21/07/2023 - 20:47

Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số cung cấp 7 dịch vụ công cho cá nhân 

Bài, ảnh: C.H

Việc triển khai ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội (BHXH) số được đánh giá là bước đi quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ cải cách chính sách BHXH, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức, cá nhân.

Người tham gia BHXH sử dụng ứng dụng VssID.

Người tham gia BHXH sử dụng ứng dụng VssID.

 

Được chính thức công bố ngày 16-11-2020 trên nền tảng thiết bị di động Android và iOS, ứng dụng VssID đã cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích, thông tin thiết yếu: theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT)… cho những người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ tra cứu mã số BHXH, cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh BHYT và các điểm thu, đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình... Đặc biệt, kể từ đầu tháng 6-2021, người tham gia bảo hiểm đã được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế thẻ giấy khi đi khám, chữa bệnh.

Theo BHXH Việt Nam, đến nay, ngành đã tích hợp 100% dịch vụ công mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công của ngành, tích hợp và cung cấp 25 dịch vụ công trực tuyến của ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cùng với đó, BHXH Việt Nam đã tích hợp, cung cấp các dịch vụ dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID, gồm: cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất; chuyển địa bàn hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; thay đổi hình thức lĩnh hoặc thông tin người hưởng chế độ BHXH; đăng ký tài khoản cho con; cấp lại sổ BHXH không thay đổi thông tin; cấp lại sổ BHXH do thay đổi thông tin; ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp.

Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2022 đến ngày 20-6-2023, cả nước có 337 lượt cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất; 15.946 lượt gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; 3.059 lượt đóng tiếp BHXH tự nguyện; 249 lượt đóng BHXH bắt buộc trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, cả nước đã có trên 26 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan BHXH, gồm tài khoản sử dụng trên Cổng dịch vụ công và ứng dụng VssID; đã có 1.160.437 lượt kiểm tra thẻ BHYT trên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT qua ứng dụng VssID.

Để đảm bảo tiến độ triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), BHXH Việt Nam phối hợp Bộ Công an xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua số chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ số căn cước công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sang cơ sở dữ liệu của BHXH. Đến ngày 20-6-2023, hai đơn vị đã hoàn thành xác thực đúng thông tin công dân của trên 45 triệu người tham gia; toàn quốc đã có 6.244 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chip điện tử. Song song đó, BHXH Việt Nam cũng tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… Đồng thời, phối hợp Văn phòng Chính phủ kết nối và chia sẻ dữ liệu chứng thực từ bản sao điện tử và các dữ liệu dịch vụ công liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo quy định, triển khai thí điểm chứng thực thông tin trên sổ BHXH phù hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, phối hợp Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan hoàn thiện quy trình để tích hợp cung cấp các dịch vụ công…

Chia sẻ bài viết