25/04/2019 - 10:31

Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Điểm đến không thể bỏ qua giữa lòng thủ đô 

Mùa hè sắp tới cũng là khoảng thời gian các bạn học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi căng thẳng khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, cao đẳng. Và di tích lịch sử Văn Miếu- Quốc Tử Giám là địa điểm được nhiều bạn trẻ đến ước nguyện, thể hiện ý chí, ước mong đỗ đạt trong học tập. Văn Miếu- Quốc Tử Giám cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc, nơi diễn ra các lớp học cho các em nhỏ để giảng dạy về truyền thống hiếu học và lịch sử lâu đời của Văn Miếu. Đây không chỉ là trường đại học đầu tiên của nước ta mà còn như một ngọn nến luôn rực cháy, thắp sáng truyền thống hiếu học của người Việt.

Văn miếu - Quốc Tử Giám là hai công trình được xây dựng để dạy học và thờ kính Khổng Tử cùng những bậc hiền tài Nho học xưa. Văn miếu được xây dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, còn Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1076, dưới thời vua Lý Nhân Tông. Đây là công trình được xây nên nhằm cổ vũ tinh thần hiếu học của nhân dân cũng như tìm kiếm nhân tài phục vụ đất nước.

Quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện nay rộng 54.331 m2, bao gồm 2 phần: Nội tự và Ngoại tự. Nội tự gồm 5 khu vực, trong đó 2 khu vực đầu tiên có vườn cây và hồ nước, ba khu vực còn lại là những dãy nhà và các hạng mục kiến trúc khác. Ngoại tự gồm Hồ Văn và Vườn Giám. Trong ảnh: Cổng vào Văn Miếu- Quốc Tử Giám.

Đây là khu Nhập Đạo- hạng mục kiến trúc mới được bổ sung vào thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn (1802-1945). Theo các tài liệu ghi chép, bài học đầu tiên mà các nho sinh phải học là đạo làm người, sau đó mới học tri thức với mục đích là để trở thành người có đức, có tài.

Khuê Văn Các - một công trình kiến trúc biểu trưng cho văn chương và giáo dục Việt Nam. Khuê Văn Các được xây dựng vào năm 1805 với kiến trúc gỗ lấy hình ảnh là ngôi sao Khuê tỏa sáng.

Từ cổng chính văn miếu đến cổng Đại Trung Môn. Hai bên trái phải của Đại Trung Môn có 2 cửa nhỏ, bên trái gọi là cửa Thành Đức (trở thành người có đức), bên phải gọi là cửa Đạt Tài (trở thành người có tài). Trong ảnh là cửa Đạt Tài.

Hiện nay, di tích cổ xưa nhất trong quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám là những hàng bia tiến sĩ được dựng từ triều Lê. Tổng cộng có 82 tấm bia tiến sĩ, trên đó khắc ghi họ tên và quê quán của 1.307 người thi đỗ trong 82 khoa thi được tổ chức dưới triều Lê - Mạc (1442-1779).

Bia đá đặt trên một con rùa tượng trưng cho sự bất tử bất diệt, là những hiện vật tượng trưng cho nền hiếu học của người Việt Nam qua 82 khoa thi cử.

Văn Miếu- Quốc Tử Giám cũng là địa điểm lý tưởng cho các trường học tổ chức lễ tốt nghiệp, chụp ảnh kỷ yếu và giúp học sinh tìm hiểu về truyền thống hiếu học của dân tộc ta.

Ngoài thờ Khổng Tử, trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn thờ danh nhân Chu Văn An- vốn là nhà giáo nổi danh từ những năm tháng mở trường dạy học ở quê nhà với “học trò đầy cửa”. Và cũng chính do tài năng, nhân cách, phương pháp đào tạo học trò mà ông đã được vua Trần Minh Tông mời đến Thăng Long giữ chức Quốc Tử Giám Tư nghiệp và dạy cho Thái tử Trần Vượng (tức vua Trần Hiến Tông sau này).

Điện Đại Thành là trung tâm tế lễ của Văn Miếu, bao gồm dãy nhà phía Đông và phía Tây chạy dọc theo hai bên sân rộng kết nối với dãy nhà ngang. Chính giữa sân có một hương án cổ, phía trên là bức hoành phi với 4 chữ Hán "Vạn thế sư biểu" (người thầy tiêu biểu của muôn đời).

Gần đây, trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn có chương trình biểu diễn hát Quan họ, tạo sự hấp dẫn với du khách.

Nhiều du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu về tinh hoa nghệ thuật kiến trúc và truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.

Quốc Thái (thực hiện)

Chia sẻ bài viết