18/11/2008 - 20:44

Vì sao doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động phổ thông?

Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên (GTVLTN) TP Cần Thơ cho tôi xem xấp hồ sơ của các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố đăng ký ủy thác tuyển dụng lao động phổ thông (LĐPT) và lo lắng nói: “Trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp quá nhiều nhưng tuyển dụng cực kỳ khó! Rao tuyển hoài nhưng không được”. Để minh chứng cho nhận định của mình, ông Vững điểm danh vài doanh nghiệp sản xuất lớn tuyển vài trăm lao động trở lên, cứ điện thoại hỏi thăm từng ngày... Nói như thế nghe khó tin vì nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động ở thành phố rất dồi dào...

* Lo... “giữ chân”

Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành đang tập trung may các mặt hàng quần tây, váy học sinh cho các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ đợt cuối năm. Năm nay, công ty có nhiều hợp đồng xuất khẩu, công nhân thường xuyên có việc làm, tăng ca nên thu nhập khá ổn định, bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng. Công nhân có thâm niên, tay nghề thu nhập khoảng 2,6 triệu đồng/tháng. Hiện công ty có gần 400 công nhân làm việc trên 8 dây chuyền. Ông Huỳnh Việt Quang, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chánh Công ty, cho biết: Thời gian qua, công ty kết hợp với Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ đào tạo công nhân may công nghiệp và nhận vào làm việc. Công ty đang tiếp nhận số lao động ở các xã, thị trấn huyện Phong Điền vào học việc. Trong thời gian học việc 2 tháng, công ty hỗ trợ bữa ăn trưa, tiền nhà trọ và trả lương theo sản phẩm công nhân làm được. Bạn Phạm Thị Giáp, ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tốt nghiệp THPT năm 2002, ở nhà phụ tiếp cha mẹ việc nội trợ, ruộng rẫy. Khi được học miễn phí nghề may công nghiệp rồi vào làm việc cho công ty, Giáp mừng lắm. Giáp cho biết: “Lúc mới vào làm, em rất bỡ ngỡ và lo lắng. Nhờ các chú, các chị đi trước tận tình hướng dẫn, em đã quen dần. Em cố gắng làm việc, chi tiêu tiết kiệm, dành dụm tiền gởi về quê cho mẹ...”. Từ nay đến cuối năm, công ty tiếp nhận thêm 30 lao động ở huyện Phong Điền, kết hợp dạy nghề may công nghiệp cho 30 lao động nữ ở xã Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ... Công ty luôn quan tâm chăm lo đầy đủ và kịp thời bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân, tham gia chương trình tích lũy điểm thưởng hàng tháng.

 Trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng công nhân tại Công ty cổ phần Thủy sản Bình An.

Tọa lạc ở ấp Trường Thuận, xã Trường Long, huyện Phong Điền, Công ty TNHH May xuất khẩu Phong Điền hoạt động đến nay hơn 1 năm. Lúc đầu, công ty tuyển được 120 lao động địa phương, đến nay chỉ còn 70 công nhân làm việc. Như nhiều doanh nghiệp khác, công ty cũng hỗ trợ cho lao động bữa ăn trưa, tiền tăng ca, tăng thêm 10% trên tổng thu nhập đối với công nhân làm đủ 26 ngày/tháng...

Ở các doanh nghiệp lớn, như: Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Thủy sản Bình An, Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải, Công ty cổ phần May Meko... lực lượng công nhân ít biến động vì lãnh đạo công ty luôn chú trọng chăm lo đời sống, ổn định thu nhập cho công nhân. Bà Phan Thị Khánh Đào, Giám đốc nhân sự - Công ty cổ phần Thủy sản Bình An, cho biết: Công ty luôn cố gắng áp dụng các chế độ, chính sách về bảo hiểm, thu nhập, nhà ở... để duy trì lực lượng hiện có. Từ nay đến cuối năm, công ty không tuyển thêm lao động mà cố gắng phát huy tối đa công suất làm việc của 3.700 công nhân ở 2 phân xưởng sản xuất.

