20/10/2018 - 18:34

Vấn nạn lấn chiếm sông, rạch ở TP Cần Thơ
BÀI 2: HỆ LỤY KHÓ LƯỜNG 

Cứ vào mùa mưa lũ lại tái diễn tình trạng ngập, nghẹt, sạt lở bờ sông, tài sản của người dân có nhà cặp sông rạch có nguy cơ “trôi theo dòng nước”, thậm chí còn dẫn đến chết người. Thế nhưng không ít người vẫn tiếp tục “bức tử” những dòng kênh, trong đó có sự thiếu ý thức của người dân, một số doanh nghiệp, và ngay cả sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng…

SẠT LỞ NGHIÊM TRỌNG

Đi qua những khu vực sạt lở nặng tại các địa phương thuộc địa bàn TP Cần Thơ, chúng tôi không thể hình dung nổi những nơi từng là khu vực ven sông trước đây buôn bán sầm uất, đông đúc dân cư giờ trở thành hoang vắng, nham nhở bởi “thủy thần” đã “ăn” mất nhiều góc phố, góc chợ hay thậm chí cả một dãy nhà...


Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra và xử lý tình trạng sạt lở, sụp đổ nhà dân tại địa bàn quận Ô Môn. Ảnh: HÀ VĂN

Người dân quận Ô Môn không thể nào quên vụ sạt lở nghiêm trọng vào ngày 21-5-2018 tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An làm sụp xuống sông 7 căn nhà, 36 căn bị ảnh hưởng, hoặc sụp đổ một phần phải di dời khẩn cấp, hàng chục mét đường giao thông bị cắt đứt, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại tại địa phương. Ngay sau khi sự cố sạt lở xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn quận Ô Môn huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ có mặt tại hiện trường, giúp người dân trục vớt và di dời tài sản, khắc phục hậu quả. Rất may, vụ sạt lở không thiệt hại về người. Chị Võ Thị Thu Vân, ở khu vực Thới Lợi, cho biết: “Bây giờ nhắc đến vụ sạt lở tôi còn kinh hoàng. Trước đó, khi thấy vết nứt đường giao thông xuất hiện, tôi đã cảnh giác. Rất may, khi sạt lở xảy ra, gia đình tôi và bà con xung quanh không ảnh hưởng, thoát chết. Từ vụ sạt lở này, gia đình tôi không dám xây dựng công trình, nhà ở cặp mé sông nữa, vì rất nguy hiểm đến tính mạng”.

Trước đó, năm 2007, ngay dịp Tết Nguyên đán đã xảy ra sạt lợi tại bờ kè Phong Điền, 16 ki-ốt bán dưa hấu Tết trôi theo dòng nước, địa phương phải di dời gần 100 hộ dân đi tạm trú nơi khác. Hay vào tháng 3-2013, dọc theo tỉnh lộ 923 huyện Phong Điền, đoạn bờ sông tại ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh bị khoét sâu cuốn trôi nhà cửa, chỉ sau 1 ngày có 5/12 căn nhà ở khu vực này đã sụp đổ hoàn toàn xuống sông, 7 căn nhà còn lại cũng được hỗ trợ di dời khẩn cấp trong ngày… Nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, mất mát cho các hộ dân xây dựng nhà ở ven kênh, rạch vô cùng khó lường.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Biến đổi Khí hậu - Trường Đại Học Cần Thơ, nhận định: “ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng đang đứng trước tác động lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH) từ hiện tượng tự nhiên; sự thay đổi dòng chảy, biến động nguồn nước ở phía thượng nguồn do hệ thống đập thủy điện tác động đến vùng châu thổ sông Cửu Long, nhất là ảnh hưởng sạt lở, sinh kế của người dân theo nếp sống “trên bến, dưới thuyền”... Ngoài ra, còn có những nguyên nhân nội tại do quá trình phát triển kinh tế, phát sinh nhà ở ven sông rạch và khai thác khoáng sản mất kiểm soát đã tác động đến khu vực bờ sông, gây sạt lở và có thể gây ra những tác động nghiêm trọng hơn trong thời gian tới nếu chúng ta không có giải pháp kềm chế…”.

VẪN “VÔ TƯ” LẤN CHIẾM SÔNG, RẠCH

Những năm gần đây, ngành chức năng TP Cần Thơ và các quận, huyện đã xử lý hàng trăm vụ xây dựng trái phép, lấn chiếm sông, rạch làm mất mỹ quan, hệ sinh thái bờ sông.


Công trình bờ kè sông Thốt Nốt xây dựng khang trang, góp phần chỉnh trang đô thị, di dời các hộ dân đến nơi ở an toàn. Ảnh: AN KHÁNH

Mới đây, nổi bật nhất là vụ một doanh nghiệp xây dựng resort lấn bờ sông Hậu. Trường hợp vi phạm tại Resort Cồn Khương do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Linh Phương làm chủ đầu tư có diện tích hơn 9.400m2, chủ đầu tư này lại vô tư xây dựng một cụm công trình khá kiên cố lấn chiếm trên mặt nước mà không xin phép xây dựng. Toàn bộ phần công trình xây dựng vi phạm gồm một sàn bê-tông cốt thép có chiều rộng 8,4m, dài 14m có hàng rào. Phần sàn này nằm hoàn toàn trên mặt sông Hậu, vị trí lấn chiếm ra xa nhất của công trình lên đến 8,4m, cách mặt nước bình quân khoảng 2m. Chủ đầu tư thừa nhận, đã không xin phép khi tiến hành xây dựng những hạng mục này và hoàn toàn nằm ngoài bản vẽ thiết kế của Resort Cồn Khương. Còn các cơ quan chức năng, từ phường Cái Khế vẫn loay hoay với các khâu lập biên bản vi phạm rồi báo cáo mà suốt nhiều tháng vẫn chưa thể xử lý vi phạm.

Theo UBND quận Ninh Kiều, doanh nghiệp trên được phép đầu tư xây dựng resort phục vụ khách du lịch, nghỉ dưỡng tại TP Cần Thơ. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, công ty đã lấn chiếm đất bãi bồi ở ven sông Hậu tại khu vực Cồn Khương, phường Cái Khế, với diện tích hàng trăm mét vuông. Khi phát hiện việc xây dựng trái phép trên, quận Ninh Kiều đã lập biên bản và làm báo cáo trình UBND TP Cần Thơ để xử lý theo quy định… Sau vụ việc này, quận Ninh Kiều đã ban hành quy chế quản lý xây dựng ở cấp quận, có phân cấp trách nhiệm rõ ràng đối với UBND các phường, cơ quan hành chính nhà nước, quản lý và kiểm tra trực tiếp việc xây dựng trên địa bàn. Mặt khác, quận cũng có kế hoạch giao ban hằng tuần và kiểm tra hằng tháng trong quá trình cấp phép xây dựng, tăng cường kiểm tra quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định pháp luật và những hành vi xây dựng sai phép, không phép, lấn chiếm kênh rạch trên địa bàn sẽ bị xử lý nghiêm.

Ở quận Bình Thủy, tại rạch Mù U, phường Long Hòa cũng xảy ra tình trạng 1 hộ dân tự tiện san lấp trái phép con rạch làm đường đi tại khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa để hình thành nên khu dân cư tự phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác triển khai, thực hiện Đề án khai thác quỹ đất thành phố (giai đoạn 2017 - 2021), do phải bồi thường giá đất thổ cư, bồi thường nhà, vật kiến trúc và tái định cư cho các hộ dân…  Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Việc xây dựng sai phép, trái phép, lấn chiếm sông, rạch đều được thành phố yêu cầu tháo dỡ, khôi phục hiện trạng ban đầu của các dòng sông, rạch. UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp san lấp, xây dựng lấn chiếm bờ sông, rạch. Thời gian tới, TP Cần Thơ kiên quyết ngăn chặn tình trạng này. Bởi, đây là việc làm vừa bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, tránh bị thiệt hại do sạt lở, vừa góp phần bảo vệ bờ sông, rạch, phát triển đô thị Cần Thơ an toàn, xanh, sạch, đẹp…”.

Lấn chiếm sông rạch để xây dựng nhà ở, công trình không chỉ diễn ra ở những trường hợp hộ dân đơn lẻ, mà ngay cả những tổ chức, doanh nghiệp cũng vi phạm. Do đó, ngành chức năng cần áp dụng chế tài mạnh mẽ, dứt khoát đối với những trường hợp này. Bên cạnh những giải pháp kịp thời ngăn chặn, cần đề ra lộ trình dài hơi để sớm chấn chỉnh dứt điểm tình trạng xây dựng nhà lấn chiếm sông rạch, trả lại mỹ quan thiên nhiên, an toàn cho chính bản thân người dân đang sinh sống ở những khu vực đầy tiềm ẩn rủi ro này.

AN KHÁNH - HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết