14/09/2011 - 13:39

Vệ tinh hỏng
không quá đáng ngại

Những ngày gần đây, các nước xôn xao khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo một vệ tinh hỏng sắp rơi xuống Trái đất.

Vệ tinh Nghiên cứu thượng tầng khí quyển (UARS) được tàu con thoi Discovery đưa lên quỹ đạo năm 1991 để đo mật độ ozone, tốc độ gió và nhiệt độ thượng tầng khí quyển. Vệ tinh nặng khoảng 6 tấn này đã cạn kiệt nhiên liệu từ năm 2005 và đang nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung tâm Điều hành không gian đặt tại Căn cứ Không quân Vandenberg, tiểu bang California. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa thể nói chính xác UARS sẽ rơi vào thời điểm nào và ở đâu.

NASA dự đoán nhiều khả năng vệ tinh chết này sẽ “hồi hương” vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Tất nhiên, phần lớn vệ tinh sẽ bốc cháy trong khi rơi nhưng khoảng nửa tấn kim loại còn sót lại sẽ rơi xuống Trái đất. Điểm đáp của số rác thải này có thể nằm giữa vĩ tuyến 57o Bắc và vĩ tuyến 57o Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc UARS sẽ rơi xuống bất cứ châu lục nào và đều là các khu vực đông dân cư. Những mảnh vỡ khác sẽ văng ra các khu vực lân cận trong phạm vi hơn 800 km.

Dù vậy, các nhà khoa học NASA trấn an rằng chỉ có khoảng 1/3.200 cơ hội mảnh vỡ từ vệ tinh chết có thể làm bị thương ai đó trên mặt đất. Theo người phát ngôn của NASA, khả năng “miểng” của UARS gây thương vong cho người hoặc làm hư hại tài sản là cực kỳ nhỏ vì an toàn luôn được cơ quan này xem là ưu tiên hàng đầu. Trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ kể từ thập niên 1950, chưa có trường hợp nào người và tài sản bị ảnh hưởng bởi các vệ tinh hỏng, kể cả vụ rơi Trạm Không gian Mir nặng 135 tấn của Nga xuống Nam Thái Bình Dương năm 2001 hay vụ vệ tinh Skylab nặng 100 tấn của Mỹ rơi xuống Ấn Độ Dương và các khu vực đông dân phía Tây nước Úc năm 2003. Song, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng khi nhìn thấy bất kỳ mảnh vỡ nào của UARS, người dân tuyệt đối không được chạm vào mà hãy liên hệ với cơ quan chức năng địa phương.

Để trấn an mọi người, các nhà khoa học cũng giải thích thêm những điều có thể xảy ra nếu một vệ tinh hỏng bị rơi xuống. Theo Tiến sĩ Ian Griffin thuộc Hiệp hội Các trung tâm khoa học và khám phá của Vương quốc Anh, tầng khí quyển của Trái đất luôn làm vận tốc rơi của các vệ tinh giảm đi nhiều. Nói cách khác, những mảnh vỡ từ UARS rơi xuống sẽ rất chậm so với tốc độ quay hơn 28.000 km/giờ trên quỹ đạo của nó. Khi đi qua khí quyển và bị cọ xát, gần như toàn bộ xác vệ tinh sẽ bị phân hủy bởi nhiệt độ. Đó cũng là lý do mà các nhà khoa học thường chọn cách bắn các thiên thạch trong tầng bình lưu nếu muốn phá hủy nó.

Lý do mà các nhà khoa học không thể đoán chính xác điểm rơi của vệ tinh là vì mật độ khí quyển luôn biến đổi, từ đó tạo ra nhiệt độ và lực ma sát khác nhau, dẫn đến hướng rơi của vệ tinh cũng khác nhau. Một dự đoán với sai số nhỏ về thời gian cũng có thể khiến điểm đáp của vệ tinh khác xa so với thực tế.

BẢO TRÂM (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết