05/06/2018 - 07:06

Trung Quốc thách thức thế thống trị về khoa học của Mỹ 

Giống như nhiều nhà khoa học trẻ đầy tham vọng khác, José Pastor-Pareja đến Mỹ với hy vọng được thăng tiến hơn trong sự nghiệp. Tại Đại học Yale, ông làm việc tại các phòng thí nghiệm tiên tiến, hợp tác với các chuyên gia giỏi và có các bài nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí uy tín.

José Pastor-Pareja tại phòng thí nghiệm của ông ở Bắc Kinh. Ảnh: WP
José Pastor-Pareja tại phòng thí nghiệm của ông ở Bắc Kinh. Ảnh: WP

Tuy nhiên, sự hấp dẫn của nước Mỹ đối với Pastor-Pareja ngày càng giảm dần khi mà chuyên gia nghiên cứu sinh học tế bào bằng ruồi giấm người Tây Ban Nha này gặp khó trong việc gia hạn thị thực, thậm chí bị giam giữ để thẩm vấn trong vòng 2 tiếng tại một sân bay ở New York sau khi ông đi công tác nước ngoài về. Năm 2012, ông đã đưa ra một quyết định đáng ngạc nhiên là rời khỏi vị trí nghiên cứu ở Ivy League - nhóm 8 trường đại học hàng đầu nước Mỹ - và chuyển sang Trung Quốc. Pastor-Pareja cho biết, lĩnh vực mà ông nghiên cứu đang gặp khó tại Mỹ khi mà kinh phí dành cho ngành này giảm. Trong khi đó, hiện có tới 30 phòng nghiên cứu ruồi giấm ở Bắc Kinh, nhiều hơn cả ở Boston hoặc San Francisco. Theo Pastor-Pareja, cơ hội thăng tiến tại Trung Quốc là không nhiều nhưng đặc quyền dành cho các chuyên gia là khó cưỡng lại. Theo đó, họ sẽ nhận được một khoản tiền thưởng trị giá 160.000 USD, được tài trợ cho các nghiên cứu, được trợ cấp nhà ở, vợ/chồng được giới thiệu việc làm, có cơ hội xây dựng một trung tâm nghiên cứu di truyền và được thường xuyên về thăm nhà.

 

Mỹ lo chính sách công nghiệp của Trung Quốc gây tổn hại

Nhà Trắng mới đây cho biết, các chính sách công nghiệp của Bắc Kinh như kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” sẽ gây tổn hại tới các công ty đang hoạt động tại Mỹ cũng như trên khắp thế giới, đồng thời tố Trung Quốc áp đặt mức thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ cao hơn nhiều so với mức thuế Mỹ áp đặt lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Sau nhiều thập kỷ đứng sau Mỹ, nền khoa học của Trung Quốc đang phát triển mạnh, khiến nhiều nhà khoa học như Pastor-Pareja rời khỏi Mỹ để đến với nước này. Nhiều nhà khoa học Trung Quốc đang làm việc ở nước ngoài cũng đang có kế hoạch trở về nước. Theo tờ Bưu điện Washington, Mỹ mỗi năm chi 500 tỉ USD cho nghiên cứu khoa học, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên Trái đất, nhưng Trung Quốc đang gần đuổi kịp khi giữ vị trí thứ 2 trong khi Liên minh châu Âu và Nhật Bản lần lượt giữ vị trí thứ 3 và 4. Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ nhận định, Trung Quốc đang trên đà vượt qua Mỹ vào cuối năm nay. Trong năm 2016, số lượng ấn phẩm khoa học thường niên từ Trung Quốc lần đầu vượt qua Mỹ. “Với tốc độ này, Trung Quốc có thể sẽ sớm lấn át Mỹ. Chúng ta có thể sẽ mất lợi thế cạnh tranh vốn giúp chúng ta trở thành nền kinh tế mạnh trên thế giới” – Thượng nghị sĩ Bill Nelson cảnh báo tại một phiên điều trần mới đây.

Những tiến bộ về khoa học chỉ là một phần nhỏ trong tham vọng lớn hơn của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đặt mục tiêu Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành siêu cường kinh tế của thế giới trong vòng 3 thập kỷ tới. Do đó, Bắc Kinh đã mạnh tay chi vào cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học. Hiện Trung Quốc sở hữu 202 trong số 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới, nhiều hơn Mỹ tới 60 máy. Mới đây, Trung Quốc cũng đã đưa vào hoạt động kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500m (FAST) với kinh phí xây dựng lên tới 180 triệu USD để tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.

Nhằm thu hút nhân tài cho ngành khoa học, Chính phủ Trung Quốc năm 2008 đã đề xuất đề án “Thousand Talents”. Trong thập kỷ qua, đề án này nhắm mục tiêu các công dân Trung Quốc theo học tại các trường đại học ưu tú ở Mỹ cũng như ở những nước khác. Đến nay, “Thousand Talents” đã thu hút hơn 7.000 nhà khoa học tới làm việc tại Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh số lượng và chất lượng tài năng trong nước. Theo số liệu thống kê của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, Trung Quốc hằng năm cho “ra lò” 34.000 tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật, ít hơn không nhiều so với con số 40.000 của Mỹ. Và trong giai đoạn 2000-2015, mức chi dành cho nghiên cứu khoa học tại Mỹ tăng trung bình 4%/năm, thì tỷ lệ này tại Trung Quốc là 18%/năm.

TRÍ VĂN (Theo Washington Post, Financial Express)

Chia sẻ bài viết