28/05/2023 - 09:09

Từ phủ Tịnh Biên đến thị xã Tịnh Biên 

Bài, ảnh: VĨNH THÔNG

Tịnh Biên - vùng đồi núi phía Tây Nam tỉnh An Giang - là miền đất cổ, gắn với nền văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam. Trải qua biết bao biến động của lịch sử sau gần hai thế kỷ, Tịnh Biên từ chốn hoang hóa ngày nào đã trở thành thị xã vào năm 2023, với tiềm năng là đô thị sôi động vùng biên giới.

Thị xã Tịnh Biên ngày nay

Lịch sử hành chính qua các thời kỳ

Năm 1757, vùng đất Tầm Phong Long được chúa Nguyễn Phước Khoát thu về, trong đó có địa bàn tỉnh An Giang ngày nay. Thời điểm này, Thất Sơn vẫn chưa có đơn vị hành chính chính thức. Ðến năm 1820, trong “Gia Ðịnh thành thông chí”, không thấy tên thôn ấp nào ở nơi đây. Tuy vậy, sự có mặt của cư dân ở vùng Thất Sơn được tác phẩm này ghi nhận, họ sinh sống bằng cày cấy, chăn nuôi, khai thác lâm sản… thậm chí xuất hiện chợ(1). Năm 1836, khi “Ðịa bạ” liệt kê các thôn thuộc tổng Châu Phú, có một số thôn nằm trên địa bàn thị xã Tịnh Biên ngày nay là Nhơn Hòa, Vĩnh Thạnh, An Thạnh, An Nông, Phú Cường, Vĩnh Trung(2).

Năm 1839, dưới triều vua Minh Mạng, phủ Tịnh Biên thuộc tỉnh Hà Tiên được thành lập, bao gồm hai huyện là Hà Âm (bờ Bắc kinh Vĩnh Tế) và Hà Dương (bờ Nam kinh Vĩnh Tế). Năm 1842, dưới triều vua Thiệu Trị, phủ Tịnh Biên được tách khỏi tỉnh Hà Tiên để nhập vào tỉnh An Giang. Năm 1850, dưới triều vua Tự Ðức, phủ Tịnh Biên bị bãi bỏ, hai huyện Hà Âm và Hà Dương sáp nhập vào phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Như vậy, địa danh Tịnh Biên xuất hiện từ năm 1839 đến năm 1850, sau đó không được tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên trong dân gian, địa danh này được sử dụng với tư cách là một ngôi chợ ở làng An Thạnh (chợ Tịnh Biên ngày nay).

Năm 1867, Pháp chiếm An Giang. Vùng đất tương ứng với địa bàn thị xã Tịnh Biên ngày nay, lúc bấy giờ thuộc hạt Châu Ðốc, bao gồm các làng: Vĩnh Hưng (tổng Châu Phú), Nhơn Hòa, Hưng Thới, Xuân Sơn, Phú Thạnh, An Thạnh, An Nông (tổng Quy Ðức), Xuân Tô, Văn Giáo, Vĩnh Trung, An Cư, Thuyết Nạp, Tú Tề, Trác Quan, Tà Ðảnh (tổng Thành Ý). Năm 1890, hai làng Hưng Thới và Xuân Sơn sáp nhập thành Thới Sơn.

Năm 1900, tỉnh Châu Ðốc được thành lập. Về sau, Pháp lần lượt thành lập các quận trực thuộc, bao gồm Châu Phú, Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn. Năm 1925, hai làng An Thạnh và Phú Thạnh sáp nhập thành An Phú, hai làng Nhơn Hòa và Vĩnh Hưng sáp nhập thành Nhơn Hưng, đều thuộc tổng Quy Ðức. Ðến thập niên 1930, quận Tịnh Biên có các làng Nhơn Hưng, Thới Sơn, An Phú, An Nông (tổng Quy Ðức), Lạc Quới, Vĩnh Gia (tổng Thành Tín), Xuân Tô, Văn Giáo, Vĩnh Trung, An Cư, Thuyết Nạp (tổng Thành Ý)(3).

Năm 1956, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Ðốc khi đó sáp nhập thành tỉnh An Giang. Quận Tịnh Biên bấy giờ có các xã Nhơn Hưng, Thới Sơn, An Phú (quận lỵ), Xuân Tô, An Nông, Ba Chúc, Lạc Quới, Vĩnh Gia, Vĩnh Ðiều, Tân Khánh Hòa. Năm 2003, huyện Tịnh Biên bao gồm thị trấn Nhà Bàng, thị trấn Chi Lăng, các xã Nhơn Hưng, Thới Sơn, An Phú, Xuân Tô, An Nông, Văn Giáo, Vĩnh Trung, Núi Voi, An Cư, An Hảo, Tân Lợi, Tân Lập. Năm 2023, huyện Tịnh Biên trở thành thị xã, bao gồm 7 phường là Nhơn Hưng, Thới Sơn, Nhà Bàng, An Phú, Tịnh Biên, Chi Lăng, Núi Voi và 7 xã là An Nông, An Cư, An Hảo, Văn Giáo, Vĩnh Trung, Tân Lập, Tân Lợi.

Những dấu ấn trong khai phá và xây dựng

Trong công cuộc đẩy mạnh khai hoang ở những vùng đất mới của triều Nguyễn, khu vực biên giới Tây Nam là một trong những địa điểm được chú ý. Năm 1824, kinh Vĩnh Tế nối Châu Ðốc với Hà Tiên được đào xong, trong đó phần lớn đi ngang vùng Thất Sơn. Từ đây, ghe thuyền xuôi ngược tấp nập, góp phần giúp vùng Thất Sơn dần trở nên bớt hoang vu, dân cư bắt đầu tìm đến lập nghiệp.

Dưới triều vua Tự Ðức, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương kiến nghị triều đình cho phép dân chúng đến Nam Kỳ khẩn hoang làm đồn điền. Năm 1853, triều đình tiếp tục có chính sách chiêu mộ cư dân đến “bờ sông Vĩnh Tế và các phủ Ba Xuyên, Tĩnh Biên, đều chiểu chỗ đất nào bỏ hoang mà cư trú cày cấy”(4). Mô hình đồn điền được đánh giá là có kết quả tích cực, thể hiện qua số lượng thôn ấp và dân cư, diện tích cày cấy, sản lượng lúa… đều gia tăng. Công việc khai thác đất Tịnh Biên tiếp tục được đẩy mạnh trong những năm 1850-1860, cho đến khi Pháp xâm lược.

Người Pháp có mặt đã chú ý khai thác các tuyến đường ở Tịnh Biên. Dĩ nhiên trước đó, các ngả đường đi khắp vùng Bảy Núi đã hình thành. Ðó là các con đường Nhà Bàn(5) - Nhơn Hưng, Nhà Bàn - Tịnh Biên, Nhà Bàn - Vĩnh Trung - Tri Tôn, Tịnh Biên - Ba Chúc… mà về sau chính quyền Pháp tiếp tục nâng cấp.

Chợ Tịnh Biên những năm 1920.

Nơi hội tụ những chí sĩ yêu nước

Thời kỳ đất nước biến động, khủng hoảng và bị xâm lược, nơi đây liên tục đón chân nhiều chí sĩ với hoài bão canh tân và cứu nước. Có thể đó là một trong những đặc điểm nổi bật trong lịch sử Tịnh Biên mà không thể không nhắc đến.

Năm 1851, nhà sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là Ðoàn Minh Huyên (Ðức Phật Thầy Tây An, 1849-1856) và các đại đệ tử chiêu mộ tín đồ đến Thất Sơn mở trại ruộng, lập hai làng Hưng Thới và Xuân Sơn (phường Thới Sơn ngày nay). Sau ông, hai đệ tử lớn là Bùi Văn Thân (Tăng Chủ) và Bùi Văn Tây (Ðình Tây) tiếp tục công việc của thầy, dẫn dắt tín đồ an cư lạc nghiệp trên vùng đất mới. Quá trình đó, Bửu Sơn Kỳ Hương đã để lại nhiều dấu ấn văn hóa trong đời sống của cư dân Tịnh Biên.

