13/10/2021 - 06:00

Từ việc HLV Fabio Cannavaro rời Quảng Châu FC 

HLV người Ý Fabio Cannavaro đã chia tay đội bóng Quảng Châu FC do CLB đang gặp khó khăn về tài chính. 

Những ngày vui vẻ của HLV Fabio Cannavaro cùng Quảng Châu FC đã chấm dứt. Ảnh: Getty

Những ngày vui vẻ của HLV Fabio Cannavaro cùng Quảng Châu FC đã chấm dứt. Ảnh: Getty

Trước khi bắt đầu sự nghiệp HLV, Cannavaro từng là đội trưởng của tuyển Ý vô địch World Cup năm 2006. Ông được mời về dẫn dắt Quảng Châu FC vào năm 2017 và đã đưa CLB lên ngôi vô địch Super League Trung Quốc (CSL) năm 2019, về đích ở vị trí thứ hai vào năm 2018 và 2020. Tuy nhiên, cựu hậu vệ 48 tuổi của Juventus và Real Madrid đã không ở lại với Quảng Châu FC do tập đoàn sở hữu CLB là Evergrande đang đối diện vụ vỡ nợ hàng tỉ USD. Là tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Evergrande đã mạnh tay vay tiền đầu tư vào nhiều lĩnh vực, trong đó có bóng đá. Nhờ vậy, ngoài HLV Cannavaro, Quảng Châu FC cũng từng là điểm đến của những HLV từng vô địch World Cup như Marcello Lippi (Ý) hay Luiz Felipe Scolari (Brazil); cùng những cầu thủ đắt giá như tiền vệ Paulinho người Brazil. Với việc chi mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng, Quảng Châu FC đã giành được 8 danh hiệu vô địch trong nước và vô địch AFC Champions League vào các năm 2013 và 2015. Sau nhiều năm bùng nổ, CLB đang đứng trước nguy cơ sống còn do Evergrande đang trên bờ vực vỡ nợ.

Việc các công ty sở hữu giải thể đội bóng đang là vấn đề nan giải của CSL, giải đấu được quốc tế chú ý trong thập kỷ qua. Hồi tháng 2, đội bóng đương kim vô địch Giang Tô FC, thuộc sở hữu tập đoàn Suning, đã ngừng hoạt động gây chấn động CSL. Đội bóng giải thể chỉ 4 tháng sau khi vô địch CSL, nguyên do là tập đoàn bán lẻ Suning rơi vào khủng hoảng tài chính do tác động của đại dịch COVID-19. Khoản nợ khổng lồ buộc tập đoàn này giải tán tất cả các CLB bóng đá nam và nữ, các đội trẻ của Giang Tô FC. Theo báo chí Trung Quốc, trước đại dịch COVID-19, Giang Tô FC chi tiền không tiếc để ký hợp đồng với các ngôi sao thế giới.

Cùng với Giang Tô, 5 CLB chuyên nghiệp khác của Trung Quốc cũng giải thể trước mùa giải 2021, gồm Tân Môn Hổ Thiên Tân (dự giải CSL) và 4 đội hạng thấp hơn. Trước mùa bóng 2020, số CLB chuyên nghiệp bị giải thể còn nhiều hơn, với 21 CLB ngừng hoạt động. Nguyên nhân được truyền thông Trung Quốc lý giải là CSL ngày càng không được đánh giá cao về chất lượng, nên khó thu hút đầu tư.

CSL ra đời vào năm 2004 được quản lý bởi Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) để thay thế cho giải hạng A Trung Quốc, với sự tham gia của 12 đội bóng mùa giải đầu tiên. Hiện nay CSL có 16 đội. Không giống với các giải bóng đá hàng đầu châu Âu, mùa giải của CSL bắt đầu từ tháng 2 hoặc tháng 3 và kết thúc vào tháng 11 hoặc tháng 12.

LÊ NGUYÊN

Chia sẻ bài viết