25/07/2016 - 20:29

Vi phẫu - nối liền các bộ phận cơ thể bị đứt rời

Nếu như trước đây, việc nối lại những bộ phận cơ thể đứt rời rất gian nan, thì ngày nay, việc nối lại những bàn tay, ngón tay, chân, dương vật… đứt rời trong tầm tay bác sĩ. Ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT), các bác sĩ nối liền và trả lại chức năng hoạt động cho nhiều bộ phận đứt lìa, giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường...

Nhìn gương mặt của chị Trần Hồng Gấm, ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đang điều trị tại Khoa Ngoại chấn thương, BVĐKTƯCT, ai cũng bùi ngùi thương cảm. Đêm giao thừa năm 2016, sau trận cãi vã, chị Gấm bị chồng tạt a-xít, gây bỏng nặng nửa gương mặt, cổ, ngực. Gia đình đưa chị lên BV huyện, tỉnh rồi chuyển đến BVĐKTƯCT. A-xít hủy hoại gương mặt, "ăn" mất lỗ mũi, miệng, da co rút lại, kéo cổ dính xuống vai... Qua 6 lần vi phẫu, các bác sĩ cắt lọc phần thịt bị hư, tạo lỗ mũi, miệng; lấy da ở đùi đắp lên mặt... Mẹ bệnh nhân xúc động cho biết: "Gia đình tôi mang ơn bác sĩ Tính, bác sĩ Lập đã nỗ lực tái tạo gương mặt cho con tôi. Có những lần mổ kéo dài cả ngày rất mệt mỏi nhưng bác sĩ lúc nào cũng vui vẻ, tận tình. Có người khuyên tôi đưa con lên TP Hồ Chí Minh nhưng với sự tận tụy của các bác sĩ, gia đình tôi quyết định điều trị ở đây".

Như Ý bị lột da đầu do tóc cuốn vào máy ép nước mía.
Ảnh: CTV 

 Như Ý sau khi được vi phẫu “ghép” da đầu, tóc đã mọc. Ảnh: CTV

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tính, Khoa Ngoại chấn thương, người phẫu thuật cho bệnh nhân Hồng Gấm, cho biết: "Vi phẫu được hiểu là kỹ thuật khâu nối các mạch máu nhỏ trong phạm vi dưới 1 mm đường kính bằng những sợi chỉ 15-42 micron (khoảng 1/10 đường kính của sợi tóc) dưới kính hiển vi phẫu thuật phóng đại 10-20 lần. Chị Gấm bị bỏng a-xít rất nặng, phải trải qua ít nhất 3 lần mổ nữa mới có thể tái tạo xong phần gương mặt. Do a-xít hủy hoại nặng, có 1 trong 6 lần phẫu thuật, chúng tôi lấy da vai cấy lên mặt nhưng mạch máu không nuôi được. Hôm sau, chúng tôi tiếp tục lấy phần da vai đưa xuống đùi và lấy da đùi cấy lên mặt". Phần da đưa lên phải được làm sạch, cắt mỏng để phù hợp với độ mỏng của da mặt. Sau đó, dưới kính hiển vi, đánh dấu các mạch máu, rồi các bác sĩ với những ngón tay điêu luyện nối các mạnh máu giữa phần da bị tách rời và các mạnh máu ở trên mặt.

Đây không phải lần đầu các bác sĩ đối mặt với những ca khó. Năm 2012, bé Huỳnh Như Ý, quận Bình Thủy bị máy ép nước mía cuốn tóc và lột sạch da đầu. Các bác sĩ thực hiện kỹ thuật vi phẫu "ghép" da đầu cho Như Ý. Ca vi phẫu thành công và mái tóc Như Ý mọc dài trở lại. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tính cho biết: "Diện tích da đầu rộng, mạch máu lại nhỏ, chằng chịt như mạng nhện nên việc ghép lại rất vất vả. Trước hết các bác sĩ làm sạch da đầu, loại bỏ phần bị hư, dơ, sau đó dưới kính hiển vi, các mạch máu được phóng to, bác sĩ mới tỉ mẩn tìm mạch máu phù hợp để nối lại, ca mổ kéo dài 10 giờ". Sau ca bệnh của Như Ý, các bác sĩ cũng "ghép" thành công da đầu cho vài bệnh nhân nữa. Trong đó có bệnh nhân bị lột da đầu từ chân mày đến tận ót.

Năm 2011, BVĐKTƯCT bắt đầu triển khai vi phẫu. Ngoài nối ngón tay, chân, ghép da đầu... các bác sĩ còn thực hiện nối dương vật. Bác sĩ Nguyễn Phước Lộc, Phó khoa Ngoại niệu, cho biết: "Phẫu thuật nối dương vật bị đứt lìa là cấp cứu niệu khoa được thực hiện từ lâu. Các bác sĩ phẫu thuật 3 ca bị cắt lìa dương vật. Trong đó 2 ca thất bại do bệnh nhân đến trễ (sau 6 giờ) và được nối mạch máu bằng mắt thường; 1 ca thành công khi bệnh nhân được nối dương vật và mạch máu bằng vi phẫu. Trường hợp này, bệnh nhân đến BV sau 8 giờ dương vật bị cắt lìa. Bệnh nhân tái khám vài lần và mức độ phục hồi gần như hoàn toàn".

Từ khi triển khai đến nay, các bác sĩ nối 56 ca bị đứt ngón tay, ngón chân, bàn tay, bàn chân; 2 ca đứt lìa dương vật; 5 ca bị lột da đầu; 34 ca chuyển vạt tự do tạo hình khuyết hỏng phần mềm, với tỷ lệ thành công 80% - 90%. Trong đó các bác sĩ xác định các ca thất bại là mạch máu không nuôi được, trơ ra, chết... Trong trường hợp này, bác sĩ phải dùng phương pháp khác. Ví dụ: Nếu da đầu "ghép" mà thất bại, mạch máu không nuôi được thì bác sĩ phải dùng da đùi ghép lên để làm lành vết thương, nhưng về mặt thẩm mỹ chưa đạt do tóc không mọc lại được. Vì vậy, đối với những trường hợp chi thể hay cơ quan khác bị đứt lìa có thể phẫu thuật nối lại bằng kỹ thuật vi phẫu thành công là phương pháp điều trị tốt nhất, mang lại chức năng vận động, che phủ làm lành tổn thương và đạt yêu cầu về mặt thẩm mỹ. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tính khuyến cáo, thời gian vàng thực hiện vi phẫu là 6 giờ; phần bị đứt lìa (da đầu, ngón tay...) bỏ gạc ẩm, để vào túi ni lông, rồi mới đặt trong thùng nước đá. Nếu lấy phần bị đứt lìa, để trực tiếp vào nước đá thì không nối được... Một số ca do người dân tự đến BV, bảo quản không đúng hoặc vết thương gãy nát nhừ, để quá lâu, bác sĩ không dùng vi phẫu nối được. Đối với nối dương vật, bác sĩ Nguyễn Phước Lộc khuyến cáo thêm, thời gian vàng để phẫu thuật thành công là bệnh nhân vào viện trước 6 giờ sau khi bị cắt dương vật và đoạn dương vật này phải để trong túi ni lông sạch, đặt trong thùng nước đá. Phần dương vật bị chảy nhiều máu phải được băng ép bằng gạc vô trùng.

Hiện nay, BVĐKTƯCT thực hiện thành công các trường hợp vi phẫu, không cần chuyển bệnh đến TP Hồ Chí Minh. Để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của bệnh nhân, các bác sĩ đang nỗ lực triển khai tái tạo hình dương vật (bị cắt nhiều năm), tạo hình mặt, lỗ tai...

H.HOA

Chia sẻ bài viết