Năm 1900, Hòa thượng Như Hiển - Chí Thiền (1861-1933) vào Thất Sơn, rồi tìm đến chùa Phi Lai (phường Núi Voi ngày nay). Trước đó, ông từng tham gia phong trào Văn Thân chống Pháp ở Trung Kỳ, rồi vào Nam lánh nạn, xuất gia tu hành. Từ khi ở chùa Phi Lai cho đến cuối đời, hòa thượng tích cực dấn thân vào các hoạt động từ thiện xã hội và phong trào chấn hưng Phật giáo, đồng thời âm thầm hỗ trợ cho các chí sĩ kháng Pháp, đặc biệt là phong trào Ðông Du do cụ Phan Bội Châu đứng đầu.

Năm 1902, núi Cấm đón chân ông Nguyễn Văn Do (1855-1926), tục gọi là Bảy Do - Chưởng giáo Nam Cực đường. Ðến năm 1906, Nam Các tự (hiện nay là chùa Phật lớn) ra đời trên ngọn núi này, vừa là chùa thờ Phật, vừa là cơ sở của Hội Kín chống Pháp do Phan Xích Long làm thủ lãnh, mà ông Bảy Do là một trong những nhân vật có vai trò quan trọng của phong trào. Năm 1916, ông tham gia cuộc nổi dậy phá Khám Lớn Sài Gòn nhưng thất bại. Năm 1917, Pháp kéo quân lên núi bắt ông, sau đó đày đi Côn Ðảo cho đến khi qua đời.

Khoảng những năm 1880-1890, ông Nguyễn Thành Ða (không rõ năm sinh năm mất), tục gọi là Cử Ða, một chí sĩ hưởng ứng phong trào Cần Vương, đến Thất Sơn tìm kiếm những người có cùng chí hướng để liên kết chống Pháp. Trong thời gian này, ông tập hợp được một lực lượng nhỏ, tiến đánh đồn Cây Mít của Pháp ven kinh Vĩnh Tế, nhưng thất bại. Thất vọng vì chí lớn không thành, những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, ông từ bỏ quê hương, lên núi tu hành, sau đó không ai biết tung tích.

Năm 1920, sau thời gian tu học ở núi Tà Lơn (Campuchia), ông Nguyễn Thành Ðạo (không rõ năm sinh-1947) tức Ba Ðạo, về núi Cấm cất Trung Thiên Sơn tự. Nơi đây nhanh chóng trở thành lò võ thu hút đông đảo thanh niên ở khắp Nam Kỳ tìm đến. Khi phong trào Việt Minh ra đời, ông là người tích cực ủng hộ. Trung Thiên Sơn tự trở thành cơ sở liên lạc bí mật trên núi Cấm của những người chống Pháp. Tuy vậy, không lâu sau Pháp phát hiện rồi sát hại ông.

Với gần hai trăm năm, sự hình thành và phát triển của thị xã Tịnh Biên chưa phải là quá dài. Tuy vậy, để phác thảo tiến trình lịch sử đó một cách cô đọng quả là không đơn giản. Bởi nơi đây là miền biên cương khắc nghiệt khiến luôn mang đến những thử thách cho con người khi bắt tay vào công cuộc chinh phục và xây dựng. Tuy vậy, trong những khó khăn đó, người dân Tịnh Biên đã thể hiện sự năng động, linh hoạt, bản lĩnh ứng xử… để thích nghi với thiên nhiên, phát triển sản xuất, đồng thời chống xâm lược. 

---------------------

1. Trịnh Hoài Đức (1999), Gia Định thành thông chí, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục tr. 50-51.

2. Nguyễn Đình Đầu (1995), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: An Giang, Nxb TP.HCM, tr. 165.

3. Nguyễn Đình Tư (2017), Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859 - 1954), Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr. 201-205.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, Tập 7, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục, tr. 263.

5. Địa danh dân gian là Nhà Bàn, về sau viết nhầm thành Nhà Bàng và trở thành địa danh hành chính. Do đó, chúng tôi viết Nhà Bàn khi nói về địa danh dân gian và Nhà Bàng khi nói về địa danh hành chính.

Chia sẻ bài viết