02/08/2018 - 09:37

Trường hợp sinh con được thanh toán bảo hiểm y tế 

Bạn đọc Báo Cần Thơ gởi thắc mắc về việc tại sao thai phụ có bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng đến Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ sinh con lại gặp khó trong việc thanh toán bảo hiểm chi phí khám chữa bệnh. Về vấn đề này, BV Phụ sản thành phố phản hồi thông tin, qua đó cung cấp thêm quy định của BHYT đối với các trường hợp sinh con.

Tham gia BHYT, sản phụ được thanh toán phần lớn viện phí.

Cụ thể, chị Trần Thị Tuyết Lan (ở quận Ninh Kiều) thắc mắc, thai phụ tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BV Đa khoa TP Cần Thơ, nhưng đơn vị này không cung cấp dịch vụ cho thai phụ sinh nở nên phải đến BV Phụ sản TP Cần Thơ. Tuy nhiên, tại BV Phụ sản thành phố, cán bộ y tế nơi đây hướng dẫn, nếu muốn được sinh con tại BV Phụ sản và được thanh toán BHYT thì phải có giấy chuyển viện từ BV Đa khoa TP Cần Thơ đến đây, hoặc là trong trường hợp cấp cứu mới được tính BHYT.

Chị Lan dẫn chứng một vài trường hợp gặp khó khăn do thủ tục BHYT rườm rà ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Trường hợp thứ nhất là thai phụ Lý Hồng Như, đến ngày dự sinh vào viện, nhưng bác sĩ khám nói chưa có dấu hiệu sinh, phải về nhà, sau đó thì đau bụng, vào BV trở lại mới được hướng dẫn cho vào cấp cứu rồi sinh để được thanh toán BHYT. Sau khi sinh, bé không khỏe, phải điều trị tiếp tục gần đầy tháng mới về nhà, còn mẹ thì chuyển qua BV Đa khoa TP Cần Thơ điều trị suy thận. Thêm một trường hợp khác, là thai phụ Huỳnh Thị Bích Ngân, hàng tháng khám thai ở BV Phụ sản, chỉ được cấp ngày nghỉ khám thai, còn lại thuốc men hay siêu âm kiểm tra đều phải tự trả chi phí. Các thai phụ có chung thắc mắc, người lao động mua BHYT, phải đóng BHYT hàng tháng, để đi khám bệnh được bảo hiểm chi trả, nhưng tại sao lại có nhiều yêu cầu buộc phải chuyển viện và các thủ tục riêng của từng BV ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Ngoài ra, chị Tuyết Lan còn băn khoăn, chị tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở BV Đa khoa TP Cần Thơ, khi đi khám ở BV Medic Hòa Hảo Cần Thơ hay BV Tâm Minh Đức, thậm chí lên các BV của TP Hồ Chí Minh đều được thanh toán BHYT nhưng khi đến các BV khác tại Cần Thơ như BV Trường Đại học Y dược Cần Thơ hay Đa khoa Trung ương Cần Thơ lại không được chấp nhận và cho rằng chị khám bệnh không đúng tuyến. Chị Lan thắc mắc liệu có phải các BV ở Cần Thơ không tuân thủ quy định thông tuyến khám chữa bệnh và phải hiểu sao cho đúng khi có quy định thông tuyến trên cả nước và người đi khám bệnh phải làm sao cho đúng và không bị nhiêu khê phiền hà?

Với những thắc mắc của chị Lan, căn cứ trên các quy định liên quan đến BHYT, BV Phụ sản TP Cần Thơ trả lời:

1. Vấn đề thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) trên toàn quốc hiện nay: Theo Thông tư 40/2015/TT - BYT được Bộ Y tế ban hành hướng dẫn việc đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT, từ 1-1-2016 thực hiện thông tuyến KCB BHYT đối với các cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện trong phạm vi tỉnh.

Cơ sở KCB ban đầu tuyến xã và tương đương, gồm: Trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm xá, trạm y tế, phòng y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức; phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập; trạm y tế quân - dân y, phòng khám quân - dân y, quân y đơn vị cấp tiểu đoàn và các cơ sở KCB khác (theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng).

Cơ sở KCB ban đầu tuyến huyện và tương đương bao gồm: BV Đa khoa huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh; phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực; trung tâm y tế huyện có chức năng KCB; BV Đa khoa hạng III, hạng IV và chưa xếp hạng thuộc các bộ, ngành hoặc trực thuộc đơn vị trực thuộc bộ, ngành; BV Đa khoa tư nhân và BV y học cổ truyền tư nhân tương đương hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương; phòng y tế, bệnh xá trực thuộc Bộ Công an, bệnh xá công an tỉnh; Trung tâm Y tế quân - dân y, bệnh xá quân y, quân- dân y, BV quân y và BV quân- dân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng, các cơ sở KCB khác.

Hiện nay chưa có Quyết định thông tuyến đối với BV tuyến tỉnh như BV Phụ sản TP Cần Thơ. Tương tự, nhiều trường hợp người bệnh có thẻ BHYT đi khám bệnh ở các BV tuyến tỉnh, không đúng nơi đăng ký KCB ban đầu trên địa bàn thành phố Cần Thơ nên không được các BV này chấp nhận.

BV Phụ sản TP Cần Thơ là BV chuyên khoa nên theo quy định không có đầu thẻ (nơi đăng ký KCB ban đầu), do đó người dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ phải đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB khác. Khi người bệnh đến BV Phụ sản TP Cần Thơ KCB BHYT:

- Nếu người bệnh đến khám BHYT trong tình trạng cấp cứu thì được hưởng BHYT đúng tuyến.

- Nếu người bệnh đến khám BHYT không trong tình trạng cấp cứu:

+ Người bệnh cần có giấy chuyển tuyến của cơ sở KCB nơi đăng ký KCB ban đầu thì người bệnh được hưởng BHYT đúng tuyến.   

+ Người bệnh không có giấy chuyển tuyến của cơ sở KCB nơi đăng ký KCB ban đầu thì người bệnh được hưởng BHYT trái tuyến.

Như vậy, người bệnh đi KCB có BHYT sẽ được BHXH thanh toán (trừ một số trường hợp được quy định tại Điều 23 văn bản Số 01/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 7 năm 2014 về Luật BHYT của Văn phòng Quốc hội về các trường hợp không được hưởng BHYT).

THU SƯƠNG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết