Khảo sát từ Booking.com về nhu cầu của du khách trong năm 2021 cho thấy 84% du khách Việt Nam muốn có những trải nghiệm chân thật, mang đặc trưng văn hóa nơi mà họ du lịch; 100% du khách Việt mong muốn đến lưu trú ở những nơi có cam kết du lịch bền vững. Nắm bắt xu hướng này, nhiều đơn vị lưu trú tại TP Cần Thơ đã xây dựng những điểm đến gần gũi thiên nhiên, gắn kết với văn hóa bản địa.
Thuyền phòng tại Mekong Silt Ecolodge. Ảnh: Kiều Mai
Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Du lịch Hồng Hiếu (Hieutour Co., Ltd), cho biết: “Suốt những năm làm du lịch, tôi luôn muốn tạo ra những sản phẩm mới dựa trên nền tảng văn hóa bản địa. Tôi gọi mối quan hệ giữa tôi - người khai thác, làm các hoạt động du lịch với những người dân bản địa là mối quan hệ cộng sinh, bởi lẽ nếu làm tốt chúng tôi sẽ cùng phát triển, cộng đồng dân cư sẽ hưởng lợi nhiều hơn”. Do đó, khi lên kế hoạch đầu tư sản phẩm du lịch, ông Hiếu sẽ đi khảo sát, gặp gỡ người dân nhiều lần để hoàn thiện hành trình tour trước khi đưa vào trải nghiệm.
Sự hình thành của Hieu’s Cottage là một ví dụ. Hieu’s Cottage như một làng quê thu nhỏ dựa trên văn hóa bản địa của vùng đất Phong Ðiền. Trong đó, yếu tố tự nhiên được tôn trọng gần như tuyệt đối, những ngôi nhà được bao quanh bởi hàng rào cây xanh, hoa cảnh, phía trước là dòng kênh được dẫn nước trực tiếp từ sông rạch tự nhiên của Phong Ðiền. Chia sẻ về việc đầu tư cho mảng lưu trú, ông Nguyễn Hồng Hiếu, cho biết: “Chỉ số lưu trú tại Cần Thơ chưa đạt như kỳ vọng. Ðể khách lưu trú lâu hơn mình cần tạo ra nhiều trải nghiệm mới mẻ. Trên cơ sở này, tôi đã tiếp cận và khai thác những tiềm năng về làng nghề, văn hóa bản địa ở Phong Ðiền. Ðây là vốn quý du khách cần trong quá trình khám phá về vùng đất họ đến trải nghiệm”.
Khảo sát từ đường bộ đến đường thủy, ông Nguyễn Hồng Hiếu đã dần hình thành các đường tour làng nghề: chằm nón, đóng ghe, thợ rèn, làng ươm các bầu cây… tạo được sự mới mẻ khi kết hợp trải nghiệm bằng xe đạp hay chèo kayak dọc các kênh rạch. Bên cạnh đó, nhằm tái hiện không gian Nam Bộ xưa, Hieu’s Cottage có một quầy cà phê với những thức uống bình dân, thân quen từ ký ức tuổi thơ như: cà phê, đá me, mủ gòn hạt é…. Ngoài ra, còn có khu phục vụ bánh dân gian, các món ăn miền quê Nam Bộ. Hieu’s Cottage còn có chợ quê được tái hiện vào các ngày cuối tuần (thứ sáu, bảy và chủ nhật), các trải nghiệm làm tranh gạo, xem trình diễn nhạc cụ truyền thống, thử sức với võ Vovinam…
Cũng lựa chọn Phong Ðiền làm nơi đầu tư và xây dựng Mekong Silt Ecolodge, bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, Chủ khu nghỉ dưỡng Mekong Silt Ecolodge, nói: “Khi xây dựng Mekong Silt Ecolodge, tôi muốn tạo nơi để du khách có cảm giác được trở về với ngôi nhà yên bình trong ký ức làng quê Nam Bộ”. Không gian ở Mekong Silt Ecolodge được bao phủ bằng vườn cây. Riêng cây dâu được chủ Mekong Silt Ecolodge lựa chọn để làm vật liệu chính trang trí cho khu nghỉ dưỡng. Những vật liệu thân quen như: lá dừa nước, mo cau, khăn rằn… được sử dụng tinh tế trong các khâu trang trí, mang đến cảm giác thân thiện, gần gũi tự nhiên.
Ở đây, mỗi căn phòng có những thiết kế riêng biệt như những ngôi nhà tách biệt, nằm dọc theo con rạch được đào sâu, dẫn nước từ rạch Chuối. Khi được hỏi về thuyền phòng, một sáng tạo mới và điểm nhấn của khu nghỉ dưỡng, bà Huỳnh Thị Bích Tuyền chia sẻ: “Nhà tôi hồi xưa ở xóm làm than, lúc nhỏ thường theo ông bà đi ghe mua bán nên rất hiểu cảm giác của thương hồ. Tôi cũng tìm hiểu và biết được nhu cầu của du khách, nên đã lên ý tưởng làm thuyền phòng”.
Với mong muốn du khách sẽ lưu trú lâu hơn, cũng như hiểu hơn về Tây Nam Bộ, Mekong Silt Ecolodge xây dựng nhiều trải nghiệm liên kết với người dân ở địa phương, đồng thời góp phần tiêu thụ nông sản. Bà Tuyền chia sẻ: “Khi bắt tay làm du lịch, tôi mong muốn du khách sẽ có những trải nghiệm văn hóa bản địa, nhất là về làng quê xưa. Bên cạnh việc trồng các loại cây trái, rau lá đặc trưng miền Tây, chúng tôi còn tái hiện nhiều trò chơi, cách làm bánh thủ công truyền thống của ông bà xưa”. Hiện Mekong Silt Ecolodge đang xây dựng một khu làng quê Nam Bộ thu nhỏ, trong đó có những cánh đồng lúa, nhà xưa, phiên chợ quê, trình diễn các nghề truyền thống….
Ông Nguyễn Hồng Hiếu và bà Huỳnh Thị Bích Tuyền có chung niềm trăn trở là mong muốn làm du lịch nhưng không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên bản địa, cũng như hỗ trợ người dân có công ăn việc làm ổn định, nâng giá trị nông sản của họ. Việc lựa chọn Phong Ðiền lập nghiệp cũng là cơ duyên vì với định hướng phát triển Phong Ðiền trở thành đô thị sinh thái theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 27-12-2016 của Thành ủy Cần Thơ, đã đáp ứng các tiêu chí về phát triển du lịch xanh, bền vững. Chính những sản phẩm mang tính gần gũi thiên nhiên và tôn vinh giá trị văn hóa bản địa đã tạo thêm làn gió mới cho du lịch Phong Ðiền và Cần Thơ.
ÁI LAM