14/04/2019 - 10:35

Dịch vụ trực tuyến:

Tương lai Hollywood? 

Dịch vụ trực tuyến phát triển mạnh khắp mọi nơi, đem lại nhiều tiện ích cho khán giả; nhưng cũng gây xung đột với các nhà làm phim, các rạp truyền thống. 

Khi “Roma” - tác phẩm do Netflix đầu tư, bị đánh bại bởi “Green Book” ở hạng mục Phim xuất sắc nhất tại Oscar 2019, làn sóng tranh luận bắt đầu. “Green Book” không được đánh giá cao, còn “Roma” lại được cho là xứng đáng với ngôi vị cao nhất Oscar, nhưng “Roma” thua cuộc một phần vì do Netflix đầu tư. 

“The Irishman” - tác phẩm mới của Netflix được dự đoán sẽ gây chú ý tại Oscar 2020.

"Roma” vuột mất giải thưởng, khởi đầu cho cuộc chiến nảy lửa giữa dịch vụ trực tuyến với các nhà làm phim và rạp truyền thống. Đạo diễn kỳ cựu Steven Spielberg - thành viên Hội đồng quản trị Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS), khá quyết liệt trước các dịch vụ trực tuyến, khi là người tiên phong nêu quan điểm “Loại bỏ phim truyền hình khỏi Oscar”. Vị đạo diễn kỳ cựu bày tỏ: “Tôi hy vọng tất cả chúng ta tiếp tục tin tưởng rằng những đóng góp lớn nhất mà nhà làm phim có thể mang đến cho khán giả là trải nghiệm bằng nghệ thuật điện ảnh. Các rạp chiếu phim phải tồn tại mãi mãi”. Tháng 3 vừa qua, Steven Spielberg đã đưa ra đề xuất mới dành cho phim tranh đề cử Oscar. Trước đây, tác phẩm được đề cử Oscar phải được công chiếu một tuần ở rạp, nhưng khi dịch vụ phát sóng trực tuyến phát triển mạnh mẽ từ năm 2012 thì quy định này được điều chỉnh, đòi hỏi các phim trong dịch vụ phát sóng trực tuyến phải ra mắt ở tất cả các định dạng vào cùng một thời điểm. Nay thì Steven Spielberg đề xuất phim sẽ phải chiếu rạp độc quyền trong 4 tuần trước khi xuất hiện trực tuyến, thì mới được xem xét đề cử Oscar.

Netflix và các dịch vụ phát sóng trực tuyến đã chịu nhiều chèn ép khá gay gắt trước đó. “Roma” cũng từng gây tranh luận ở Liên hoan phim quốc tế Cannes 2018, khi các quy định bất lợi cho phim trực tuyến. Netflix khi đó đã quyết định rút “Roma” khỏi Cannes; sau đó đưa phim công chiếu 3 tuần độc quyền trước khi chính thức phát hành trên hệ thống trực tuyến, để được dự tranh Oscar 2019. Nhưng phim vẫn không được lòng AMPAS bởi vướng mắc mang tên Netflix. Nay Steven Spielberg đưa ra các đề xuất mới, mâu thuẫn lại bùng nổ.  

Vẫn có nhiều nhà làm phim ủng hộ các dịch vụ trực tuyến. Đạo diễn Christopher Nolan và nhà sản xuất Emma Thomas cho rằng sự phủ sóng của các dịch vụ trực tuyến như Netflix mang đến nhiều lợi ích cho các nhà làm phim, cũng như đóng góp tích cực cho sự phát triển của công nghiệp điện ảnh. Đạo diễn Barry Jenkins cũng bày tỏ: “Chúng ta đang quan tâm đến việc làm ra những bộ phim, hay là chỉ soi mói nơi phim được phân phối? Nếu bỏ qua định kiến về kênh phân phối, "Roma" là tác phẩm kinh điển”. Franklin Leonard cho rằng Netflix đã mang đến những tác phẩm xuất sắc, trong đó có không ít phim được đề cử Oscar như “Beasts of No Nation”, “13th”, “Mudward”, “Roma”. Nữ đạo diễn Ava DuVernay nói: “Một trong những điều tôi đánh giá cao Netflix là họ không hạn chế phát hành tác phẩm của những người da màu”.

Với dịch vụ trải rộng hơn 190 quốc gia, Netflix tạo điều kiện cho các nhà làm phim mang được tác phẩm của mình tiếp cận được nhiều người và đó mới chính là điều ngành công nghiệp điện ảnh đang cần. Netflix còn đầu tư thỏa đáng cho các nhà làm phim, không phân biệt độ nổi tiếng, miễn kịch bản đó phù hợp với tiêu chí của đơn vị. Năm 2019, Netflix có hàng loạt dự án: “The Last Thing He Wanted”, “The King”, “The Laundromat”, “The Irishman”… Đạo diễn Martin Scorsese nói: ““The Irishman” là phim rủi ro cao, cho đến nay đã 7 năm không ai dám bỏ vốn. Netflix lại chấp nhận mạo hiểm”. 

Netflix cũng như các dịch vụ phát hành trực tuyến khác (Amazon, Apple, Disney, WarnerMedia) còn quan tâm đầu tư cho tác phẩm, chứ không chỉ là vì lợi nhuận. Do đó, không ít người cho rằng nên có sự nhìn nhận đúng cho các dịch vụ trực tuyến. Tim League, người sáng lập Rạp chiếu phim Alamo Drafthouse, cho rằng: “Netflix nên hợp tác chặt chẽ hơn với các rạp chiếu phim để cung cấp các suất chiếu độc quyền và Viện Hàn lâm nên tiếp tục hỗ trợ các bộ phim của Netflix được phát hành rộng rãi trên màn bạc”. Đạo diễn Sean Baker đề xuất “phát hành rạp bậc thang”, nghĩa là cho phép thuê bao của Netflix trả một khoản phí danh nghĩa để xem các phim của đơn vị này ở rạp miễn phí. Nhà làm phim Paul Schrader lại đề nghị các rạp nên liên minh với các hệ thống trực tuyến để phát hành hai tầng: "Không nên đối đầu mà cần sự thỏa hiệp mới mang lại hiệu quả”. 

Trước sự chèn ép, Netflix vẫn không ngừng thành công, đồng thời dẫn lối cho nhiều đơn vị dịch vụ trực tuyến như Apple, Disney, Amazon, AT& T có hướng kinh doanh mới. Điều này sẽ thay đổi nền công nghiệp điện ảnh trong tương lai gần.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Hollywoodreporter, Vogue, Nytimes)

Chia sẻ bài viết