Một số chuyên gia cho rằng chúng ta đang ở trong sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thứ 6. Tuy nhiên, ngay cả trong những giai đoạn bớt căng thẳng hơn của lịch sử Trái đất thì câu trả lời vẫn phụ thuộc vào từng giống loài.
Trung bình, động vật có vú tồn tại từ một đến 2 triệu năm
Cá voi xanh oai hùng đã rong ruổi trên các đại dương khoảng 4,5 triệu năm, nhưng về tổng thể liệu nó có đại diện cho các loài? Các loài thường tồn tại trong bao nhiêu năm trước khi tuyệt chủng?
Câu trả lời mà chúng ta tìm kiếm lâu nay có thể sẽ rất khác. Do môi trường sống bị phá hủy, biến đổi khí hậu và một loạt nhân tố khác mà các động, thực vật đang biến mất khỏi hành tinh của chúng ta nhanh hơn so với 5 cuộc đại tuyệt chủng từng diễn ra trước đây.
Một số chuyên gia cho rằng chúng ta đang ở trong sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thứ 6. Tuy nhiên, ngay cả trong những giai đoạn bớt căng thẳng hơn của lịch sử Trái đất thì câu trả lời vẫn phụ thuộc vào từng giống loài.
Đối với động vật có vú, trung bình các loài tồn tại từ 1 đến 2 triệu năm, theo tạp chí People & The Planet. Tuy nhiên, mức trung bình này cũng phụ thuộc vào thời kỳ địa chất và từng loài. Trung bình các loài động vật có vú trong thời đại Cenozoic (65 triệu năm trước đây) tồn tại trong 3,2 triệu năm, trong đó loài to lớn hơn tồn tại lâu hơn, theo một nghiên cứu được công bố năm 2013 trên tạp chí Intergrative Zoology.
Đối với loài động vật không xương sống, thời gian tồn tại còn ấn tượng hơn: Trung bình từ 5 đến 10 triệu năm.
Tuy nhiên, những con số này vẫn đang gây tranh cãi khi các nhà nghiên cứu không thừa nhận chúng. Hồ sơ hóa thạch ghi lại thời điểm một loài xuất hiện và biến mất nhưng nó để lại một khoảng sai số lớn vì phải có đủ các điều kiện để hình thành một hóa thạch mà những điều kiện đó không phải lúc nào cũng có khi một loại xuất hiện và biến mất. Và những chỉ số tuổi thọ này cũng chưa thực sự thuyết phục. Stuart Pimm, chuyên gia hàng đầu về tuyệt chủng và là nhà sinh thái học bảo tồn ở Trường Đại học Môi trường Nicholas (thuộc Đại học Duke, Mỹ) cho biết sự tuyệt chủng nên được đánh giá ở khía cạnh có bao nhiêu loài chết đi hằng ngày, hằng tháng hoặc hằng năm.
“Sẽ dễ dàng hơn khi đánh giá về tỷ lệ tử vong bởi có một số loài sống rất lâu và cũng có những loài có tuổi thọ ngắn hơn. Mức trung bình nói trên không thực sự giúp nhiều như chúng ta nghĩ”, Pimm nói.
Pimm nói, tỷ lệ tuyệt chủng hiện tại cao hơn nhiều so với bất kỳ dự đoán nào - gấp khoảng 1.000 lần so với ước tính tỷ lệ tuyệt chủng nền của ông. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý về tốc độ tuyệt chủng của các loài hiện nay. Tierra Curry, một nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Đa dạng Sinh học ở Oregon, Mỹ cho biết một số chuyên gia ước tính rằng tốc độ tuyệt chủng hiện nay chỉ nhanh hơn 100 lần hoặc ở một thái cực khác, nhanh hơn hẳn 10.000 lần.
Có một số nguyên nhân giải thích tại sao các ước tính về tốc độ tuyệt chủng hiện tại lại khác nhau như vậy. “Tỷ lệ tuyệt chủng dựa vào số lượng loài trên Trái đất và tốc độ tuyệt chủng. Và không ai thực sự biết câu trả lời cho một trong 2 câu hỏi đó”, Curry nói.
“Khoảng 90% các loài đang sống - phần lớn là côn trùng - có lẽ đã không được đặt tên. Và nếu các nhà nghiên cứu không biết rằng có một loài tồn tại thì họ sẽ không biết nó đã tuyệt chủng. Một vấn đề phức tạp khác là rất khó để biết khi nào các loài đã tuyệt chủng. Chỉ bởi các nhà nghiên cứu không nhìn thấy chúng trong vài năm không có nghĩa là chúng đã biến mất. Việc tính toán có thể trở nên khó khăn hơn khi các loài đã tuyệt chủng trong tự nhiên nhưng lại sống trong các vườn thú”, Pimm cho biết thêm.
Một điều mà các chuyên gia đồng ý là tỷ lệ tuyệt chủng hiện tại là quá cao. “Các loài đang thích nghi nhanh nhất có thể nhưng cuối cùng vận may cũng hết và chúng không thích ứng được”, Pimm nói.
Theo Báo Điện tử Chính phủ