* Chuyển biến nhận thức, tác phong là điều cốt lõi

Rao tuyển LĐPT theo đơn hàng của các doanh nghiệp là chuyện thường ngày ở các Trung tâm GTVL ở TP Cần Thơ, nhưng hầu như không tuyển được lao động. Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm GTVL TN TP Cần Thơ, cho biết: Nhu cầu rất nhiều (lúc nào cũng cần tuyển trên 1.000 lao động), với các chính sách ưu đãi, hấp dẫn nhưng lao động vẫn dửng dưng, quay ngang với lý do “3 không”: Không hợp, không thích, không quen... Từ đầu năm đến nay, Trung tâm GTVL cho gần 4.100 lao động, trong đó có trên 900 LĐPT, tập trung phần lớn vào các nghề: bán hàng shop, siêu thị, tiếp thị, rất hiếm lao động chịu vào các doanh nghiệp sản xuất. Siêu thị điện máy Phan Khang đang chuẩn bị nguồn nhân sự để đi vào hoạt động cần tuyển trên 300 lao động. Sau hơn 1 tuần, Trung tâm nhận nhiều hồ sơ xin vào các vị trí: nhân viên kế toán, bán hàng, điện, thủ kho, trong khi chưa tuyển được bảo vệ, tạp vụ. Gần 2 tuần nay, Trung tâm tuyển 40 công nhân cho Công ty Euro Window với thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng/tháng/người, nhưng chưa có lao động đăng ký. Còn ở Văn phòng 2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Liên đoàn Lao động (DVVL LĐLĐ) TP Cần Thơ, đặt ở Khu công nghiệp Trà Nóc, cần tuyển đến 3.000 LĐPT cho các doanh nghiệp may mặc và chế biến thủy sản, nhưng vẫn không tuyển được.

Hầu hết các doanh nghiệp đều cố gắng khép công nhân vào nội qui, kỷ luật lao động, tạo điều kiện cho công nhân rèn tác phong công nghiệp. Tuy nhiên, do trình độ học vấn, nhận thức của người lao động còn hạn chế nên việc tuân thủ nội qui, kỷ luật lao động rất yếu. Ở Công ty TNHH May xuất khẩu Phong Điền rất phổ biến tình trạng công nhân tự ý nghỉ phép, nghỉ việc; không chịu khó học hỏi, tăng năng suất để có thu nhập cao; thụ động, không có ý chí cầu tiến. Hay mỗi khi vào mùa vụ thu hoạch, tình trạng công nhân xin nghỉ việc đồng loạt cũng làm các doanh nghiệp lúng túng vì thiếu hụt công nhân sản xuất...

Các đơn vị tuyển dụng cho rằng: Đa số LĐPT rất kén việc, không bức xúc việc làm, chưa có ý thức tự lập, chưa xác định và hình dung công việc. Theo ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Trung tâm DVVL LĐLĐ TP Cần Thơ, LĐPT phải chấp nhận mức lương ban đầu, tập trung học việc, quen việc và phải biết quan tâm đến sự sống còn của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Vững thì cho rằng: Rất nhiều LĐPT đi tìm việc nhưng chưa sẵn sàng nhận việc, thích làm công việc nhàn hạ, thoải mái và chú trọng thu nhập. Doanh nghiệp cũng cần phải cân đối mức lương, đừng quá “lạc hậu” so với giá cả thị trường và thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho lao động, thực hiện tốt chế độ, chính sách để tạo niềm tin cho người lao động muốn gắn bó lâu dài với công việc. Đã đến lúc, doanh nghiệp và người lao động phải có cái nhìn đúng đắn trong mối tương quan giữa người sử dụng lao động và người lao động, kịp thời chấn chỉnh, hài hòa quyền lợi và trách nhiệm cho hai bên.

Hàng năm, trong tổng số hàng chục ngàn lao động được GTVL, nhiều nhất là số LĐPT được các doanh nghiệp tự phỏng vấn tuyển dụng. Tuy nhiên, ngành chức năng chưa thống kê được số lao động làm nơi này chưa được bao lâu lại nghỉ việc chuyển sang nơi khác. Chưa kể các địa phương chứng thực hồ sơ xin việc nhiều lần cho một lao động trong năm... nên số lao động được GTVL theo báo cáo chưa phản ánh chính xác tình hình lao động - việc làm của thành phố.

Lãnh đạo các đơn vị, ngành chức năng đều cho rằng: Không thể qui trách nhiệm việc chuyển đổi nhận thức về việc làm, thu nhập của LĐPT cho bất kỳ một tổ chức, đoàn thể. Đó là trách nhiệm chung của xã hội và cộng đồng. Muốn giải bài toán lực lượng LĐPT cần phải có thời gian, sự hợp lực của chính quyền, đoàn thể địa phương trong tuyên truyền, giáo dục về ý thức tự lực tìm việc làm theo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, kinh tế, để không vuột thời cơ, tụt hậu trong tiến trình CNH - HĐH thành phố tương lai.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết