02/11/2016 - 21:46

Ứng dụng công nghệ thông tin tăng hiệu quả dịch vụ công

Công nghệ thông tin (CNTT) được xem là một trong những phương tiện quan trọng để thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC). Thời gian qua, TP Cần Thơ đã có những chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đối với việc ứng dụng CNTT trong quản lý và thực hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân.

 Hiệu quả từ ứng dụng CNTT

Anh Nguyễn Văn Bảy (phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt) khoe với chúng tôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vừa nhận được. Anh kể: "Sau nhiều năm dành dụm vợ chồng mua được nền nhà nhưng không biết làm thủ tục sang tên. Đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) của quận Thốt Nốt, tôi được nhân viên hướng dẫn điền mẫu và thực hiện thứ tự từng loại thủ tục. Khi hồ sơ hoàn tất, tôi được hướng dẫn về nộp tại bộ phận tiếp nhận của Văn phòng một cửa liên thông UBND phường. Hồ sơ nộp tại phường coi như xong, tôi không phải lên quận hay đi bất cứ cơ quan nào. Đến ngày theo giấy hẹn, ra phường là có ngay. CCHC đã thật sự mang lại tiện ích cho người dân". Chị Trần Thị Khánh Ngọc, ở phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, nói: "Tôi đến bộ phận TN&TKQ quận để điều chỉnh địa chỉ thửa đất. Đất tôi trước đây thuộc phường Thới Thuận, sau khi chia tách địa giới hành chính các phường thì thuộc phường Thuận An. Đến bộ phận TN&TKQ của quận, tôi thấy cách giải quyết TTHC khoa học, từ các khâu xếp hàng bắt số thứ tự trên máy đến việc ra biên nhận, giải quyết hồ sơ đều nhanh gọn. Hồ sơ không phải xác nhận ở địa phương, cán bộ chỉ căn cứ trên bản đồ, địa giới hành chính của phường mà giải quyết nhanh, có hiệu quả. Gia đình tôi và bà con đến giải quyết TTHC tại quận rất hài lòng".

Bộ phận TN&TKQ theo mô hình một cửa hiện đại của quận Thốt Nốt và cả 9 phường trực thuộc hoạt động có hiệu quả cao trong nhiều năm qua. Bà Lê Huỳnh Mỹ Hạnh, Chánh Văn phòng HĐND, UBND quận Thốt Nốt, cho biết: "Ngoài trang thiết bị phục vụ ứng dụng CNTT, bàn ghế phục vụ người dân đến giải quyết TTHC, tại bộ phận TN&TKQ còn trang bị báo, bàn nước trà, bánh phục vụ hằng ngày cho bà con. Đặc biệt, quận còn xây dựng phòng tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức khi hồ sơ giải quyết trễ hẹn, các vấn đề liên quan đến cách thức giải quyết TTHC. Cách làm này nhằm lắng nghe ý kiến của người dân để Thốt Nốt CCHC ngày càng hoàn thiện, đúng theo chủ trương thành phố đề ra".

 Cán bộ Bộ phận TN&TKQ quận Thốt Nốt nhiệt tình hướng dẫn khi người dân đến thực hiện TTHC.

Hiện nay, tất cả quận, huyện và xã, phường của TP Cần Thơ đều giải quyết TTHC theo mô hình ứng dụng CNTT tại Bộ phận TN&TKQ. 10 tháng năm 2016, các quận, huyện đã tiếp nhận trên 60.000 hồ sơ các loại. Hầu hết các hồ sơ đều được giải quyết đúng hạn, góp phần tạo sự hài lòng cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC tại địa phương.

 Tăng cường hỗ trợ

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ, hiện nay toàn thành phố có 1.952 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cấp thành phố. Trong đó, hầu hết CBCCVC đều được trang bị máy tính và kết nối Internet băng thông rộng, tạo thuận tiện trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ quản lý hành chính, giải quyết TTHC cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp... Ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT TP Cần Thơ, cho biết: "Trong công tác CCHC, CNTT có vai trò như một công cụ giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động, góp phần tự động hóa, đơn giản hóa các quy trình, TTHC. Đồng thời tạo ra phong cách lãnh đạo, làm việc mới, cải tiến các hình thức cung cấp dịch vụ công... của cơ quan nhà nước".

Từ những tiện lợi trên, Sở TT&TT đã đẩy mạnh các hoạt động như: thường xuyên hỗ trợ, đôn đốc, kiểm tra việc sử dụng, vận hành hệ thống quản lý văn bản, điều hành tại các sở, ngành và quận, huyện; phát huy hiệu quả giải quyết TTHC tại mô hình một cửa điện tử và dịch vụ công của 19 đơn vị cấp sở và tất cả quận, huyện, xã, phường. Hiện nay tất cả các dịch vụ hành chính công của các cơ quan nhà nước thuộc UBND thành phố đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 1, 2 trên cổng thông tin điện tử. Trong đó, có 152 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 83 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa cơ quan nhà nước đạt trên 60%; tỷ lệ CBCCVC thường xuyên sử dụng thư điện tử trao đổi văn bản đạt trên 65%... Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Sở TT&TT, mô hình ứng dụng CNTT tại các sở, ngành và quận, huyện phát huy hiệu quả, giúp các đơn vị, cá nhân giải quyết hồ sơ cho công dân được nhanh chóng và minh bạch hơn.

Theo kế hoạch, để đạt mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đến năm 2020, toàn thành phố phải có hệ thống CNTT kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đến tất cả các đơn vị cấp xã qua phương thức sử dụng mạng viễn thông công cộng; 90% các văn bản, tài liệu được trao đổi trên môi trường mạng và có ứng dụng chữ ký số (trừ các văn bản, tài liệu mật); cung cấp 44% dịch vụ công mức độ 3 và 17% dịch vụ công mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp… Đối với CBCCVC phải có từ 80% trở lên được bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức CNTT; tất cả cán bộ chuyên trách CNTT được bồi dưỡng nâng cao trình độ về xây dựng, triển khai, quản lý và giám sát các dự án ứng dụng CNTT, an toàn an ninh thông tin… Đặc biệt, thành phố thành lập ít nhất một Khu CNTT tập trung; phát triển thêm các doanh nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT có thương hiệu… Các chỉ tiêu này sẽ tiếp tục nâng cao và hoàn thiện hơn trong khoảng thời gian những năm 2030. Và thời điểm đó, TP Cần Thơ thực sự là chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động giải quyết TTHC.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết