24/01/2023 - 11:17

Tự chủ để vươn xa 

Bích Ngọc

“Quá trình thực hiện tự chủ đại học (TCÐH) là một phần của quá trình đổi mới và hiện đại hóa, quốc tế hóa giáo dục đại học (GDÐH). Một luồng sinh khí mạnh mẽ đã xuất hiện từ bên trong của hệ thống và thúc đẩy các ÐH phát triển”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) Nguyễn Kim Sơn nhận định tại Hội nghị TCÐH năm 2022. 

Ðó là kết quả thực hiện lộ trình TCÐH được Chính phủ xây dựng minh bạch và thận trọng. Bước đầu tiên là thí điểm tự chủ 23 trường, sau đó tổng kết và giao các kế hoạch tiếp theo. Theo Luật Giáo dục ÐH sửa đổi, bổ sung năm 2018, Chính phủ đã phân cấp 3 mô hình: mức 1 là tự chủ toàn diện (cả tài chính và đầu tư); mức 2 là tiến đến tự chủ tài chính và mức 3 là chưa tự chủ.

ÐBSCL nay đã có 17 trường ÐH và câu chuyện tự chủ được bàn, thực hiện, vạch ra lộ trình để vươn xa.

Một buổi học của giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh: B.Ng

Chuyện của đơn vị tiên phong

Năm 2017, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ (ÐHYDCT) là một trong các trường ÐH công lập thuộc lĩnh vực Y tế đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm tự chủ theo Quyết định số 455/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cũng là trường ÐH công lập đầu tiên tại Cần Thơ thực hiện cơ chế này. 

“Trường hiện phát triển mạnh về cơ sở vật chất, đội ngũ; công tác quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học... Ðặc biệt trong 5 năm thực hiện tự chủ, Ðảng bộ Trường ÐHYDCT nâng cấp thành đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy Cần Thơ; với 18 tổ chức đảng trực thuộc và hơn 1.100 đảng viên”, PGS.TS Nguyễn Minh Phương, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ÐHYDCT, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

PGS.TS Nguyễn Minh Phương gắn bó với Trường ÐHYDCT từ cuối năm 2002 khi trường được thành lập trên cơ sở nâng cấp Khoa Y - Nha - Dược (thành lập tháng 9-1979) thuộc Trường ÐH Cần Thơ. Ðến nay, Trường ÐHYDCT đã có gần 20 năm phát triển, tọa lạc trên diện tích 30,95ha, khang trang và hiện đại với các khoa Y, Ðiều dưỡng, Y tế công cộng; Bệnh viện trường, Tòa nhà khu hiệu bộ… Từ lúc thực hiện tự chủ đến nay, trường xây dựng chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Trường duy trì xuất bản Tạp chí Y Dược học, có chỉ số ISSN, bằng tiếng Việt và tiếng Anh, từ 10-12 số/năm. Các bài đăng trên tạp chí được tính điểm công trình nghiên cứu do Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định. Các năm qua, đội ngũ của trường công bố quốc tế 60-70 bài báo thuộc danh mục ISI/SCOPUS. 

“Trường có bệnh viện trực thuộc cũng thực hiện tự chủ từ khi mới thành lập, quy mô của bệnh viện dù chỉ 250 giường, nhưng được Bộ Y tế phê duyệt thực hiện hơn 10.200 kỹ thuật, kể cả các kỹ thuật xếp loại đặc biệt. Số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú khoảng 220.000 lượt/năm”, PGS.TS Nguyễn Minh Phương cho biết thêm. Trong 5 năm qua, trường đã thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với GDÐH công lập theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Công tác xây dựng đội ngũ quản lý, giảng viên, nghiên cứu... bảo đảm chất lượng, cơ cấu hợp lý. Từ 217 cán bộ, viên chức ban đầu, đến nay trường có 820 viên chức và người lao động. Tỷ lệ giảng viên có trình độ sau ÐH chiếm 85% (với 105 tiến sĩ, trong đó có 29 GS và PGS).

