08/10/2017 - 09:03

VFC tạo sức hút phim truyền hình Việt 

Thời gian dài, phim truyền hình Việt không giữ được khán giả vì chất lượng chưa tốt và sự cạnh tranh của mảng truyền hình thực tế. Nhưng gần đây, nhiều bộ phim của Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) đã tạo “cơn sốt”, thu hút rất đông khán giả, truyền thông.

“Nguời phán xử”- bộ phim rất được yêu thích do VFC sản xuất.  Ảnh: VTV.vn

Những bộ phim mang thương hiệu VFC những năm gần đây chiếm trọn tình cảm khán giả, như “Tuổi thanh xuân”, “Zippo, mù tạt và em”, “Chiều ngang qua phố cũ”… nhất là hai bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử”. Đó là những bộ phim có lượt rating (chỉ số khảo sát khán giả theo dõi truyền hình) cao ngất, các trang mạng xã hội tràn ngập những thông tin bình luận, bày tỏ cảm xúc. Một điển hình là chỉ sau hơn 25 giờ trailer phim “Sống chung với mẹ chồng” được đăng tải, đã có 3,6 triệu lượt xem, hơn 56.000 lượt thích, gần 57.000 lượt chia sẻ, 32.000 lượt bình luận trên trang fanpage chính thức của phim. Câu hỏi đặt ra là, điều gì khiến VFC thành công đến vậy?

Đầu tiên có thể thấy, dù là phim thuần Việt hay Việt hóa thì chất Việt, phù hợp với thị hiếu người Việt vẫn được đảm bảo. Ví như phim “Người phán xử” được Việt hóa từ phim Israel “The Abitrator”, vẫn câu chuyện về tranh giành quyền lực của giới xã hội đen và hành trình chống tội phạm của cơ quan chức năng nhưng phim không còn những cảnh quá bạo lực, nhạy cảm mà thay vào đó là những phân cảnh tâm lý, khai thác chiều sâu tình huống và nhân vật. Đạo diễn Khải Hưng cho biết, phim đã được Việt hóa, làm mới hơn 50% so với kịch bản gốc và phần hậu kỳ lại tiếp tục đảo đoạn, dựng đoạn để phù hợp với khán giả Việt. Còn với “Sống chung với mẹ chồng”, phải nói chẳng có những tình huống phim to tát, những mâu thuẫn không thể giải quyết mà chỉ là những chuyện gia đình, chuyện mẹ chồng- nàng dâu… song thu hút khán giả bởi có thể bắt gặp hình ảnh đó trong đời sống.

Điều mà khán giả ghi nhận ở nhiều bộ phim do VFC sản xuất như “Tuổi thanh xuân”, “Zippo, mù tạt và em”, “Người phán xử”… là công nghệ sản xuất phim hiện đại, những góc máy và kỹ xảo rất ấn tượng; các cảnh quay được đầu tư kỹ lưỡng, chỉn chu về hình ảnh, khiến khán giả mãn nhãn. Ngoài ra, sự trưởng thành của một thế hệ diễn viên trẻ đã giúp phim truyền hình có sức hút. Những cái tên như Bình An, Nhã Phương, Hồng Đăng, Mạnh Trường, Bảo Thanh… là điển hình với khả năng diễn xuất tốt, ngoại hình đẹp và nhạy bén nắm bắt thị hiếu khán giả.

Một điều quan trọng mà nhiều nhà sản xuất phim truyền hình Việt thường mắc phải là hoặc vô tình, hoặc mặc định mà xem thường khán giả: xử lý những tình huống phim dễ và tầm thường đến vô lý, xem đoạn đầu đã biết kết cục. Sự nhàm chán vì thế mà khó tránh khỏi. VFC gần đây cho thấy sự khắc phục này. Đạo diễn Khải Hưng của “Người phán xử” cho hay, anh và ê kíp đã cố gắng làm hấp dẫn, mới lạ trong từng cảnh quay, tình tiết, làm sao để khán giả phải hồi hộp, khó đoán và tự tư duy về những diễn biến tiếp theo của phim. Thực tế, “Người phán xử” đã làm được việc này.

Nhìn lại cách làm phim VFC trong thời gian qua, việc nắm bắt thị hiếu khán giả và phân khúc khán giả trẻ, khán giả đô thị… rất được quan tâm. Nhiều dòng phim, từ tâm lý xã hội, hình sự, hồ sơ trinh sát… được khai thác phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, việc dành những khung giờ vàng như 20 giờ 10, 21 giờ hằng ngày trên các kênh vàng: VTV1, VTV3 cũng cho thấy sự đầu tư của VTV dành cho phim truyền hình Việt.

ĐĂNG HUỲNH 

Chia sẻ bài viết