23/02/2016 - 21:24

Trung Quốc xây dựng hệ thống radar trái phép trên Biển Đông

Trang tin trực tuyến của Học viện Hải quân Mỹ (USNI News) hôm 22-2 cho biết Trung Quốc đang xây dựng trái phép hệ thống radar mới trên Đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Công trình này sẽ gia tăng đáng kể khả năng kiểm soát của Bắc Kinh trên Biển Đông và là mối đe dọa đối với máy bay tàng hình của Mỹ cùng những nước đồng minh - USNI News cảnh báo.

Thông tin đó dựa trên hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và hãng DigitalGlobe cung cấp, cho thấy Trung Quốc đang tiến hành lắp đặt hệ thống mà theo giới phân tích là radar tần số cao (HF). Hình ảnh của DigitalGlobe ghi nhận có 2 tòa tháp, hầm trú kiên cố, công trình hải đăng, bãi đáp trực thăng, phương tiện liên lạc và bến cảng tại khu vực phía Bắc của thực thể nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Đá Châu Viên. Riêng phía Nam, các chuyên gia phân tích xác nhận sự xuất hiện của một số cột trụ cao khoảng 20m.

Các công trình phi pháp của Trung Quốc trên Đá Châu Viên được vệ tinh chụp lại hôm 24-1. Ảnh: CSIS

Theo người đứng đầu Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc CSIS, Trung Quốc xây dựng những cột trụ này không nằm ngoài mục đích phục vụ như hệ thống radar hàng hải tần số cao. Chuyên gia phân tích của Trung tâm Đánh giá chiến lược và Ngân sách (CSBA) Bryan Clark cho biết, một số quốc gia xây dựng radar HF nhằm thực thi pháp luật, chẳng hạn như radar được Mỹ sử dụng để phát hiện hoạt động mua bán ma túy ở Vịnh Mexico và vùng Caribe. Nhưng hệ thống radar HF lắp đặt trái phép trên Đá Châu Viên nhiều khả năng được quân đội Trung Quốc sử dụng để phát hiện máy bay tàng hình.

Trước đó, Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống radar trên đất liền và trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Báo cáo của CSIS cảnh báo Bắc Kinh có thể xây dựng radar trên Đá Gaven, Đá Tư Nghĩa và Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc trước đây cũng khởi động hệ thống radar trên Đá Chữ Thập, nhưng với hệ thống mới trên Đá Châu Viên, các chuyên gia quân sự cho biết khả năng giám sát của Bắc Kinh đối với giao thông hàng hải, hàng không sẽ mở rộng trên khắp Biển Đông; thậm chí dựa vào hệ thống này, Trung Quốc có thể giám sát từ phía Bắc Eo biển Malacca và những tuyến hàng hải quan trọng khác. Đặc biệt, do vị trí Đá Châu Viên gần Philippines, nên việc cài đặt radar HF còn giúp Trung Quốc giám sát hoạt động của máy bay Mỹ. Theo ông Clark, Bắc Kinh có thể viện dẫn việc thực thi luật ngư nghiệp và hàng hải làm cái cớ cho các hành động sau này.

Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng của Trung Quốc vẫn chưa có bình luận về báo cáo của CSIS. Tuy nhiên, cơ quan ngoại giao Trung Quốc trước đó đã lớn tiếng tuyên bố Bắc Kinh triển khai quân sự ở Biển Đông "không có gì khác" so với hoạt động của Mỹ ở Hawaii. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh còn tố ngược Mỹ kích động căng thẳng khu vực bằng cách thổi phồng cái gọi là "quân sự hóa" Biển Đông.

Luận điệu trên được Bắc Kinh đưa ra trước thềm chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị diễn ra từ ngày 23 đến 25-2. Tuyên bố hiếu chiến của Bắc Kinh cũng nhằm đáp trả cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc gia tăng căng thẳng ở Biển Đông sau khi Washington lên án Bắc Kinh cho triển khai tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc chỉ làm leo thang căng thẳng ở khu vực. Đại diện Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Washington sẽ "tiếp tục gây áp lực để buộc Trung Quốc ngừng các hoạt động khiêu khích và chấm dứt quân sự hóa Biển Đông".

MAI QUYÊN (Theo USNI News, Reuters)

Chia sẻ bài viết