22/07/2020 - 05:50

Văn học kỳ ảo Việt và những nỗ lực chinh phục độc giả 

Văn học kỳ ảo (fantasy) phổ biến trên thế giới nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Khoảng 10 năm trở lại đây, dòng văn học này được các tác giả trẻ mạnh dạn thử sức và tạo dấu ấn ban đầu qua một số tác phẩm tiêu biểu. Tuy nhiên, mảnh đất màu mỡ này vẫn còn ít người “cày xới” và chặng đường chinh phục độc giả vẫn cần rất nhiều nỗ lực...

Hai tác phẩm fantasy của tác giả Việt gần đây.

Fantasy là thể loại văn học mở ra thế giới kỳ ảo với những câu chuyện bất tận về siêu nhiên, phép thuật hay những điều chỉ có trong trí tưởng tượng. Văn học thế giới đã chứng kiến sự lên ngôi của thể loại này qua hàng loạt bộ truyện nổi tiếng: “Peter Pan”, “Alice ở xứ sở thần tiên”, “Harry Potter”, “Eragon - cậu bé cưỡi rồng”, “Chạng vạng”…

Việt Nam đã có những tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng: Nguyễn Nhật Ánh với bộ “Chuyện xứ Lang Biang”, Phan Hồn Nhiên với “Những đôi mắt lạnh”, “Chuỗi hạt Azoth”, “Xuyên thấm”. Một số tác phẩm đoạt giải tại cuộc thi viết “Văn học tuổi 20” cũng thành công với thể loại này như: “UREM - Người đang mơ” và “Yagon - những kẻ vô cảm” của Phạm Bá Diệp, “Người ngủ thuê” của Nhật Phi, “Hạt hòa bình” của Minh Moon… Gần đây, nhà văn chuyên viết đề tài trinh thám - hình sự Nguyễn Đình Tú cũng thử sức ở thể loại này với tiểu thuyết “Bãi săn”. Ngoài ra, còn một số tác phẩm của các tác giả khác được xuất bản hoặc đăng trên mạng và có lượng người đọc đông đảo…

Mới đây nhất, tập truyện đầu tiên trong bộ 3 cuốn: “Người Sao Chổi - Cuộc chiến vòng quanh thế giới” thu hút độc giả yêu thích thể loại fantasy bởi cốt truyện mới mẻ, thú vị. Đặc biệt hơn nữa, tác giả Cao Việt Quỳnh là cậu bé mới 12 tuổi. Quỳnh đã dẫn dắt người đọc bước vào cuộc phiêu lưu kỳ thú cùng Thành, cậu học sinh lớp 6 bỗng một ngày bị nhiễm vật chất lạ và trở thành Người Sao Chổi, thực hiện sứ mệnh giải cứu loài người với các cuộc chiến long trời lở đất... Tác phẩm có sự kết hợp giữa fantasy (kỳ ảo) với sci-fi (khoa học viễn tưởng) nên tạo được sự phong phú, hấp dẫn riêng.

Tuy nhiên, ngoài những tác phẩm kể trên, số lượng sáng tác văn học kỳ ảo của Việt Nam vẫn thưa vắng và xuất hiện rời rạc chứ chưa tạo được trào lưu hay có sự ổn định như các thể loại khác. Một số nhà xuất bản, công ty phát hành sách nắm bắt thị hiếu của độc giả trẻ nên phát động các cuộc thi viết hoặc kêu gọi, khuyến khích các tác giả khai thác nhiều hơn thể loại fantasy. Thế nhưng, sau một thời gian sôi nổi thì trở lại im ắng như xưa.

Theo tác giả Phạm Bá Diệp, một phần nguyên nhân vì chưa có nhiều nhà văn lớn mặn mà với fantasy, trong khi những người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, bút lực cũng chưa mạnh. Mặt khác, một số đơn vị xuất bản chưa dám mạo hiểm đầu tư vào các tác phẩm fantasy mà chọn sách tản văn, ngôn tình… để đảm bảo an toàn. Trong khi đó, theo các đơn vị xuất bản, không chỉ có những tác giả trẻ mà ngay cả nhà văn chuyên nghiệp cũng chưa có nhiều tác phẩm fantasy đúng nghĩa. Bởi một bộ truyện fantasy cần được thực hiện một cách dài hơi, giàu trí tưởng tượng, nhưng vẫn phải mang tính logic, chặt chẽ, với hệ thống nhân vật được xây dựng rõ ràng, tạo tình tiết lôi cuốn, hấp dẫn. Chưa kể, người viết trẻ luôn có xu hướng viết theo phong trào và bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm đã xuất bản thành công. Do đó, cần có những khóa đào tạo viết về thể loại này một cách chuyên nghiệp.

Độc giả vẫn mong chờ những bộ truyện fantasy Việt được đầu tư công phu và lôi cuốn, hấp dẫn; thế nhưng hành trình tìm chỗ đứng và chinh phục độc giả của truyện fantasy Việt vẫn còn nhiều gian nan và thử thách.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết