12/05/2008 - 23:13

Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Vì sao chưa hấp dẫn khách quốc tế ?

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng đất trù phú ruộng vườn, sông nước mênh mông, cây lành trái ngọt, tôm cá đầy ắp... được ví như xứ sở văn minh lúa nước, sông nước miệt vườn. Thế nhưng hiện nay, ĐBSCL vẫn chưa là điểm “dừng chân” của du khách quốc tế. Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến vùng ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng du khách nước ngoài trong cả nước. Vì sao?

TIẾP THỊ... YẾU!

Thời gian qua, công tác quảng bá du lịch của ĐBSCL ra nước ngoài còn rất ít. Những sản phẩm du lịch đơn điệu, thiếu hấp dẫn du khách nước ngoài. Mặt khác, một hoạt động quan trọng để quảng bá và đưa khách quốc tế đến ĐBSCL đó là các doanh nghiệp lữ hành. Nhưng lực lượng kinh doanh lữ hành không chỉ ít, mà còn thiếu tính chuyên nghiệp và chỉ mới làm vai trò nối tua cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế (LHQT) ở các trung tâm lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, 13 tỉnh, thành ĐBSCL mới có 18 doanh nghiệp LHQT trong tổng số 629 doanh nghiệp LHQT của cả nước, chiếm khoảng 2,8%. Tiền Giang là tỉnh có số doanh nghiệp LHQT nhiều nhất (9 doanh nghiệp) chiếm một nửa số doanh nghiệp LHQT của vùng.

Du khách nước ngoài đến Cần Thơ. 

Cần Thơ là thành phố trung tâm, đồng thời được xác định là trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL nhưng hiện chỉ có 1 doanh nghiệp LHQT. Hiện tại, còn 6 tỉnh (Long An, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng) chưa có doanh nghiệp LHQT. Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), phân tích: “ĐBSCL với đặc trưng miệt vườn sông nước, cây trái... đã và đang trở thành một vùng du lịch hấp dẫn, là nơi thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, khả năng thu hút trực tiếp khách đến (inbound) của các doanh nghiệp LHQT trong vùng còn rất hạn chế. Hiện tại, các doanh nghiệp trong vùng chủ yếu kinh doanh khách nội địa và khách đi ra nước ngoài du lịch (outbound). Thậm chí, các doanh nghiệp LHQT chưa trực tiếp khai thác, ít nghiên cứu, tiếp cận và thâm nhập thị trường nước ngoài. Đội ngũ hướng dẫn viên quốc tế còn quá ít. Tính chủ động, năng động của nhiều doanh nghiệp lữ hành của vùng còn thấp. Điều đó dẫn đến hệ quả là lượng khách quốc tế và trong nước tới tham quan du lịch các tỉnh ĐBSCL còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch to lớn của cả vùng”.

SẢN PHẨM ĐƠN ĐIỆU...

Theo kết quả khảo sát của Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, một doanh nghiệp du lịch đã nhiều năm nay khai thác tuyến điểm tham quan ĐBSCL như các tuyến đường bộ (TP Hồ Chí Minh-Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Châu Đốc, Phú Quốc) hay đường sông như (Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Mỹ Tho, Vĩnh Long), rất nhiều du khách trong và ngoài nước than phiền tình trạng nhiều điểm tham quan du lịch tại ĐBSCL đã và đang tiếp tục bị thương mại hóa. Do đó, dần làm mất đi bản chất đặc trưng và tính tự nhiên của các điểm tham quan.

Hiện nay, chỉ có thành phố Cần Thơ là nơi có một số khách sạn đạt chuẩn, còn các địa phương khác đang rất thiếu cơ sở lưu trú cho khách hoặc có khách sạn nhưng không đạt chuẩn, nên khó thu hút các chương trình tua dài ngày. Nhà hàng cũng vậy, ngoài Mỹ Tho và Cần Thơ, rất khó tìm các nhà hàng đạt chuẩn để khách quốc tế ăn trưa và tối... Ông Võ Anh Tài, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho rằng ĐBSCL muốn thu hút du khách cần phải hợp tác chặt chẽ với các hãng lữ hành có uy tín để xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động nhằm duy trì các sản phẩm có sẵn và tìm thêm các sản phẩm mới. Cần duy trì và phát triển các tua sẵn có hiện nay như tua xe đạp, tua xe lôi, tua xe ngựa... vốn rất được du khách nước ngoài ưa chuộng. Những con đường làng ven sông, lạch rất đẹp và hấp dẫn, thích hợp để đưa vào các chương trình tham quan tại ĐBSCL. Du khách có thể tham gia các hiking tua (điền dã), biking tua (du lịch xe đạp) trên những con đường làng. Kết hợp loại hình homestay (lưu trú tại gia đình) và tham gia công việc đồng áng, theo kiểu “một ngày làm nông dân Nam bộ”. Các lễ hội dân gian Nam bộ, lễ hội trái cây nên được tổ chức luân phiên, định kỳ ở các tỉnh, thành ĐBSCL để quảng bá và thu hút khách du lịch.

LIÊN KẾT ĐỂ TẠO... “THƯƠNG HIỆU”

ĐBSCL có nhiều làng nghề đặc trưng như làm nón, dệt chiếu, làm lưỡi câu, làm hạt sen... nhưng các công ty du lịch địa phương chưa khai thác sản phẩm này để làm thành các chương trình du lịch. Các tỉnh, thành ĐBSCL cần hợp tác, đầu tư các khu nghỉ dưỡng miền quê và khu nghỉ dưỡng riêng biệt gắn liền với sông nước, vườn cây ăn trái... để tạo nét riêng, đặc thù cho khu vực ĐBSCL.

Các chuyên gia du lịch “phác họa”, ĐBSCL nên liên kết làm 3 cụm du lịch tiêu biểu: cụm du lịch tả ngạn sông Tiền (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp); cụm du lịch hữu ngạn sông Tiền và sông Hậu (Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau); cụm du lịch An Giang-Kiên Giang. Theo đó hình thành các sản phẩm du lịch như ở cụm tả ngạn sông Tiền là tham quan di tích văn hóa lịch sử, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, tham quan cuộc sống đời thường của cư dân các cù lao sông Tiền, tham quan chợ nổi Cái Bè, du lịch làng nghề, vườn quốc gia tràm chim Tam Nông, sân chim Vàm Hồ, du lịch sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười kết hợp với loại hình lưu trú tại gia đình... Cụm hữu ngạn sông Tiền và sông Hậu khai thác các lợi thế du lịch tham quan, mua sắm, ẩm thực kết hợp với du lịch sinh thái miệt vườn; du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng-Phong Điền-Ngã Bảy; du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh, lung Ngọc Hoàng; du lịch văn hóa lễ hội cộng đồng Khmer, du lịch đường sông liên tuyến quốc tế sông Tiền-sông Hậu-Campuchia. Cụm du lịch An Giang-Kiên Giang khai thác các thế mạnh du lịch biển, đảo Hà Tiên-Phú Quốc; du lịch lễ hội vía Bà chúa Xứ núi Sam, lễ hội Nguyễn Trung Trực, du lịch ở Phú Quốc và du lịch đường bộ liên tuyến Campuchia-Thái Lan; tuyến du lịch đường biển dọc theo vịnh Thái Lan...

Để thu hút du khách, ĐBSCL cần phải liên kết đầu tư xây dựng các mô hình du lịch có đặc trưng riêng biệt của vùng. Qua đó, tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, hấp dẫn hơn.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Chia sẻ bài viết