31/03/2017 - 20:40

Vì sao bóng đá Anh sa sút trên đấu trường châu Âu?

Khi tiếng còi kết thúc trận lượt về Monaco- Manchester City vang lên với phần thắng chung cuộc nghiêng về đội bóng Pháp, đồng nghĩa bóng đá Anh chỉ còn một đại diện góp mặt tại tứ kết UEFA Champions League (UCL) năm nay.

Trong những năm gần đây, bóng đá Anh liên tiếp “thủng lưới” tại đấu trường châu Âu. Ảnh: AFP 

Trong 5 mùa giải gần đây, bóng đá xứ sương mù chỉ có 4 lần góp mặt trong tốp 8 đội mạnh nhất UCL và đây là con số đáng buồn nếu so với Tây Ban Nha (15 lần), Đức (9) và cả Pháp (6). Soi kỹ hơn chúng ta sẽ thấy 4 lần này thực ra cũng chỉ xoay quanh 3 cái tên Manchester United, Chelsea, Manchester City và nay là Leicester City.

Từ năm 2008 đến 2012, Ngoại hạng Anh (EPL) được đánh giá là giải đấu đáng xem nhất trong 5 giải hàng đầu châu Âu (EPL, La Liga, Bundesliga, Serie A, Ligue 1). Kết quả dựa theo thống kê của UEFA về số lượng các CLB của một quốc gia góp mặt ở đấu trường châu Âu. Theo đó, Anh thường đóng góp 3/4 đội bóng tại bán kết UCL trước đây. Và điều này cũng tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đội bóng ở EPL. Cụ thể, từ mùa giải 2004-2005 đến 2009-2010, 4 gương mặt của Big Four là Arsenal, Chelsea, Liverpool và Manchester United luôn là những đại diện của Anh tại UCL. Sau mỗi mùa giải UCL, họ thường bỏ túi bộn tiền và tái đầu tư tăng cường lực lượng để rồi tiếp tục duy trì sự thống trị của mình trước 16 đội bóng khác tại EPL. Quy trình này cứ thế lặp đi lặp lại.

Sự thống trị này chỉ kết thúc vào năm 2010 khi Liverpool văng khỏi Big Four. Cũng từ đó, 4 đội bóng mạnh nhất nước Anh chưa bao giờ duy trì sự ổn định của họ từ mùa giải này sang mùa giải khác, cũng như không thể bảo vệ được chức vô địch. 4 mùa giải EPL gần đây đều chứng kiến 4 cái tên khác nhau đăng quang. Một điều không phải bàn cãi là các CLB Anh đã thi đấu dưới sức mình trong 2 mùa giải UCL gần đây. Điển hình là Arsenal đã thảm bại và Man City chưa thể tiến xa ở UCL.

Một lý do khác có thể đã khiến các đội bóng Anh không làm nên đại sự ở UCL là do EPL không có kỳ nghỉ Đông- điều trái ngược với La Liga ở Tây Ban Nha và Bundesliga ở Đức- hai nền bóng đá đang thống trị châu Âu hiện nay. Trong khi các CLB ở La Liga và Bundesliga trải qua 2 tuần nghỉ xả hơi thì các CLB EPL phải căng mình thi đấu, có khi 3- 4 trận. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến sức lực của các cầu thủ của những đội bóng tham gia các giải trong và ngoài nước. 

BÌNH DƯƠNG (Theo ESPN, Guardian)

Chia sẻ bài viết