15/12/2024 - 13:44

Tục thờ Bà Chúa Xứ ở Tây Nam Bộ 

Hầu như địa phương nào ở miền Tây Nam Bộ cũng có miếu thờ Bà Chúa Xứ - vị nữ thần xứ sở, bà chủ đất đai, người tạo dựng, che chở mọi sinh linh. Người ta lập miếu thờ Bà trong khuôn viên đình làng, bên ngoài xóm ấp, cả trong nhà mình và cúng Bà với nghi thức rất trang trọng.

Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: Minh Anh

Mặc dù địa phương nào ở ĐBSCL cũng có miếu thờ Bà Chúa Xứ, nhưng nơi thờ Bà lớn nhất ở miền Tây là Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Châu Đốc - An Giang. Nơi đây được xem là trung tâm hành hương lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ. Đây cũng là nơi nổi tiếng linh thiêng với nhiều giai thoại, truyền thuyết khác nhau. Trong đó, phổ biến truyện kể rằng, ngày xưa tượng Bà ở trên đỉnh núi Sam, nơi đó vẫn còn một bệ đá bằng sa thạch hình vuông cạnh 1,6m dày gần 0,3m. Vào những năm đầu thế kỷ XIX, giặc hay sang đây quấy phá. Khi lên núi Sam, chúng gặp tượng Bà và cạy ra khiêng xuống núi, nhưng chỉ đi được một đoạn thì tượng Bà bỗng trở nên nặng trịch. Một hôm dân làng lên núi gặp tượng Bà giữa rừng, bèn cùng nhau khiêng về lập miếu thờ. Nhưng lạ thay, dù có nhiều thanh niên lực lưỡng mà vẫn không thể nào khiêng được tượng. Bỗng một phụ nữ bảo phải có những người con gái đưa tượng Bà xuống núi. Y lời, dân làng mới khiêng được tượng. Nhưng đến gần chân núi, tượng Bà tự nhiên nặng hẳn lên và không thể xê dịch được. Dân làng cho rằng Bà đã chọn nơi đây để an ngự. 

Ngoài Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, nhiều nơi thờ Bà Chúa Xứ cũng có những câu chuyện kể về Bà. Chẳng hạn, Miếu Bà Chúa Xứ Bến Đáy ở thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh có câu chuyện kể về Bà như sau: Mẫu vốn là tiên nữ xuống trần trong lớp một thiếu nữ mồ côi cha mẹ, được đôi vợ chồng nông dân nghèo nhận làm con nuôi. Khi nhớ cảnh tiên, mẫu thường nhặt đá dựng cảnh non bồng nước nhược nên bị cha mẹ rầy la. Mẫu buồn bã ra ngồi ngoài bãi biển, rồi nhập hồn vào khúc gỗ trầm hương, rẽ sóng trôi đi và thành thân với một vị hoàng tử, hạ sinh hai người con là Tài và Quý. Một thời gian sau vì nhớ quê, mẫu và hai con lại nhập hồn vào ba khúc trầm tìm về quê xưa đất cũ, nhưng cha mẹ nuôi đã qua đời. Mẫu cùng hai con ở lại dạy dân khai hoang làm rẫy, trừ khử thú dữ, yêu quái, bảo vệ cuộc sống yên lành. Cuối cùng mẫu cùng hai con cỡi chim về tiên giới(1).

Miếu Bà Chúa Xứ ở đình Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Hà

Qua những truyện kể trên, chúng ta thấy, Bà Chúa Xứ là người quyền năng, mà câu đối trong miếu Bà Chúa Xứ núi Sam đã cho thấy điều này:

"Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thị,

Xiêm khả kính, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lường".

(Cầu nhất định ứng, ban nhất định linh, báo cho trong mộng,

Người Xiêm phải sợ, người Thanh phải kính, ẩn ý khó lường).

Thực tế cho thấy, từ khắp vùng miền trong cả nước, vào ngày thường cũng như trong mùa lễ hội vía Bà hằng năm, rất đông người tập trung về Miếu Bà Chúa Xứ ở An Giang, đến viếng miếu Bà để cầu mong được bình an, hạnh phúc, xin Bà ban cho tài lộc, cầu mong trong công việc làm ăn buôn bán luôn được hanh thông... Người dân tin tưởng rằng, với quyền năng, Bà bảo hộ cho tất cả những ai có lòng thành kính. Song song với việc bảo hộ cư dân tại một vùng đất có đầy bất trắc, từ thiên tai, dịch bệnh đến quá nhiều cuộc xâm lược trực tiếp của các thế lực trên thế giới, Bà còn có quyền năng ban phát tài lộc cho những người thành tâm ngưỡng vọng, cầu nguyện Bà. Giúp người dân có tài lộc cũng là nhằm đem lại một cuộc sống an bình, hạnh phúc ở cõi hạ giới(2).

Với quyền năng như vậy, tín ngưỡng Bà Chúa Xứ đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống ở vùng Tây Nam Bộ. Ảnh hưởng của Bà Chúa Xứ trong tâm thức cư dân Tây Nam Bộ sâu đậm đến mức mỗi khi thấy công việc làm ăn thuận lợi thì người ta tin rằng mình đã được Bà độ, nếu gặp vận may bất ngờ là do được Bà dắt... Nếu làm gì sai thì họ cho rằng sẽ bị Bà trừng phạt. Dù tin rằng được Bà phù hộ hay lo sợ bị Bà trừng phạt thì sau đó, họ đều tìm đến miếu/miễu thờ Bà để tạ ơn hoặc mong Bà phù hộ. Vì vậy, Bà Chúa Xứ không chỉ được thờ ở miếu Bà tại An Giang mà còn được thờ ở khắp tất cả các địa phương trên toàn vùng Tây Nam Bộ"(3).

Có thể nói, Bà Chúa Xứ đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Tây Nam Bộ nói riêng, Nam Bộ nói chung. Tín ngưỡng Bà Chúa Xứ khuyên người trong việc bỏ ác hành thiện; khơi gợi lòng trắc ẩn trong công tác từ thiện xã hội; cũng như giúp người ta vững tin vào cuộc sống…

Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO được tổ chức tại thủ đô Asunción, Cộng hòa Paraguay, UNESCO đã ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đối với di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam hội tụ tổng hòa, tiêu biểu các nghi thức truyền thống của tín ngưỡng thờ Mẫu tại khu vực ĐBSCL, với sự thực hành di sản của cộng đồng các dân tộc tại địa phương. Lễ hội diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch hằng năm, ở trong Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam và khu vực bệ đá thờ Bà trên núi Sam, thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Năm 2014, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Huỳnh Hà

-----------------------------------

(1) Trần Hồng Liên (2016), "Tín ngưỡng Chúa Xứ Thánh Mẫu ở Nam Bộ". In trong cuốn "Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ - bản sắc và giá trị", NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tr.275-276.

(2) Trần Hồng Liên, Sđd, tr.278-279.

(3) Trần Ngọc Thêm (2018), "Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ", NXB Văn hóa - Văn nghệ, tr.227-228.

Chia sẻ bài viết