20/10/2018 - 07:07

Vấn nạn lấn chiếm sông, rạch ở TP Cần Thơ
Bài 1: LẤN CHIẾM TRÀN LAN 

Mặc dù thành phố áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý những trường hợp xây dựng nhà lấn chiếm, sông, rạch, gây ô nhiễm môi trường. Nhưng tình trạng này vẫn tồn tại, thậm chí chưa được đẩy lùi. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, cuộc sống người dân đang hàng ngày đối mặt với nguy hiểm, đe dọa tính mạng, tài sản khi mùa mưa lũ hoành hành…

Bài 1: LẤN CHIẾM TRÀN LAN

TP Cần Thơ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, thông thoát nước, tạo nét đẹp đặc trưng của vùng sông nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, quá trình đô thị hóa, nhiều đoạn sông, rạch trên địa bàn thành phố bị lấn chiếm xây dựng nhà ở, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn cho chính bản thân người dân, ảnh hưởng cảnh quan đô thị.... Nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này, TP Cần Thơ đã, đang thực hiện nhiều biện pháp xử lý kiên quyết.  

BẤT CHẤP NGUY HIỂM

Trên các tuyến đường giao thông cặp theo các con sông, rạch, như: Rạch Đầu Sấu, rạch Xẻo Nhum, Mương Củi, Xẻo Lá, Ông Tà… thuộc quận Ninh Kiều chúng tôi nhận thấy hầu hết các con rạch này không còn tác dụng thoát nước bởi dòng chảy bị thu hẹp, nước đen ngòm. Hai bên bờ rạch nhiều căn nhà xây dựng lấn chiếm, cỏ mọc um tùm, rác thải vương vãi khắp nơi…


Hiện trường vụ sạt lở vào tháng 5-2018 tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, làm hàng chục căn nhà bị sụp và di dời khẩn cấp. Ảnh: HÀ VĂN

Rạch Xẻo Nhum là một trong những con rạch chính, dài ở quận Ninh Kiều, nối liền với nhiều tuyến sông, rạch khác. Trước đây, rạch Xẻo Nhum là một trong những tuyến giao thông thủy quan trọng, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân. Nhưng hiện nay, rạch bị nhiều nhà dân xây dựng lấn chiếm. Theo quan sát của chúng tôi, nước dưới dòng rạch Xẻo Nhum đen ngòm rác thải bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Quốc, nhà gần rạch Xẻo Nhum, phường An Khánh, cho biết: “Hằng ngày đều có xe vào thu gom rác thải khu dân cư cặp rạch Xẻo Nhum, nhưng không ít hộ dân vẫn vô tư ném rác bừa bãi xuống rạch. Những khoảng đất trống cặp con rạch này trở thành nơi chứa rác. Những bọc rác xuống sông theo dòng nước trôi đi, rác nằm cặp bờ ứ đọng lại ngày này sang ngày khác, bốc mùi hôi thối, ruồi, muỗi sinh sản, truyền bệnh và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

Rạch Mương Củi, Xẻo Lá, Ông Đạo, Từ Hổ, Bà Lễ... cũng đang ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều người dân cố cựu nơi đây nhớ rất rõ, trước đây, bà con còn sử dụng nước từ các con rạch sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa nông sản bằng ghe, xuồng. Nhưng nhiều năm qua, những con rạch này bị lấn chiếm, mọi chất thải sinh hoạt đều bị người dân thiếu ý thức tuôn xuống rạch khiến ô nhiễm nặng nề. Ông Nguyễn Văn Hậu, nhà ở gần rạch Mương Củi, phường An Khánh, cho biết: “Nước trên các con sông, rạch thuộc địa bàn phường An Khánh đen ngòm. Vào mùa mưa, triều cường lên cao các con rạch này bị ngập, nước thối trào lên đường, vào nhà dân, bốc mùi hôi rất khó chịu. Các loại dịch bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, tả… xuất hiện, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nơi đây. Chúng tôi rất mong ngành chức năng quận Ninh Kiều ngăn chặn nhà xây dựng lấn chiếm, khai thông dòng chảy, xây dựng bờ kè, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị”.

Không những thế, bà con sống dọc theo sông rạch còn đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông. Vào lúc thủy triều xuống, có thể thấy rõ những vết nứt, lún của dãy nhà dân ven sông. Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, giai đoạn 2010 - 2017, Cần Thơ có 153 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài 6.119m, làm chết 4 người, bị thương 5 người, ước tổng thiệt hại trên 20 tỉ đồng. Riêng, 8 tháng đầu năm 2018, thành phố xảy ra 16 điểm sạt lở, làm sụp hoàn toàn 10 căn nhà, 43 căn bị sụp một phần, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 586m, ước tổng thiệt hại trên 33,6 tỉ đồng…

KHÓ DI DỜI

Theo thống kê, TP Cần Thơ có trên 3.600km bờ sông, kênh, rạch. Do đặc điểm văn hóa sông nước, người dân thường xuyên sống tập trung ở ven sông, rạch, với tổng số gần 9.500 hộ, gồm 37.306 nhân khẩu. Theo thời gian việc xây dựng nhà phần lớn là tự phát, gây ô nhiễm môi trường, làm hoang hóa, nhếch nhác bờ sông, rạch. Những căn nhà này chủ yếu xây dựng tạm bợ, cũ kỹ làm thu hẹp dòng chảy, hạn chế khả năng tiêu thoát nước. Đặc biệt, người dân sống ven sông rạch theo thói quen xả rác thải, nước thải trực tiếp xuống sông rạch, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Ông Mai Văn Hiệp, Chủ tịch UBND phường An Khánh, quận Ninh Kiều, nhận định: “Hầu hết hộ xây dựng nhà lấn, chiếm sông, rạch thuộc diện khó khăn, không đủ điều kiện mua nền nhà tại các khu dân cư nên chuyển nhượng bằng giấy tay phần đất cặp kênh, rạch của các hộ có đất phía trên để xây nhà ở. Cũng có hộ phía trên bờ tự ý xây dựng lấn chiếm, cơi nới chỗ ở nên góp phần làm bờ sông kém mỹ quan, gây khó khăn trong việc quản lý”.

Phường An Khánh hiện có đến 25 tuyến kênh, sông, rạch lớn nhỏ, với tổng chiều dài trên 11km, phục vụ tiêu thoát nước trên địa bàn và quận Ninh Kiều. Tuy nhiên, nơi đây hiện có khoảng 190 hộ dân xây nhà trái phép, lấn chiến dòng kênh, sông, rạch, làm tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập úng cục bộ và ô nhiễm môi trường. Trong đó, rạch Mương Củi có tổng chiều dài 900m, rộng 15m, nhưng có khoảng 30 hộ xây dựng nhà lấn chiếm dòng rạch. Rạch Xẻo Lá, có chiều dài 1.100m, rộng từ 10m đến 15m, nhưng có hàng chục hộ xây dựng trái phép, lấn chiếm dòng rạch, gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường... Các trường hợp này được chính quyền địa phương từng bước vận động tháo gỡ hoặc cưỡng chế tháo gỡ.

Đặc điểm nhà ven sông, kênh, rạch ở TP Cần Thơ có diện tích nhỏ. Đa phần là các hộ nghèo, đông nhân khẩu, không nghề nghiệp ổn định, thu nhập thấp. Người dân tự xây cất nhà cửa ven sông, kênh, rạch để mưu sinh bằng nghề buôn bán nhỏ, trú mưa, trú nắng. Nhà ở cặp rạch Cái Sơn (An Bình, quận Ninh Kiều) gần 30 năm nay, gia đình ông T.V.T sống chủ yếu bằng nghề buôn bán nhỏ. Ông T.V.T, nói: “Nhà ở sát rạch Cái Sơn, cặp khu dân cư đông đúc nên hàng chục năm nay sống nhờ bằng nghề buôn bán trái cây, làm bánh bán. Nhiều năm qua, gia đình muốn lên bờ xây dựng căn nhà đàng hoàng, ổn định để ở nhưng không có tiền mua đất, dựng nhà. Sống cặp theo sông, rạch nên mọi sinh hoạt từ việc xả nước thải, rác... đều đổ xuống sông. Tôi biết làm thế là ô nhiễm môi trường, nhưng cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn đành phải chấp nhận như thế”…

Ở vùng nông thôn, điển hình như dọc theo kênh Cái Sắn (huyện Vĩnh Thạnh), sông Cần Thơ (huyện Phong Điền), sông Thốt Nốt (quận Thốt Nốt)... tình trạng nhà xây lấn chiếm kênh, rạch cũng rất phức tạp. Ô nhiễm môi trường nước ảnh hưởng cuộc sống bà con sống dọc theo sông, kênh, rạch còn đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, nguy cơ sập nhà do mưa lớn kèm theo lốc xoáy... Nguyên nhân, do các sông, kênh, rạch ở vùng nông thôn thường sâu, có dòng chảy xiết, dễ dẫn đến sạt lở. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, những người dựng nhà trên kênh rạch ở vùng nông thôn là những hộ nghèo... Điều kiện sống và sinh hoạt bà con rất chật chội, thiếu thốn nhưng họ hoàn toàn không có sự lựa chọn nào khác nếu như Nhà nước không trợ giúp về nơi ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.

Còn theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, đặc thù vùng ĐBSCL là sông nước, tập quán đi lại, giao thương… gắn liền với các dòng sông, kênh, rạch. Trong quá trình phát triển đô thị, ở giai đoạn đầu khi mạng lưới đường bộ chưa phát triển, nhà ở ven kênh rạch giúp người dân thuận lợi trong giao thương. Song cũng để lại nhiều hệ quả, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị. Ngày nay, khí hậu biến đổi, sạt lở gia tăng, nhà ở ven sông, rạch đã trở thành hiểm họa đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Do đó, quy hoạch xây dựng, di dời nhà ở ven sông là giải pháp cấp bách cần tập trung thực hiện.

AN KHÁNH - HÀ VĂN

Bài 2: HỆ LỤY KHÓ LƯỜNG

Chia sẻ bài viết