Một minh chứng cho câu chuyện phát triển mạnh nhờ tự chủ được Tiến sĩ Lê Văn Minh, Trưởng khoa Y, chia sẻ: “Thầy cô về trường công tác, sau 2 năm phải học nâng chuẩn trình độ tối thiểu thạc sĩ, tiến sĩ. Nhà trường hỗ trợ kinh phí, tạo mọi điều kiện giảng dạy, nghiên cứu”. Nhờ đó, Khoa Y từ chỉ có 2 tiến sĩ năm 2002 thì nay có 233 cán bộ giảng viên, trong đó có 7 PGS, 31 tiến sĩ, 24 bác sĩ chuyên khoa II… 

***

Từ năm 2003 đến nay, quy mô đào tạo của Trường ÐHYDCT tăng trung bình 15% mỗi năm, hiện trường có quy mô đào tạo trên 13.000 sinh viên, học viên. PGS.TS Nguyễn Minh Phương cho biết sắp tới trường tập trung dự án nâng cấp Trường ÐHYDCT thành trường trọng điểm quốc gia. Ðến năm 2030, phát triển thành trường ÐH định hướng ứng dụng trọng điểm quốc gia, là 1 trong 5 trường ÐH khoa học sức khỏe hàng đầu Việt Nam và xếp hạng trong 1.000 trường ÐH hàng đầu châu Á.

PGS.TS Nguyễn Minh Phương nêu băn khoăn, mặc dù quy mô đào tạo tăng hàng năm; nhưng ở ÐBSCL vẫn còn tình trạng thiếu nhân lực y tế. Trường kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe có cơ chế đặc thù trong tuyển sinh để bổ sung… Ðồng thời có cơ chế đặc thù đào tạo các ngành hiếm, như: lao, tâm thần, phong, giải phẫu bệnh, pháp y.

“Thực hiện TCÐH cho phép các trường chủ động phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chương trình đào tạo, năng động trong tạo nguồn thu từ hoạt động chuyên môn và nghiên cứu... từ đó thu hút người học. Các trường triển khai thành công TCÐH cần được xem là những nơi xứng đáng được nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng, sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia, hướng tới đẳng cấp quốc tế với chất lượng tốt hơn trước khi thực hiện tự chủ”, PGS.TS Nguyễn Minh Phương bày tỏ.

Lan tỏa tinh thần đổi mới

Hiện nay, tất cả các trường đại học (ÐH) ở Cần Thơ đã thực hiện tự chủ đại học (TCÐH). Ở ÐBSCL, nhiều trường cũng đã thực hiện cơ chế tự chủ ở các mức độ phù hợp, với đích đến là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ÐH Cần Thơ, chia sẻ: “Trong xu thế hội nhập, thực hiện TCÐH là tất yếu và bắt buộc. Giao quyền tự chủ, trường tự quyết định, tự chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội. Ðây là những điều mà các trường ÐH tiên tiến trên thế giới tự chủ và đảm bảo trong đào tạo, nghiên cứu khoa học”. Trường ÐH Cần Thơ đang thực hiện lộ trình tự chủ mức 2. Trong các năm 2020, 2021, trường tự chủ tài chính hoàn toàn, đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên và có tích lũy cho phát triển.

Trường ĐH Cần Thơ công bố thành lập 4 trường. Ảnh: B.NG 

Trường ÐH Cần Thơ cũng thực hiện cơ chế giao quyền cho các trường thành viên, các khoa, viện nghiên cứu. Kết quả rõ nét của thực hiện tự chủ là ngày 10-10-2022, Trường ÐH Cần Thơ công bố thành lập 4 trường, 1 khoa, 1 viện thuộc trường. Các trường được thành lập gồm: Trường Bách khoa, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT), Trường Kinh tế, Trường Nông nghiệp.

TS Nguyễn Hữu Hòa, Hiệu trưởng Trường CNTT&TT, chia sẻ một câu chuyện cho thấy tự chủ góp phần phát triển nhanh nguồn nhân lực của đơn vị. Do đặc thù là đơn vị đào tạo công nghệ, trường khó tuyển dụng được nhân sự chuyên ngành trình độ cao, kể cả thu hút sinh viên giỏi về trường giảng dạy. Ban Giám hiệu Trường ÐH Cần Thơ vì vậy có cơ chế riêng cho Trường CNTT&TT. Ví dụ như trường được tuyển giảng viên đạt trình độ thạc sĩ, có chứng chỉ tiếng Anh B2 trở lên - điều kiện cần để học lên tiến sĩ; hay được tuyển kỹ sư tốt nghiệp loại Giỏi làm trợ giảng, kèm điều kiện phải đăng ký học lấy bằng thạc sĩ. TS Nguyễn Hữu Hòa cho biết thêm: “Nhờ sự chủ động đó, tỷ lệ giảng viên đạt chuẩn ngày càng tăng”.

Hiện tại, Trường CNTT&TT có 108 cán bộ, giảng viên (trong đó có 5 PGS, 35 tiến sĩ, 14 nghiên cứu sinh và 37 thạc sĩ). Tất cả giảng viên của trường đều có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên. Ths Triệu Thanh Ngoan, giảng viên Khoa Mạng máy tính và truyền thông, Trường CNTT&TT, đang học chương trình tiến sĩ Sandwich chuyên ngành Khoa học máy tính tại UBO (Université de Bretagne Occidentale), Brest, Pháp, chia sẻ: “Kiến thức công nghệ luôn đổi mới, nếu giảng viên không học nâng cao trình độ, dễ lạc hậu, hiệu quả giảng dạy không cao”. 

Câu chuyện trên cho thấy cơ chế tự chủ đã góp phần phát triển đội ngũ Trường ÐH Cần Thơ có số lượng đạt chuẩn sau ÐH là 1.840 cán bộ, giảng viên (trong đó có 18 GS và 165 PGS), đảm bảo phục vụ đào tạo trên 48.000 sinh viên, học viên.

Niềm vui của sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp ngày tốt nghiệp ra trường. Ảnh: CTV

***

Tại Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, sau 10 năm thành lập, trường thực hiện tự chủ mức 2 theo Quyết định số 2345/QÐ-UBND ngày 1-8-2022 của UBND TP Cần Thơ. Trường đã xây dựng và thực hiện đúng quy chế chi tiêu nội bộ, đề án vị trí việc làm, chính sách thu học phí và miễn giảm học phí… NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho biết: “Thực hiện TCÐH thúc đẩy quá trình đổi mới, góp phần tăng vị thế của trường. Ðơn cử như tự chủ trong mở ngành giúp trường tăng cường công tác nghiên cứu để mở ngành theo nhu cầu xã hội và điều kiện thực tế nhà trường. Từ đó, đẩy nhanh tiến trình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của trường”. Hiện trường đào tạo 22 ngành trình độ ÐH thuộc 10 lĩnh vực khác nhau, trong đó có 4 ngành trường thực hiện tự chủ mở ngành và 1 ngành trình độ thạc sĩ.

Ở Trường ÐH Ðồng Tháp, khi thực hiện cơ chế tự chủ, tập thể trường đã nỗ lực đóng góp vào thành tích chung. Ðặc biệt, trường được xếp thứ 15 trong tổng số các cơ sở giáo dục ÐH trực thuộc Bộ GD&ÐT có bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI; xếp hạng 53 trong danh sách 180 trường ÐH của Việt Nam trong bảng xếp hạng Webometrics.

Còn Trường ÐH Trà Vinh bắt đầu thực hiện tự chủ vào năm 2017 theo Quyết định số 486/QÐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, đến năm 2021 theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NÐ-CP, trường thực hiện cơ chế tự chủ mức 1. Bà Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Trà Vinh, cho biết: “Hơn 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ, trường đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh mô hình đào tạo đa ngành, đa cấp học, liên thông các bậc học hướng tới học tập suốt đời”. Hiện Trường ÐH Trà Vinh có 13 chương trình đạt kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế theo chuẩn chất lượng AUN-QA, FIBAA, ABET. Nhiều năm liền được Tổ chức UI GreenMetric xếp hạng tốp 200 trường đại học xanh bền vững, thân thiện với môi trường.

Chuyển đổi số, con đường tất yếu

Việc thực hiện tự chủ đại học (TCÐH) hiện nay gắn liền xu hướng phát triển mô hình ÐH thông minh cùng với giáo dục số. Các trường ÐH vùng ÐBSCL đã và đang tăng tốc trên con đường phát triển tất yếu này.

Giờ dạy thực hành kỹ thuật phân tích cho sinh viên của TS Lê Vũ Lan Phương, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Ảnh: B.NG 

Chỉ cần vài thao tác trên thiết bị phục vụ chuyên ngành Công nghệ sinh học (CNSH), TS Lê Vũ Lan Phương, Trưởng bộ môn CNSH, Khoa Công nghệ hóa học - Công nghệ thực phẩm, Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, đã giúp sinh viên nắm vững quy trình thí nghiệm, hiểu sâu lý thuyết. TS Lê Vũ Lan Phương cho biết mục tiêu giáo dục của cô là rèn cho sinh viên kỹ năng tự học, tự khám phá, biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Từ quá trình học thạc sĩ và tiến sĩ tại Nhật (năm 2010 đến 2016), kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm qua, cô chia sẻ: “Ðể đạt mục tiêu giáo dục đó, số hóa hoạt động giảng dạy và nghiên cứu là tất yếu”. 

Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các hệ thống quản lý: phần mềm quản lý học vụ (Education), phần mềm quản lý nhân sự - tiền lương (HRM), phần mềm hành chính điện tử (EGOV), cổng thông tin của trường và các trang thông tin theo mỗi đơn vị, phần mềm E-Learning hỗ trợ giảng dạy trực tuyến các học phần lý thuyết, thực hành. NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng nhà trường, nhấn mạnh: “Trường đẩy mạnh chuyển đổi số (CÐS) trong công tác quản trị và giảng dạy, hướng đến xây dựng Trường ÐH số”. 

Cũng với quan điểm trên, Trường ÐH Trà Vinh hình thành Phòng Kế toán mô phỏng để sinh viên các lớp Kế toán thực hành trong môi trường gần giống như khi làm việc thực tế tại các doanh nghiệp. Ths Nguyễn Thị Phúc, giảng viên Bộ môn Kế toán, Khoa Kinh tế - Luật của trường, cho biết: “Thay vì thực hiện thủ công, sinh viên thực hành các thông số qua phần mềm kế toán (hệ thống chương trình được lập trình xử lý tự động các thông tin trên máy tính)”.

Năm 2017 - năm đầu tiên Trường ÐH Trà Vinh thực hiện TCÐH - trường đã đầu tư 2 Phòng Kế toán mô phỏng (mỗi phòng được trang bị hiện đại, với 60 máy tính kết nối mạng wifi), với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đang liên kết đào tạo, giúp trường hiện đại hóa trang thiết bị thực hành đáp ứng CÐS; cập nhật, bổ sung kiến thức mới từ doanh nghiệp vào chương trình đào tạo. Phía doanh nghiệp nhờ đó tìm được nhân sự phù hợp. Trường ÐH Trà Vinh đã phát triển mô hình ÐH thông minh, xây dựng và sử dụng các khóa học E-Learning trên hệ thống LMS làm công cụ hỗ trợ cho việc giảng dạy trực tiếp. Bà Thạch Thị Dân, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Các giải pháp này áp dụng cho hơn 20.000 sinh viên, học viên từ hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước và sinh viên Campuchia theo học tại trường từ trình độ ÐH đến sau ÐH”.

Tại Trường ÐH Cần Thơ, Ðảng ủy trường đã có Nghị quyết số 51-NQ/ÐU về đẩy mạnh CÐS để phát triển trường theo hướng ÐH thông minh. Trong đó, trường đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có 90% quy trình và hồ sơ công việc của trường được xử lý trên môi trường mạng; quản lý nhân sự và giờ làm việc cũng được số hóa. Có 80% dịch vụ trực tuyến cung cấp cho viên chức và người học đạt mức độ 4 và ít nhất 20% số học phần áp dụng hình thức giảng dạy trực tuyến, đánh giá trắc nghiệm khách quan trên máy tính.

Theo GS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ÐH Cần Thơ, một trong những công cụ quan trọng để hội nhập và thực hiện TCÐH là CÐS. Công tác này đòi hỏi đầu tư cơ sở vật chất để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nguồn nhân lực, thực hiện đề tài nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp. Trường ÐH Cần Thơ được Bộ GD&ÐT đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, xây dựng một số môn học ứng dụng CÐS đưa lên các trang mạng để tất cả các trường khác có thể sử dụng. “Ðiều này tạo điều kiện cho trường CÐS toàn diện, trong đó ưu tiên phát triển các ngành liên quan đến nông nghiệp, thủy sản vùng ÐBSCL”, GS Hà Thanh
Toàn nói.

Nhờ cơ chế tự chủ, các trường linh hoạt, chủ động tìm nguồn và đối tác đầu tư, thúc đẩy đôi bên cùng phát triển. Từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của trường ÐH. 

Chia sẻ bài viết