25/06/2019 - 11:10

Vì sao chị em đau nhức xương khớp? 

Phụ nữ tuổi trung niên, giai đoạn tiền mãn kinh thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, nhất là các bệnh xương khớp, khiến chị em đau nhức, chất lượng cuộc sống suy giảm.

Tập thể dục đều đặn là cách đơn giản và hữu hiệu, giúp chị em rèn luyện sức khỏe.

Tập thể dục đều đặn là cách đơn giản và hữu hiệu, giúp chị em rèn luyện sức khỏe.

Bệnh do tuổi tác

Theo bác sĩ CKII Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, khoảng 80-90% phụ nữ tuổi trung niên (giai đoạn tiền mãn kinh khoảng 42-50 tuổi) có các triệu chứng về cơ xương khớp. Chị em thường trải qua các cơn đau mơ hồ vùng cột sống lưng, cột sống cổ; đau mỏi các khớp gối khi đi lại nhiều, hoặc lên xuống thang; có hiện tượng tê cứng các khớp bàn, ngón tay khi ngủ dậy; sưng đau 1 khớp nào đó như khớp cổ tay, cổ chân, hoặc đau gót chân khi đi lại do bị gai gót. Các khớp đau thường không có hiện tượng viêm (như sưng, nóng, đỏ). Những triệu chứng này có thể tự khỏi hoặc giảm khi chị em tập thể dục, vận động vừa sức, nhưng có khi phải kết hợp uống thuốc và tập vật lý trị liệu mới khỏi.

Ngoài ra, chị em tuổi trung niên còn hay mắc phải một số bệnh lý về khớp khác như viêm khớp dạng thấp; Lupus ban đỏ biến chứng khớp; thoái hóa khớp như thoái hóa cột sống lưng, cột sống cổ, thoái hóa khớp gối, thoái hóa các khớp bàn ngón tay, ngón chân... Loãng xương cũng bắt đầu ở lứa tuổi này và một số bệnh lý khác như viêm khớp vảy nến, lao khớp,...

Cùng với các bệnh về cơ xương khớp, ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, nồng độ nội tiết tố buồng trứng bắt đầu suy giảm, nguy cơ đối mặt nhiều bệnh lý khác. Do vậy, việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/1 lần đối với chị em là cần thiết. Việc điều trị bằng nội tiết tố phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ và được theo dõi chặt chẽ, người bệnh không tự ý mua uống hay nghe nói theo kinh nghiệm truyền miệng.

Bệnh do thói quen

Bên cạnh các bệnh lý có thể gặp phải do tuổi tác, chị em tuổi tiền mãn kinh thường mắc các bệnh lý về khớp do sai tư thế làm việc, hay ngồi xổm, cúi, mang, vác vật nặng đột ngột, ngồi một tư thế lâu, ít vận động, hoặc do mang giày cao gót trong thời gian dài. Tuổi này các khớp bắt đầu có triệu chứng thoái hóa, nếu phải chịu trọng lực cơ thể lên các khớp kéo dài, áp lực cơ thể chèn ép lên phần xương dưới sụn, gây đau nhức khi vận động hoặc khi đổi tư thế. Tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh tốc độ phân hủy xương xảy ra nhanh và nhiều hơn quá trình tạo xương, làm xương bị giảm cả về chất lượng và khối lượng dẫn tới lớp sụn mỏng dần, xương dưới sụn bị lão hóa, gây đau và dẫn tới thoái hóa các khớp. Mang giày cao gót thời gian kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến khớp gối và cột sống lưng.

Bác sĩ Thu Hương cho biết, tùy theo nguyên nhân gây đau nhức trong các bệnh lý về cơ xương khớp mà bác sĩ có hướng điều trị cụ thể. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng tê cứng kèm sưng, nóng đỏ các khớp bàn ngón tay vào buổi sáng khi thức dậy và kéo dài trên 1 giờ, bác sĩ sẽ thăm khám và làm một số các xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán bệnh. Các trường hợp đau nhức xương khớp khác, tùy nguyên nhân, tính chất đau, vị trí đau, yếu tố tác động mà thầy thuốc sẽ quyết định làm một số xét nghiệm, hoặc chụp X-Quang, chụp MRI từng cơ quan bị đau, từ đó có hướng điều trị.

Khi có các triệu chứng bất thường về cơ xương khớp, chị em nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để được khám và tư vấn. Không nên tự ý mua thuốc uống vì có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt, không nên mua các thuốc giảm đau được quảng cáo là thuốc gia truyền vì thường có pha trộn corticoide. Các thuốc này lúc mới uống thấy giảm đau nhanh, nhưng về sau hậu quả để lại rất nguy hiểm, gây suy tuyến thượng thận, mục xương, tiểu đường, biến chứng tim mạch...

Chế độ dinh dưỡng với chị em ở giai đoạn này rất quan trọng. Tăng cường bổ sung lượng canxi giúp xương chắc khỏe bằng các thực phẩm như trứng, sữa, phô mai, tôm cua, cá, ốc... Ăn các chất béo có lợi cho sức khỏe như ăn cá giúp tăng cường Omega 3 đồng thời giúp cân bằng hormon. Ăn nhiều loại rau xanh, trái cây tươi hàng ngày giúp bổ sung vitamin C và nhiều dưỡng chất làm chậm sự lão hóa và phòng ngừa ung thư. Việc sử dụng đậu nành giúp cân bằng các triệu chứng của tuổi mãn kinh, cung cấp nhiều chất xơ. Tập luyện thể dục thường xuyên như đi bộ, bơi lội, tập yoga, giúp cơ xương khớp săn chắc, dẻo dai, giảm các triệu chứng đau nhức. Duy trì khám phụ khoa 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần, nếu cần các bác sĩ sẽ tư vấn điều trị bổ sung nội tiết tố.

Bài, ảnh: HẢI TIẾN

Chia sẻ bài viết