21/08/2024 - 09:11

Trung Quốc vẫn khó nâng tỷ lệ sinh 

Chính sách một con từng là “chất xúc tác” giúp nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ. Nhưng hiện tại, hệ quả của nó khiến Bắc Kinh đau đầu khi một thế hệ phụ nữ dễ bị tổn thương khá miễn cưỡng để chấp nhận “văn hóa ủng hộ sinh nở”.

Áp phích cổ động người dân sinh con thứ 3 ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Cách đây hơn 40 năm, Trung Quốc áp dụng chính sách một con để tăng tốc chuyển đổi sang gia đình quy mô nhỏ. Điều đó đã thúc đẩy lực lượng lao động của đất nước khi người trẻ chăm sóc ít con hơn có thể làm việc hiệu quả và tiết kiệm được nhiều tiền. Trong vài thập kỷ sau khi mở cửa kinh tế, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc tăng nhanh hơn nhóm khác. Các chuyên gia gọi đó là “lợi tức dân số”, cũng là yếu tố lớn tạo ra “phép màu kinh tế” của Trung Quốc.

Nhưng từ năm 2013, giới chuyên môn cảnh báo phần lớn “lợi tức dân số” của Trung Quốc đã kết thúc khi xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh hơn. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh năm 2015 dỡ bỏ chính sách một con và kể từ năm 2021, chính phủ khuyến khích các gia đình sinh con thứ 3 nhằm ngăn cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập. Bất chấp các chiến dịch hỗ trợ trên toàn quốc, nỗ lực này gặp phải nhiều trở ngại, đặc biệt từ thế hệ ra đời trong những năm 1990 khi chế độ một con ở mức nghiêm ngặt nhất.

Đơn cử như trường hợp của cô Fang, 30 tuổi, đã kết hôn nhưng không muốn có con. Chia sẻ với hãng tin CNN, người phụ nữ này cho biết từ lúc học mẫu giáo, bản thân đã bị gửi đến làm con gái của bác ruột do cha mẹ cô sinh con thứ 2 “trái phép”. Việc giữ bí mật giúp cha mẹ Fang tránh khoản phạt rất lớn và nguy cơ mất việc, thậm chí phải phá thai và triệt sản bắt buộc. Năm lên 9 tuổi, Fang khi đó học lớp 3 đã rơi vào tình thế khó xử khi không biết trả lời sao trước câu hỏi đơn giản “Cha mẹ em tên gì”. Một năm sau, Fang được phép trở về nhà nhưng vẫn trên danh nghĩa con gái người bác. Sau khi chính sách một con bị bãi bỏ, mẹ Fang cố gắng mang thai và lần nữa sinh một bé gái.

Là chị cả trong gia đình có 3 anh chị em, Yao hiện 25 tuổi cũng có tuổi thơ tương tự. Trước đây, nơi cô ở áp dụng “chính sách một con rưỡi”, tức các cặp vợ chồng ở nông thôn được phép sinh con thứ 2 nếu con đầu lòng là bé gái. Mẹ Yao đã sinh thêm đứa nữa nhưng vẫn là con gái nên bà bí mật mang thai đứa thứ 3. Do vi phạm quy định, cha mẹ đã mang em gái trốn đến làng khác và để lại Yao cho ông bà nội chăm sóc. Sau khi có con trai, cha mẹ Yao chấp nhận khoản tiền phạt lên tới 7.000 USD chỉ để đứa nhỏ được đăng ký chính thức.

Quá khứ ám ảnh tương lai

Bị ám ảnh bởi thời kỳ đấu tranh để có con trai của cha mẹ và những tổn thương lúc nhỏ của chính bản thân dưới chính sách một con, một thế hệ phụ nữ như Fang hay Yao giờ đây không mặn mà với “văn hóa ủng hộ sinh đẻ”. Không chỉ về tâm lý, chính sách một con còn để lại dấu ấn không thể phai mờ trên hàng trăm triệu phụ nữ Trung Quốc cả về thể chất. Theo tờ The Paper, có 324 triệu phụ nữ nước này phải đặt vòng tránh thai từ năm 1980 đến năm 2014 và 107 triệu người đã thắt ống dẫn trứng để tránh thai theo chính sách một con. “Điều đó để lại vết sẹo sâu sắc cho phụ nữ và mọi người vẫn chưa vượt qua được” - nhà hoạt động Lu Pin cho biết.

Ngoài việc người dân không muốn có con, chuyên gia về nhân khẩu học Trung Quốc Yi Fuxian cho rằng Bắc Kinh còn đối mặt 2 trở ngại khác để đảo ngược tình trạng dân số giảm sút là phí nuôi con cao và tỷ lệ vô sinh tăng. Theo Viện nghiên cứu YuWa, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến năm 18 tuổi ở Trung Quốc khoảng 94.500 USD. Do phí quá cao, nhiều người đã trì hoãn có  con đến khi về già, dẫn tới khả năng sinh sản giảm sút. Năm ngoái, tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc ở khoảng 1,0 - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Tình trạng đặc biệt nghiêm trọng ở Thượng Hải khi gần một nửa số phụ nữ ở thành phố giàu nhất Trung Quốc không có con trong suốt thời kỳ sinh sản. Dựa vào các chỉ số trên, giới quan sát cho biết Trung Quốc đã rơi vào “bẫy sinh thấp” với nhiều hệ lụy được dự đoán gồm già hóa dân số nhanh và trì trệ kinh tế. Thực tế này sẽ càng cản trở việc người dân sinh con và kéo tổng tỷ suất sinh xuống mức thấp hơn nữa.

MAI QUYÊN

 

Chia sẻ bài viết