Truyện ngắn: Tuyết Luôn Võ
Khi mặt trời vẫn còn ẩn sau bụi tre, chú gà trống vẫn còn nằm im trên cây nhãn trước nhà, thì An đã dậy cùng mẹ hấp bánh bò để kịp buổi chợ sớm mai. Bánh bò mới ra lò, hương thơm hòa quyện cùng làn sương sớm, An hít một hơi rồi mỉm cười vui vẻ: “Bánh bò mẹ làm là nhất, thơm ơi là thơm”. Cha An đang đút củi vào lò, quay đầu lại chọc: “Vậy trung thu này ăn bánh bò không ăn bánh trung thu được không bé An?”. An sững sờ rưng rưng đôi mắt đỏ hoe lí nhí trả lời: “Dạ, được”. Mẹ cười hiền xoa đầu An: “Cha chỉ giỡn thôi, trung thu thì làm sao ăn bánh bò được...”. An mừng rỡ, mắt sáng lấp lánh nhìn mẹ.
Nhà An thuộc diện cận nghèo. Năm An ba tuổi, cha bị tai nạn giao thông phải cưa chân. Để có tiền lo cho gia đình nhỏ bốn người, chạy chữa cho cha, mẹ An nhận làm thuê, từ cấy lúa, tới làm cỏ vườn, giúp việc nhà theo giờ. Sáng sớm thì mẹ làm bánh bò đem ra chợ bỏ mối, rồi đi làm thuê, An tan học lại phụ giúp cha chăm em trai là Tin, nhỏ hơn An hai tuổi. Năm nay An vào lớp một, ngoan ngoãn hiền lành, được thầy cô, bạn bè thương mến.
Một hôm, trong bữa cơm, An ấp úng hỏi: “Con được cô giáo chọn diễn văn nghệ trung thu này. Con vào đội múa được không mẹ?”. Cha xoa đầu An, còn mẹ cười hiền như mọi khi: “Sao mà không cho được”. An sung sướng ôm em Tin xoay vòng vòng. Mẹ cùng cha nhìn An trìu mến nhưng đôi mắt ưu tư. Cha mẹ biết con gái thích múa hát, thích tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường; nhưng lại rầu lo đến ngày biểu diễn không chăm lo cho con được váy áo xinh đẹp để lên sân khấu. Vào đầu năm học, phải chi tiêu rất nhiều, dù đã được nhà trường hỗ trợ một phần. Cũng may An hiểu chuyện. Mẹ An nhớ hôm đưa An đi chợ xã chọn cặp, chị thấy con gái dừng lại rất lâu ở chiếc cặp màu hồng sắc sảo, nhưng rồi lướt đến chọn chiếc cặp màu tím nhạt không mấy xinh xắn và lộng lẫy. Lúc về chị hỏi An: “Sao lúc nãy An không lấy chiếc cặp màu hồng cho đẹp?”. “Mắc lắm mẹ ơi, giá bằng cả hơn ba trăm cái bánh bò” - An tỏ vẻ người lớn, khiến chị vừa thương vừa xót con.
Ngày trung thu gần kề, mẹ An lượm về mấy lon sữa bò và lon bia rỗng. Cha rửa sạch, tỉ mẫn hoàn thành chiếc lồng đèn có tay cầm và cả lồng đèn xe đẩy giản dị xinh xắn. “Cha ơi con thích lồng đèn ông sao nữa, cha có làm được không?”, em Tin hớn hở. “Được, Tin thích lồng đèn nào cha cũng làm được hết”. Cha An nói vậy rồi lại bắt tay tìm thanh tre, giấy màu, hồ dán... Tin thì vui vẻ đẩy xe lồng đèn đi nhà bạn Bin hàng xóm để khoe. Vừa thấy lồng đèn xe đẩy, Bin lập tức mê tít, chạy sang nhà xin cha An làm cho một cái. Cũng như Tin, em Bin hớn hở quây quanh cha An xem làm lồng đèn từ những vật dụng đơn sơ, dù từ cả tháng trước đó khi các cửa hàng bắt đầu bán lồng đèn trung thu, thì Bin đã có lồng đèn điện tử phát nhạc, lại có đèn chớp nháy. Nhà Bin khá giả, cha mẹ cưng chiều hai chị em Bin lắm.
Trong lúc Tin và Bin líu ríu theo cha An làm lồng đèn, âm thanh vui vẻ của trẻ con vang lên trong buổi hoàng hôn chiều muộn, thì ngoài sân tiếng con phèn sủa inh ỏi. Mẹ của Bin sang chơi, còn đem theo một hộp bánh trung thu tặng nhà An ăn lấy thảo. Mẹ An thỉnh thoảng qua nhà hàng xóm giúp việc nhà rồi làm cỏ vườn, gia đình Bin ai cũng đối xử với gia đình An rất tốt. Cả nhà An đều thấy may mắn vì có được người hàng xóm tốt bụng.
Buổi tối ngày rằm tháng tám, trăng tròn sáng rọi cả một khoảng trời đêm, ánh đèn lung linh từ những chiếc lồng đèn cùng tiếng cười đùa của trẻ thơ làm căn nhà nhỏ càng thêm ấm áp. Rót tách trà, nhìn vợ con quây quần đón trăng, mắt cha An ươn ướt. Mẹ An nhẹ nắm bàn tay của cha, rồi nói với chị em An: “Mẹ cắt bánh trung thu cho hai đứa rồi nè”.
An và Tin háo hức đưa hai tay nhận miếng bánh đã được cắt làm bốn trên tay. An đưa lên mũi nhắm hờ mắt hít hà rồi cười tít, cắn một miếng nhỏ nhâm nhi trong miệng rồi hạnh phúc nói với cha mẹ: “Con ước gì tất cả các bạn nhỏ đều được ăn bánh trung thu ngon vào đêm trung thu”. Cha mẹ An nghe điều ước ngây thơ của em, đều mỉm cười, khẽ nắm tay nhau thêm chặt, tự nhủ phải cho con thêm nhiều mùa trung thu đoàn viên, thêm đủ đầy và hạnh phúc.