26/04/2016 - 10:40

Trung Quốc gia tăng động thái gây căng thẳng trên Biển Đông

Trích lời các chuyên gia hàng hải và nguồn tin thân cận lực lượng Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN), tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hồng Công cho biết Bắc Kinh sẽ tiến hành cải tạo bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines ở Biển Đông trong năm nay.

Tăng cường phạm vi hoạt động trên Biển Đông

Phát biểu trong điều kiện giấu tên, nguồn tin quân sự cho biết Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động bồi đắp, cải tạo nhằm thiết lập tiền đồn mới trên bãi cạn Scarborough trong năm 2016. Khu vực này cách bờ biển Philippines 230 km và là thực thể tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh sau khi bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ xây thêm đường băng để nâng tầm hoạt động của lực lượng Không quân Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc tiếp cận tàu đánh cá của ngư dân Philippines gần khu vực bãi cạn Scarborough. Ảnh: AP

Hiện tại ngoài 2 đường băng xây dựng trái phép ở Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, quân đội Trung Quốc cũng đã hạ cánh phi pháp các máy bay xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nếu tiền đồn mới trên bãi cạn Scarborough hoàn thành, các chuyên gia quân sự cho biết nó sẽ hỗ trợ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc khi tầm hoạt động của Không quân Trung Quốc bao trùm khắp vùng biển này.

Theo Giáo sư Jin Yongmin – chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Biển tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, đường băng mới trên bãi cạn Scarborough cho phép Không quân Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động ít nhất 1.000 km trên Biển Đông, đồng thời thu hẹp khoảng cách với đảo Luzon của Philippines - cửa ngõ vào Thái Bình Dương. Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong tại Macau nói thêm, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bố trí radar và các thiết bị khác để giám sát 24/24 căn cứ không quân Basa tại Pampanga, cách bãi cạn Scarborough 330 km.

Theo SCMP, việc Trung Quốc gấp rút cải tạo Scarborough là nhằm lấy lại thế chủ động khi Mỹ đang tăng cường sự hiện diện lâu dài trong khu vực, đặc biệt là khi Philippines tiếp tục thắt chặt liên minh quân sự với Mỹ và Nhật Bản. Trong chuyến công du vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tiết lộ Washington và Manila đã bắt đầu tuần tra chung ở Biển Đông từ tháng 3. Lực lượng Mỹ cũng có quyền tiếp cận ít nhất 8 căn cứ quân sự của Philippines, bao gồm 2 căn cứ ở Pampanga. Về phần Manila, Tổng thống Philippines từng cho biết nước này sẽ thuê 5 máy bay TC-90 của Nhật Bản hỗ trợ tuần tra vùng tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, Philippines sẽ mua thêm hàng chục máy bay quân sự trong năm 2016 và 2017 từ các nước khác, bao gồm 12 chiến đấu cơ FA-50 từ Hàn Quốc.

Chống lại phán quyết của tòa

Kế hoạch cải tạo của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) sắp có phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Theo các chuyên gia phân tích, Trung Quốc cho dù tiếp tục bác bỏ thẩm quyền của PCA, nhưng quyết định có lợi cho Philippines sẽ ràng buộc Bắc Kinh và có thể thực thi dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế và nghĩa vụ mà tất cả các nước phải tuân thủ. Do đó, nguồn tin từ Hải quân Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh kế hoạch cải tạo Scarborough một khi phán quyết của PCA chống lại yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh, Thư ký Văn phòng truyền thông của Tổng thống Philippines Herminio Coloma cho rằng việc sử dụng chiến thuật "đe dọa, tăng cường các hoạt động quân sự và dân sự đơn phương tại các vùng lãnh thổ tranh chấp chứng tỏ sự khiêu khích của Trung Quốc". Tuyên bố này nhằm đáp trả phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong đó đại diện ngoại giao Trung Quốc cáo buộc "Philippines đưa tình hình Biển Đông ra tòa án quốc tế là một hình thức khiêu khích chính trị".

Tuy nhiên, ông Coloma nhấn mạnh không chỉ Philippines mà cộng đồng quốc tế cũng tin tưởng trường hợp Manila nộp hồ sơ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là hành động hợp lý. Ông Coloma dẫn lại tuyên bố chung sau cuộc họp Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Hiroshima (Nhật Bản), trong đó phản đối các hành động cưỡng chế, đơn phương khiêu khích có thể làm thay đổi hiện trạng và leo thang căng thẳng trên Biển Đông và Hoa Đông.

MAI QUYÊN (Theo SCMP, Straits Times, IBT)

Chia sẻ bài viết