01/06/2023 - 10:37

Ứng phó với thiếu điện 

Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa cạn năm 2023. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung Bộ dự báo thấp hơn từ 15-35%, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 15-40%, Tây Nguyên thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện có xu hướng tăng cao, đặc biệt là cao điểm nắng nóng vào tháng 5, 6, 7. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn cung cấp điện đang rất gay go...

Các kỹ sư thuộc Công ty nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) theo dõi vận hành an toàn của nhà máy điện trong suốt mùa khô...

Chi phí về điện tăng…

Nhiều tháng nay, gia đình 3 người của chị Nguyễn Thị Tám, ngụ phường Tân An (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) sử dụng tiền điện phục vụ sinh hoạt trong nhà mỗi tháng dao động khoảng 600.000-700.000 đồng, nhiều thì 800.000 đồng; tuy nhiên tháng 4 rồi do ảnh hưởng nắng quá nóng nên gia đình sử dụng máy điều hòa và quạt điện thường xuyên hơn; vì vậy tiền điện tăng lên hơn 1 triệu đồng. “Dù chỉ sử dụng sinh hoạt, nhưng nay tiền điện tăng nhiều quá, do đó phải tính toán phương pháp tiết kiệm. Nếu như trước đây cả nhà cũng khá thoải mái trong sử dụng điện, thì nay những khi cần mới dùng điện, hạn chế mở đèn, quạt, máy điều hòa một cách đại trà - nhất là lúc không có người; hy vọng tháng tới chi phí tiền điện không cao nữa”, chị Tám bộc bạch.

Là người nuôi tôm xuất khẩu quanh năm, nên gia đình anh Lê Hoàng Vũ, ngụ xã Bình Thới (huyện Bình Ðại, tỉnh Bến Tre) luôn cần điện để chạy dàn quạt khí cho các ao tôm. Anh Vũ cho biết: “Gần đây ngành điện lực rất cố gắng đảm bảo nguồn điện phục vụ việc nuôi tôm ở vùng này. Tuy nhiên, những khi thời tiết có giông gió, sấm sét… thì bị ảnh hưởng đôi chút, nhưng chưa tác động gì lớn đối với quá trình nuôi tôm. Dù vậy, nhiều hộ đang lo lắng trước thông tin tháng 6, tháng 7 khi vào cao điểm mùa khô sẽ có nguy cơ xảy ra thiếu điện, không biết ở vùng nuôi tôm có bị ảnh hưởng?”. Cùng băn khoăn trên, ông Lê Minh Hải, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hưng (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) cho hay: “Hợp tác xã đang canh tác hơn 500ha đất lúa với nhiều trạm bơm điện đặt tại nhiều nơi nhằm phục vụ nhanh việc bơm tưới cho đồng ruộng. Bình quân mỗi tháng hợp tác xã sử dụng chi phí tiền điện hơn 30 triệu đồng, mới đây giá điện tăng 3% nên chi phí giá thành tới đây sẽ tăng theo. Ngoài ra, ngành điện lực cũng vừa làm việc với hợp tác xã về giải pháp sử dụng điện an toàn vào mùa nắng nóng; trong đó cần hạn chế bơm tưới, sử dụng nhiều điện vào giờ cao điểm…”.

Nguyên nhân khiến ngành điện lực đang cố gắng vận hành an toàn hệ thống trong cao điểm mùa khô và đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, sinh hoạt… bởi nguy cơ thiếu điện hiện nay là rất lớn. Theo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng EVN vẫn nỗ lực cung cấp điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân. Cái khó là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ở nhiều nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ðến giữa tháng 5-2023 đã có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết; có 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa. Ðặc biệt các hồ thủy điện khu vực miền Bắc, tất cả 12/12 hồ lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua. Riêng tháng 4 và đầu tháng 5-2023, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.

Quyết liệt tiết kiệm điện

Mới đây, EVN đã có văn bản kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm, nhất là ở giai đoạn cao điểm mùa khô. Cụ thể, EVN kiến nghị các tỉnh tăng cường thông tin về tình hình cung ứng điện khó khăn trong năm 2023 để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân biết, cùng chia sẻ, tăng cường tiết kiệm điện. Ðối với các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 10% so với cùng kỳ; các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 5%; các đơn vị chiếu sáng công cộng áp dụng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 50%; các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo ngoài trời vào ban đêm. Ðối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt cần chủ động giảm nhu cầu tiêu thụ, không đặt nhiệt độ điều hòa dưới 260C...

Tại buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ gần đây, đại diện EVN và Tổng Công ty Ðiện lực miền Nam (EVNSPC) cho rằng, hiện thành phố có khoảng 107 khách hàng sử dụng điện từ 3 triệu kWh/năm trở lên, với mức tiêu thụ năm 2022 là 801,389 triệu kWh. Nếu số khách hàng này tiết kiệm 2% tổng lượng điện tiêu thụ năm thì sẽ tiết kiệm được 16,027 triệu kWh, tương đương gần 30 tỉ đồng. Ðối với 2.879 khách hàng hành chính sự nghiệp (không tính bệnh viện, trường học) nếu tiết kiệm điện 10% tổng tiêu thụ năm sẽ giảm được 5,075 triệu kWh, tương đương gần 9,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chiếu sáng công cộng có thể tiết kiệm được 10,351 triệu kWh, tương đương hơn 19 tỉ đồng… Như vậy, nếu TP Cần Thơ tiết kiệm điện hiệu quả có thể giảm được lượng điện gần 35 triệu kWh, tương đương 65 tỉ đồng… Tại Hậu Giang, trong quý I-2023, sản lượng điện sinh hoạt đã tiết kiệm được 2,02 triệu kWh. Hiện, Công ty Ðiện lực tỉnh đang phối hợp cùng các ngành liên quan tiếp tục thực hiện việc sử dụng điện tiết kiệm, vừa giảm chi phí cho sản xuất, cho gia đình và góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Ðiện lực Hậu Giang khuyến cáo người dân nên sử dụng đèn LED vừa tiết kiệm điện và đảm bảo ánh sáng; các thiết bị khi không sử dụng, cần rút phích cắm ra khỏi nguồn điện vì để ở chế độ chờ thiết bị vẫn tiêu thụ điện; máy điều hòa nhiệt độ nên cài đặt nhiệt độ lạnh hợp lý, ở mức 260C đến 280C và làm vệ sinh định kỳ. Ðối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh... áp dụng tự động hóa dây chuyền sản xuất nhằm tiết kiệm điện tối đa.

Phía Tổng Công ty Ðiện lực miền Nam cũng vừa chỉ đạo các Công ty Ðiện lực thành viên khẩn trương triển khai đồng loạt, hiệu quả điều hành cung cấp điện đảm bảo trong mùa khô năm 2023. Theo đó, kịp thời bố trí nhân lực, vật lực sẵn sàng trong mọi tình huống, đảm bảo cấp điện liên tục, an toàn, ổn định trong thời điểm nắng nóng…

Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng, bên cạnh quyết liệt thực thi những giải pháp để tăng cường khả năng sản xuất, cung ứng điện thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách, góp phần bảo đảm đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội thời gian tới. Do đó, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục trong mùa khô và cả năm 2023, Bộ Công Thương mong các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, liên tục về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng. Các cơ quan báo chí tăng thời lượng phát sóng, mở các chuyên mục… liên quan đến sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; phổ biến các lợi ích, cách thức tiết kiệm điện để người dân và dư luận xã hội hiểu rõ, hiểu đúng, đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ khó khăn, tự giác thực hành tiết kiệm điện.

Chia sẻ bài viết