29/06/2009 - 09:41

Vận hành hợp lý các công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu, phòng hạn trên cả nước

* Cần có chiến lược căn cơ về ngăn triều, giữ ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu Cục Thủy lợi cần tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết, nguồn nước vận hành hợp lý các công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu phòng hạn trên phạm vi cả nước. Các địa phương theo dõi tình hình xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hoàn thiện đề án trạm bơm điện Đồng bằng sông Cửu Long, rà soát quy hoạch thủy lợi toàn quốc, chương trình kiên cố hóa kênh mương. Cục Thủy lợi đôn đốc các địa phương kiểm tra, sửa chữa, đảm bảo an toàn công trình và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010.

Hiện đang bắt đầu vào mùa mưa bão, các địa phương cần kiểm tra công trình trong mùa mưa lũ, phát hiện các hư hỏng để sửa chữa kịp thời. Chỉ đạo vận hành an toàn các hệ thống thủy lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, tưới dưỡng cho lúa ở các tỉnh Trung du đồng bằng Bắc bộ. Do ảnh hưởng của đợt mưa đầu tháng 5 một số diện tích lúa và cây trồng bị ngập úng ở các tỉnh phía Bắc (Thái Nguyên, Lai Châu, Ninh Bình) và các tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi. Hiện nay tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có mưa nên tình hình mặn ở đây được cải thiện đáng kể. Cần tăng cường công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, tổng hợp tình hình kiên cố hóa kênh mương và nhu cầu kinh phí để gia cố toàn bộ hệ thống kênh mương các tỉnh.

Hiện Cục Quản lý đê điều, phòng chống lụt bão đang phối hợp với các cơ quan hữu quan nắm tình hình diễn biến thời tiết để tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương có biện pháp phòng tránh kịp thời; Chuẩn bị nội dung tập huấn cho cán bộ thường trực phòng chống lụt bão các tỉnh, miền núi phía Bắc tại tỉnh Yên Bái; Đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch tu bổ đê điều thường xuyên bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản, kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2009.

* Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng chiến lược cụ thể về ngăn triều, giữ ngọt tại đây nhằm bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống của người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các tỉnh cần qui hoạch lại cơ cấu sử dụng đất; xây dựng phương án điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng khu vực ven biển; phân ranh vùng mặn, lợ, ngọt, trước hết tại vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp (Bán đảo Cà mau), tại các cửa thuộc sông Mê Công, 2 sông Vàm Cỏ Đông, Tây; có giải pháp cụ thể để vừa khắc phục tình trạng nước ngọt đang cạn kiệt dần tại phía hạ lưu các sông tại ĐBSCL vừa chủ động trữ nước trong mùa mưa và điều tiết nước trong mùa khô bằng cách liên kết các công trình thủy lợi phía trên (gần dòng chính sông Mê Công) thành các công trình lớn, liên hoàn. Thí dụ công trình Gò Công - Bảo Định, Ba Lai với Mỏ Cày, Nam Mang Thít với phía trên sông Mang Thít, công trình Tiếp Nhật với Quản Lộ - Phụng Hiệp; nhanh chóng hoàn thiện xây dựng hệ thống đê biển, đê cửa sông tại ĐBSCL cùng các công trình ngăn sông và điều tiết nước tại các cửa sông, trước hết tại các cửa sông Hàm Luông, Cái Lớn, Cái Bé, Vàm Cỏ để khi nước sông cao thì xả ra biển, khi nước triều cao thì ngăn lại, không cho tràn vào nội địa.

Viện KHTLMN vừa khảo sát, cho biết mùa khô năm nay, nước mặn diễn biến rất phức tạp, xâm nhập hầu hết các tỉnh ĐBSCL, nghiêm trọng nhất là tại vùng ven biển Tây và Bán đảo Cà Mau. Hiện các công ngăn mặn, điều tiết nước tại ĐBSCL không còn phù hợp với tình hình nuôi thủy sản nước lợ, mặn và trồng lúa, màu. Cụ thể, hệ thống thủy lợi tại đây đã xuống cấp, nổi cộm nhất là tại vùng mặn Bắc Quốc lộ IA thuộc tỉnh Bạc Liêu, đa số các cửa cống đã hỏng. Hiện chỉ có 1 trong 3 cửa cống ở huyện biển Giá Rai hoạt động được. Do hệ thống thủy lợi tại vùng tôm - lúa (25.200 ha) tỉnh Bạc Liêu không hoàn chỉnh nên nước mặn đã lấn sang vùng ngọt thuộc Bạc Liêu,Sóc Trăng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân. Tại Cà Mau, việc xây dựng các cống không đồng loạt nên không có tác dụng ngăn mặn đồng thời còn làm nước mặn xâm nhập vào tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang. Riêng Kiên Giang, mặn xâm nhập vào vùng ngọt từ 4 - 6 km. Nước mặn từ cửa Rạch Giá đã vào tuyến kênh Rạch Giá - Hà Tiên rồi từ đây xâm nhập vào kênh Rạch Giá-Long Xuyên, từ cửa sông Vàm Răng (cống Vàm Răng thi công chưa xong) vào tuyến kênh Rạch Giá - Hà Tiên, khu vực Luỳnh Huỳnh, Vàm Rầy. Mặn từ cửa sông Rạch Sỏi vào tuyến kênh Cái Sắn (Kiên Giang, Cần Thơ), từ kênh Giồng Riềng vào kênh KH5, từ sông Cái Lớn (Cà Mau) vào kênh rạch huyện Gò Quao (Kiên Giang). Tại An Giang, mặn từ kênh Rạch Giá - Hà Tiên, kênh Rạch Giá - Long Xuyên xâm nhập vào các xã khu giáp ranh 2 tỉnh Kiên Giang - An Giang thuộc huyện Thoại Sơn. Tại Bạc Liêu, mặn xâm nhập các kênh Hộ Phòng, Giá Rai, Láng Trâm, vào vùng chuyển đổi sản xuất theo mô hình tôm - lúa, vào cả vùng ngọt thuộc 2 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng. Tính sơ bộ, mặn xâm nhập đã gây thiệt hại nhiều mức độ 20.728 ha lúa tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long. Tại Hậu Giang có 57.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, huyện Thoại Sơn (An Giang) cũng thiếu nước sinh hoạt. Tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, mặn xâm nhập cũng gây khó khăn cho sản xuất và đời sống với nhiều mức độ khác nhau.

Chia sẻ bài viết