25/11/2020 - 08:57

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển bền vững ngành thủy sản 

TP Cần Thơ nằm ở vùng hạ lưu sông Mekong, ở vị trí trung tâm ĐBSCL, có nguồn nước ngọt quanh năm, với khoảng 51.000ha diện tích nuôi thủy sản tiềm năng và nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thủy sản. Phát huy các lợi thế sẵn có, thành phố đã hỗ trợ nông dân phát triển đa dạng thủy sản theo nhiều mô hình khác nhau, gắn với tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả cao.

Thu hoạch cá tra tại một hộ dân ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Kết quả tích cực

Năm nay, tổng sản lượng nuôi thủy sản của thành phố dự kiến đạt 9.000ha, với sản lượng hơn 224.000 tấn, trong đó cá tra chiếm 80% trên tổng sản lượng. Cần Thơ cũng là nơi đang tập trung được nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ các loại thủy sản cho toàn vùng ÐBSCL, với 45 nhà máy chế biến thủy sản, công suất thiết kế khoảng 455.000 tấn thành phẩm/năm. Sản lượng thủy sản xuất khẩu của các nhà máy đạt 150.000 tấn/năm, với kim ngạch trên 550 triệu USD/năm.

Ðể nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, thành phố tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo hướng hình thành các tổ chức liên kết, các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch. Áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến, các thiết bị, vật tư, con giống, thức ăn mới… nhằm đạt hiệu quả và tạo sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo thống kê, Cần Thơ hiện có hơn 289ha nuôi thủy sản đạt theo các tiêu chuẩn an toàn, thân thiện môi trường như GAP, ASC, SQF, BMP và BAP. Bên cạnh con cá tra, nông dân tại nhiều quận, huyện cũng phát triển sản xuất được nhiều đối tượng thủy sản khác có hiệu quả kinh tế cao như cá chạch, cá lóc, cá thát lát, lươn, ếch, tôm càng xanh, ốc bươu, cá cảnh... Các loại thủy sản này nuôi đa dạng theo nhiều hình thức như trong hầm, ao, mương, bể, nuôi lồng bè, nuôi vèo đặt trong ao, trên sông và nuôi trên ruộng nhằm tận dụng tốt các diện tích đất, nước và điều kiện tự nhiên hiện có.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhiều cơ sở đã sản xuất giống nhân tạo thành công với nhiều loài thủy sản bản địa có giá trị cao để phục vụ nuôi thương phẩm. Ngành Nông nghiệp thành phố cũng hỗ trợ người dân xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả như nuôi cá chạch, cá lóc, cá trê, cá rô, thát lát, lươn… theo hướng an toàn, sử dụng thức ăn công nghiệp thay thức ăn tươi sống. Qua đó, góp phần chủ động nguồn thức ăn, hạn chế dịch bệnh, giảm nhẹ chi phí lao động và các tác động xấu đến môi trường nuôi; có điều kiện đẩy mạnh nuôi thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất và đa dạng hóa đối tượng nuôi. Ðơn cử, mô hình áp dụng hệ thống lọc tuần hoàn nuôi lươn trong bể nhân tạo không bùn đạt yêu cầu an toàn thực phẩm theo hướng VietGAP có thể cho lợi nhuận 1,7 triệu đồng/m2/vụ; mô hình nuôi cá lóc trong vèo (30-40m2/vèo) sử dụng thức ăn công nghiệp có thể cho lợi nhuận 3,85 triệu đồng/vèo/vụ, kéo dài khoảng 3-4 tháng; mô hình nuôi cá thát lát thâm canh trong lồng bè, tỷ lệ sống 85%, năng suất 150 tấn/ha, lợi nhuận 75 triệu đồng/1.000m2

Thành phố có hơn 199 cơ sở giống thủy sản, trong đó có 138 cơ sở cá giống và 61 cơ sở tôm giống. Các cơ sở sản xuất giống ứng dụng nhiều công nghệ mới để phát triển sản xuất thêm nhiều giống thủy sản mới, hạn chế mầm bệnh, ổn định môi trường, nâng cao tỷ lệ sống và giảm giá thành.

Nhưng vẫn còn khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản Cần Thơ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ðáng chú ý, việc nuôi nhiều loại thủy sản còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan nên việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Giá thành sản xuất nhiều loại thủy sản còn cao bởi giá thức ăn và chi phí đầu vào cao, tỷ lệ hao hụt lớn vì nguồn con giống chưa đảm bảo tốt; đầu ra sản phẩm còn bấp bênh. Người dân còn hạn chế khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ mới, một số nơi còn nặng sản xuất theo tập quán cũ nên hiệu quả chưa cao. Nhiều công đoạn nuôi trồng thủy sản còn làm thủ công, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Người dân và doanh nghiệp thủy sản còn thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư đổi mới công nghệ trong nuôi thủy sản và phát triển các hoạt động chế biến, tiêu thụ thủy sản...

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết, đối với loại thủy sản nuôi chủ lực tại thành phố là cá tra dù đã áp dụng nhiều tiến bộ trong nuôi trồng và chế biến xuất khẩu nhưng vẫn chưa vận dụng hết tiềm năng trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất. Tới đây, chúng ta cần tiếp tục phối hợp với các viện, trường để nghiên cứu, cải thiện giống cá tra ở nhiều tính trạng như khả năng tăng trưởng, phòng bệnh… nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Ðồng thời, cần nghiên cứu, hạ thấp hệ số sử dụng thức ăn từ 1,5kg thức ăn/kg cá tra hiện nay xuống mức thấp hơn, cũng như thực hiện cơ giới và tự động hóa các công đoạn cho cá ăn, thu hoạch cá… để giảm giá thành.

Thành phố cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tập huấn, hỗ trợ nông dân mở rộng các mô hình nuôi thủy sản tiên tiến, mang lại hiệu quả cao, phù hợp với đất đai, nguồn nước và tình hình phát triển của địa phương và theo quy hoạch. Khuyến khích nông dân hình thành các hợp tác xã thủy sản, các mô hình sản xuất trang trại gắn với xây dựng thương hiệu, tạo mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Ðồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp, liên kết chặt với các địa phương trong vùng và cả nước để làm tốt hơn công tác tổ chức sản xuất, kết nối cung - cầu, xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ… nhằm ổn định đầu ra sản phẩm.

Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, những năm qua ngành thủy sản luôn phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề môi trường, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, rào cản kỹ thuật, mất cân đối cung - cầu làm biến động giá cả thủy sản, chất lượng hàng hóa chưa ổn định... Do đó, việc đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất đóng vai trò cực kỳ quan trọng để tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đảm bảo hội nhập kinh tế và theo kịp xu hướng phát triển khoa học công nghệ toàn cầu.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết