là những người bị suy giảm chức năng phổi do nhịp sinh học gây ra vào ban đêm. Họ cũng có những thay đổi lớn nhất do các hành vi gây ra, bao gồm cả giấc ngủ” - đồng tác giả Steven A. Shea nhận xét.

Theo các chuyên gia, đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên xem xét độc lập ảnh hưởng của hệ thống sinh học với các yếu tố kích hoạt hen suyễn khác như hành vi và môi trường.

Các biện pháp giúp kiểm soát cơn hen suyễn về đêm

Ngoài việc dùng thuốc hen suyễn do bác sĩ chỉ định, một số biện pháp có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hen suyễn về đêm gồm: ngủ với tư thế đầu được kê cao, thường xuyên dọn vệ sinh phòng ngủ, chọn chất liệu nệm và áo gối chống bám bụi. Sử dụng máy tạo độ ẩm để giúp không khí phòng ngủ thoáng đãng hơn. Không để thú cưng vào phòng ngủ để tránh lông chúng bám vào vật dụng trên giường.

AN NHIÊN (Theo Boldsky)

Chia sẻ bài viết