27/02/2024 - 15:13

Vaccine hơn trăm tuổi có thể là “vũ khí” mới phòng chống Alzheimer? 

Các nghiên cứu cho thấy vaccine lao ra đời cách đây hơn một thế kỷ có thể cung cấp một phương pháp rẻ tiền và hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch chống lại chứng mất trí nhớ. Căn bệnh này hiện ảnh hưởng 55 triệu người, với 60-70% trường hợp là dạng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi - bệnh Alzheimer.

Hai nhà khoa học Albert Calmette và Camille Guérin đã phát minh vaccine BCG, gần đây được phát hiện có thể ngừa cả bệnh Alzheimer.

Hai nhà khoa học người Pháp Albert Calmette và Camille Guérin phát minh vaccine ngừa bệnh lao Bacille Calmette-Guérin (BCG) vào năm 1921, giúp cứu sống hàng triệu người. Họ có thể không bao giờ tưởng tượng rằng thành quả của họ sẽ giúp phòng ngừa một bệnh hoàn toàn khác vào một thế kỷ sau. Hàng loạt nghiên cứu cho thấy BCG có thể bảo vệ con người khỏi bệnh Alzheimer.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có 55 triệu người mất trí nhớ, với khoảng 10 triệu ca mắc mới mỗi năm. Trong đó, phổ biến nhất bệnh Alzheimer, do tích tụ mảng bám prôtêin amyloid beta trong não, làm chết tế bào thần kinh và phá hủy các kết nối khớp thần kinh giữa các tế bào. Nguyên nhân chính xác khiến amyloid beta phát triển vẫn còn là bí ẩn, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy có thể do hệ miễn dịch có vấn đề, nhất là khi lớn tuổi.

Theo các nhà khoa học, amyloid beta được sản xuất để tiêu diệt tác nhân gây hại như một biện pháp phòng vệ tạm thời. Nếu các tế bào miễn dịch trong não - microglia - hoạt động tối ưu, chúng có thể loại bỏ mảng bám prôtêin sau khi mối đe dọa qua đi. Nhưng trong nhiều ca bệnh Alzheimer, chúng dường như gặp trục trặc, gây ra tình trạng viêm lan rộng và tàn phá hệ thần kinh. Ðiều này được ghi nhận trong các nghiên cứu não bộ của những người mắc bệnh Alzheimer đã qua đời.

Vaccine BCG có thể huấn luyện miễn dịch cho não bộ?

Nhiều thập kỷ nghiên cứu cho thấy BCG có thể mang lại những lợi ích đáng ngạc nhiên và trên phạm vi rộng, vượt xa mục đích ban đầu là ngừa bệnh lao. Ví dụ, một thử nghiệm lâm sàng gần đây phát hiện BCG đã giảm khoảng 50% nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trong 12 tháng sau tiêm so với khi dùng giả dược. BCG cũng được dùng như một liệu pháp tiêu chuẩn trị ung thư bàng quang, bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch loại bỏ các khối u.

Những tác động đáng chú ý trên bắt nguồn từ một quá trình gọi là “huấn luyện miễn dịch”. Sau khi tiêm BCG, một người có thể có những thay đổi trong biểu hiện gene liên quan đến việc sản xuất cytokine - những phân tử nhỏ có thể kích hoạt các hệ thống phòng vệ khác của cơ thể, gồm cả tế bào bạch cầu. Kết quả là, cơ thể phản ứng hiệu quả hơn với mối đe dọa - có thể là virus hoặc vi khuẩn xâm nhập, hoặc một tế bào đột biến có nguy cơ phát triển mất kiểm soát. “Nó giống như việc nâng cấp hệ thống an ninh của một tòa nhà để phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn, không chỉ chống lại các mối đe dọa đã biết mà còn chống lại bất kỳ “kẻ xâm nhập” tiềm tàng nào” - Marc Weinberg, nhà nghiên cứu bệnh Alzheimer tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts ở Boston (Mỹ), giải thích.

Bằng cách tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể, nó có thể giúp ngăn chặn mầm bệnh trước khi chúng đến não, cũng như thúc đẩy các tế bào miễn dịch trong não loại bỏ amyloid beta hiệu quả hơn mà không tổn hại các mô thần kinh khỏe mạnh.

Các nghiên cứu trên chuột cho thấy những con được tiêm BCG ít bị viêm não và có chức năng nhận thức tốt hơn đáng kể so với những con cùng độ tuổi bắt đầu có biểu hiện suy giảm trí nhớ. Ðể tìm hiểu tác dụng ở người, nhà nghiên cứu Ofer Gofrit và cộng sự tại Trung tâm Y tế Hadassah Ðại học Do thái Jerusalem (Israel) đã thu thập dữ liệu của 1.371 người đã tiêm hoặc chưa tiêm BCG như một phần trong quá trình điều trị ung thư bàng quang. Họ phát hiện chỉ 2,4% bệnh nhân được điều trị bằng BCG phát triển bệnh Alzheimer trong 8 năm sau đó, so với 8,9% ở nhóm không tiêm BCG.

Các nghiên cứu sau đó cũng cho kết quả tương tự. Chẳng hạn, nhóm của ông Weinstein đã kiểm tra hồ sơ của khoảng 6.500 bệnh nhân ung thư bàng quang ở Massachusetts (cùng độ tuổi, giới tính, dân tộc và tiền sử bệnh), phát hiện những người đã tiêm BCG có tỷ lệ bị mất trí nhớ thấp hơn rõ rệt so với nhóm chưa tiêm. Tiếp tục phân tích mẫu dịch não tủy của đối tượng nghiên cứu để xem liệu tác động “huấn luyện miễn dịch” có thể đến được não hay không, ông Weinberg xác nhận “các quần thể tế bào miễn dịch phản ứng với mầm bệnh mạnh mẽ hơn ở sau khi tiêm BCG”.

Tỷ lệ phòng ngừa mất trí nhớ giữa các nghiên cứu khác nhau, song một phân tích tổng hợp gần đây cho thấy mức giảm rủi ro trung bình là 45%. Giáo sư Charles Greenblatt của Ðại học Do Thái Jerusalem, nhận định: “Chỉ cần trì hoãn sự phát triển của bệnh Alzheimer trong vài năm sẽ giúp chúng ta tiết kiệm rất nhiều - cả về sức khỏe lẫn tiền bạc”.

Nếu những kết quả trên được chứng thực qua các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn, vaccine BCG có thể là một trong những “vũ khí” rẻ nhất và hiệu quả nhất trong cuộc chiến phòng, chống mất trí nhớ và bệnh Alzheimer. Chuyên gia Weinberg cho rằng BCG an toàn, phổ biến toàn cầu và cũng rất rẻ so với các lựa chọn khác. “Cho dù chỉ mang lại kết quả bảo vệ nho nhỏ thì nó cũng đã thắng trong cuộc đua về hiệu quả chi phí” - ông nhận định.

​THANH TRÚC (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết