25/11/2018 - 16:49

Ứng dụng blockchain trong nông nghiệp: có đơn giản? 

Nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đang là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm, gần đây giải pháp ứng dụng blockchain trong nông nghiệp đã được đưa ra với mục tiêu giải quyết vấn đề minh bạch của sản phẩm. Song, blockchain là khái niệm hoàn toàn mới nên việc ứng dụng vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm là bài toán không đơn giản.


Ứng dụng công nghệ blockchain vào nông nghiệp kỳ vọng tăng giá trị nông sản và góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: LẠC MẪN

Blockchain là giải pháp ứng dụng mới trong giới công nghệ không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới giúp doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình sản xuất, giải bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do blockchain có tính minh bạch với tất cả mọi người nên bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra nguồn gốc sản phẩm ở bất cứ đâu. Bằng việc sử dụng blockchain các công ty nông nghiệp có thể tạo ra một hệ thống ghi lại tất cả quá trình sản xuất của toàn bộ các sản phẩm nông nghiệp. Công nghệ blockchain được biết đến là một sổ cái số chung, trong đó, dữ liệu sẽ được lưu vào một cách tuần tự trong các khối. Để được ghi dữ liệu vào blockchain cần phải được sự đồng thuận của đa số các nút tham gia hệ thống. Sự đồng thuận đó được quy định một cách rất chặt chẽ bởi các logic được định sẵn, ví dụ như ai có quyền gì. Dữ liệu khi đã được đưa vào blockchain sẽ không thể bị thay đổi sai lệch với chuẩn định trước.

Theo ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, ứng dụng công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc sản phẩm có lợi cho cả người tiêu dùng, doanh nghiệp. Với người tiêu dùng, khi sử dụng sản phẩm thông qua truy xuất biết được sản phẩm sản xuất từ đâu, lúc nào, trang trại nào, sản xuất theo phương thức nào… Với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ blockchain vào sản xuất có thể kiểm soát được trong toàn bộ chuỗi sản xuất, khâu nào đang hợp lý, khâu nào có thể tiết kiệm. Từ đó, doanh nghiệp sắp xếp lại chuỗi sản xuất hợp lý hơn và lợi nhuận trong chuỗi sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, ứng dụng blockchain cũng xem như giải pháp xây dựng thương hiệu. Bởi một khi sản phẩm của Việt Nam minh bạch về nguồn gốc, tăng giá trị nông sản trên thị trường quốc tế.

Trong công tác quản lý nhà nước, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho rằng: Với những thuộc tính của công nghệ blockchain, nếu công nghệ này được công bố và pháp luật thừa nhận, đây sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước xử lý những sản phẩm không minh bạch. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước cùng với cộng đồng những nhà sản xuất chân chính góp bàn tay và khối óc xây dựng xã hội ngày càng tốt hơn.

Lợi ích là vậy, song theo đánh giá của chuyên gia, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ blockchain vào sản xuất nông nghiệp là vấn đề khó. Ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Việc ứng dụng blockchain vào cuộc sống không phải là điều dễ dàng vì đòi hỏi phải có sự đồng lòng từ nhiều phía. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp muốn làm nhưng người tiêu dùng không cần thì cũng khó triển khai. Hoặc nếu sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ trong một giới hạn thị trường nào đó thì doanh nghiệp chưa có nhu cầu. Để công nghệ blockchain được triển khai hiệu quả, đòi hỏi tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng sản phẩm phải tiếp nhận công nghệ này. Song chưa hẳn các bên liên quan đều đồng ý tham gia thực hiện và cũng không có quy định nào bắt buộc họ phải tham gia. Công nghệ blockchain có thể ngăn ngừa gian lận, dù rất khó nhưng vẫn có thể xảy ra gian lận nếu có hệ thống khác can thiệp vào.

Ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lina Network, nhấn mạnh: Công nghệ blockchain có thể được sử dụng để mang lại kết quả tích cực và vai trò quản lý nhà nước rất quan trọng. Vì vậy, Chính phủ cần sớm ban hành khung hành lang pháp lý cho công nghệ blockchain. Bởi một công nghệ thể hiện sự minh bạch cần có pháp luật bảo vệ.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, blockchain là một công nghệ khá mới mẻ tại Việt Nam, để ứng dụng tốt công nghệ này, cần tuyên truyền cả người dân và doanh nghiệp cùng hiểu rõ những lợi ích khi ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, hỗ trợ đào tạo nông dân cũng như cán bộ của các công ty tham gia dự án để việc vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua công nghệ blockchain được thuận lợi và chuẩn hóa thông tin khi ứng dụng rộng rãi…

LẠC MẪN

Chia sẻ bài viết