15/07/2021 - 07:56

Trung Quốc thúc đẩy kế hoạch an ninh mạng mới 

Trong nỗ lực tăng cường quản lý tốt hơn lĩnh vực lưu trữ, chuyển giao và bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc vừa ban hành dự thảo kế hoạch hành động 3 năm để phát triển ngành công nghiệp an ninh mạng - lĩnh vực được đánh giá có thể trị giá hơn 250 tỉ nhân dân tệ (khoảng 38,6 tỉ USD) vào năm 2023.

Ứng dụng gọi xe Didi bị Trung Quốc điều tra hành vi thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu người dùng. Ảnh: Guardian

Động thái trên được Bắc Kinh đưa ra trong bối cảnh bảo mật dữ liệu trở thành điều kiện tiên quyết cho sức mạnh kinh tế kỹ thuật số, giữa lúc các quốc gia trên toàn thế giới tăng cường các biện pháp quản lý và bảo vệ tài sản dữ liệu.

Siết các “ông lớn” công nghệ

Với kế hoạch trên, Trung Quốc kêu gọi thúc đẩy hơn nữa nỗ lực xây dựng khả năng quản lý, tối ưu hóa việc phân loại và tăng cường bảo vệ dữ liệu, bên cạnh ngăn chặn tình trạng đánh cắp, giả mạo và rò rỉ dữ liệu. Dự thảo kế hoạch cho biết, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được những bước đột phá trong một số công nghệ an ninh mạng quan trọng vào năm 2023, nhanh chóng tiếp cận các công nghệ và dịch vụ an ninh mạng mới nổi. “Dữ liệu đã trở thành một loại yếu tố sản xuất mới, có tác động quan trọng đến phát triển kinh kế, quản lý xã hội, cuộc sống và công việc hằng ngày của con người” - Du Guangda, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), nhấn mạnh.

Ngoài mục đích trên, Trung Quốc được cho muốn kiểm soát chặt hơn những công ty lớn và lãnh đạo của chúng. CAC mới đây yêu cầu mọi công ty công nghệ có hơn 1 triệu người dùng phải xin phép và thông qua “phê duyệt an ninh” thì mới được niêm yết trên các thị trường nước ngoài.

Trên thực tế, tạp chí Forbes cho biết CAC đã điều tra công ty Boss Zhipin thuộc Tập đoàn tuyển dụng trực tuyến Kanzhun do công ty này hồi tháng 6 đã gọi vốn thành công 912 triệu USD trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq của Mỹ, biến Giám đốc điều hành (CEO) Kanzhun Triệu Bằng thành “tỉ phú đô la” với giá trị tài sản lên tới 2,8 tỉ USD.

Trương Huy, cựu nhân viên Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, hiện là CEO của Full Truck Alliance, công ty khởi nghiệp kết nối tài xế xe tải với chủ hàng, cũng được CAC “đưa vào tầm ngắm” sau khi huy động được 1,6 tỉ USD từ một nhóm các nhà đầu tư nổi tiếng. Mới nhất, Didi Chuxing - hãng gọi xe số một Trung Quốc bị điều tra hành vi thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu người dùng. Sự kiện này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Didi Chuxing có đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trị giá 4,4 tỉ USD trên sàn New York.

Ngoài việc bị điều tra, CAC còn ra lệnh cho các cửa hàng ứng dụng ngừng cung cấp ứng dụng dịch vụ gọi xe Didi Chuxing vô thời hạn cho đến khi được phê duyệt lại trong tương lai, đồng thời yêu cầu công ty này ngừng nhận đăng ký người sử dụng mới nhằm ngăn chặn rủi ro an ninh và bảo vệ lợi ích công chúng.

Khơi mào trận địa mới

Trung Quốc mạnh tay đối với Didi Chuxing trong bối cảnh Bắc Kinh tuyên bố tăng cường quy định đối với các công ty công nghệ trong nước niêm yết ở nước ngoài để quản lý loại thông tin những doanh nghiệp này nhận và gửi qua biên giới quốc gia. Theo tờ Guardian, Bắc Kinh lo ngại rằng Washington có thể tiếp cận lượng thông tin khổng lồ về người dùng của Didi Chuxing, gồm nơi người dân Trung Quốc sống, làm việc và du lịch… Kênh CNBC hôm 5-7 cho rằng việc Trung Quốc siết chặt các công ty công nghệ đã khơi mào “trận địa” mới có tên gọi “dữ liệu”.

Kể từ khi Luật An ninh mạng ra đời năm 2017, Trung Quốc đã ban hành một số quy định xung quanh dữ liệu. Tháng 6-2021, Bắc Kinh đã thông qua Luật An ninh dữ liệu, quy định cách thức các công ty thu thập, lưu trữ, xử lý và chuyển giao dữ liệu. Trung Quốc cũng đang xem xét Luật Bảo vệ thông tin cá nhân và nếu được thông qua sẽ cho phép chính quyền tăng cường kiểm soát
dữ liệu.

Guardian nhận định, động thái trên của Trung Quốc có thể dẫn đến cuộc Chiến tranh lạnh về dữ liệu giữa Bắc Kinh và Washington để thu thập, tập hợp, phân tích và sử dụng tối đa dữ liệu của đối phương. Không chỉ Trung Quốc, Mỹ cũng quan ngại về luồng thông tin phía bên kia thu thập được. Giới chức xứ cờ hoa thực sự lo ngại về việc Didi Chuxing và nhiều công ty công nghệ cao Trung Quốc khác đặt chân vào lĩnh vực tài chính Mỹ và thu thập dữ liệu tại nước này.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết