“Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi, dịu dàng trong tiếng ru hời. Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi, trầm sâu trong tiếng đất trời”, ca khúc “Giai điệu Tổ quốc” được đội văn nghệ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn mở đầu Hội diễn Văn nghệ truyền thống Trường Đại học Cần Thơ năm 2025. Phía dưới hội trường, hàng ngàn cánh tay sinh viên vẫy theo điệu nhạc, hát theo. Hình ảnh thật đẹp và gây nhiều xúc động, khi những người trẻ yêu giai điệu tự hào.

Chương trình thi diễn ấn tượng của Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn là đơn vị có phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh của Trường Đại học Cần Thơ. Với thành tích đạt giải Nhất toàn đoàn hội diễn năm 2024, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn được chọn thi mở màn hội diễn năm nay. Khoa đã chọn chủ đề chương trình thi diễn là “Điều bé nhỏ phi thường” để chuyển tải những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc. Đó là “Giai điệu Tổ quốc” để kể về một đất nước nhỏ bé mà tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình và vươn mình thì vĩ đại, lớn lao. Là lời ca dâng Bác qua những câu vọng cổ mượt mà, hay là những khúc ca hòa bình thật đẹp giữa những cánh chim bồ câu trắng bay liệng trên bầu trời.
Đó còn là những con người nhỏ bé nơi Địa đạo Củ Chi, chịu bao gian khổ, hy sinh, “nằm gai nếm mật” giữa mưa bom bão đạn, để đất nước được hòa bình. Tiết mục múa tái hiện lịch sử Địa đạo Củ Chi được đơn vị dàn dựng rất công phu, kết hợp giữa ngôn ngữ múa, âm nhạc và ánh sáng. Ở địa đạo sâu, có những quyết tâm ngút trời cho ngày toàn thắng, giải phóng quê hương, có những con người gan thép, hiên ngang và cũng có những mối tình “nở hoa” trong lòng đất. Đó là “Mặt trời trong bóng tối”, hay như hai câu thơ của nhà thơ Dương Hương Ly: “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất/ Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam”. Em Nguyễn Lan Phương, sinh viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, hào hứng nói: “Em rất ấn tượng với từng tiết mục của chương trình “Điều bé nhỏ phi thường”. Trong đó, em thích nhất là tiết mục múa, rất hay và xúc động. Ý nghĩa lắm!”.
Là đơn vị đồng giải Nhất vào mùa hội diễn 2024, đơn vị Khoa Luật mang đến chương trình nghệ thuật “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” cũng mang đậm tâm thế biết ơn và tự hào dân tộc. Đó cũng là cảm hứng của nhiều đơn vị dự thi khác, như Trường Nông nghiệp với “Bản trường ca hòa bình”, Trường Kinh tế với “Vĩnh tiến hòa bình”… Trường Thủy sản thì chọn chủ đề “Nguồn cội dẫn bước tương lai” để kể về câu chuyện hào hùng của dân tộc với đơn ca “Gió và tình yêu thổi qua đất nước tôi”, tam ca “Tự tình quê hương”… và khép lại với tốp ca “Tôi tự hào là tương lai Việt Nam”: “Tuổi trẻ ơi vươn lên, một niềm tin sáng thêm. Một trí thức sáng tạo, một con tim khát khao, một Việt Nam ngời sáng”.
Hội diễn Văn nghệ truyền thống là hoạt động được Trường Đại học Cần Thơ tổ chức định kỳ hằng năm vào dịp Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5). Năm nay có 14 đơn vị đến từ các khoa, viện, trường trực thuộc Trường Đại học Cần Thơ tham gia, với 14 chương trình nghệ thuật đặc sắc, huy động gần 800 thí sinh tham gia biểu diễn. Theo Ban Tổ chức, khi xây dựng chương trình, các đơn vị có sự quan tâm đến bản sắc dân tộc, màu sắc văn hóa địa phương và đặc trưng ngành nghề của đơn vị. Đồng thời, các đơn vị cũng chú ý đến điều kiện khả năng của đơn vị mình sao cho ít tốn kém, đạt hiệu quả về nghệ thuật. PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Các đơn vị đã lên kế hoạch, hăng say tập luyện ngay từ đầu tháng 3-2025 và mang đến hội diễn những chương trình dự thi rất hấp dẫn, ấn tượng.
Quả vậy, hầu hết các chương trình dự thi đều mang đậm tính nghệ thuật, chuyên nghiệp, chỉn chu từ kịch bản, thiết kế, dàn dựng, đến biểu diễn. Thành công của hội diễn còn ở hàng ngàn khán giả dự xem các đêm thi, cổ vũ nhiệt tình, tạo nên không khí sôi động, ý nghĩa.
Không hẹn mà gặp, nhiều chương trình gặp nhau ở thông điệp hòa bình, giá trị của hòa bình và trách nhiệm của người trẻ viết tiếp câu chuyện hòa bình. Đó là những giai điệu tự hào mới mẻ và rất đẹp được cất lên từ một thế hệ trí thức trẻ trước kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bài, ảnh: DUY KHÔI