03/06/2018 - 11:25

Trung Quốc đánh giá bài luận của học sinh bằng AI 

Khoảng 25% trường học tại Trung Quốc đang thử nghiệm một cỗ máy sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đánh giá mọi thứ, từ phong cách, cấu trúc đến tính logic của bài luận và tự động loại bỏ lỗi của bài viết.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công, cỗ máy trên được thiết kế để hiểu được tính logic và ý nghĩa chung của bài luận rồi đưa ra một đánh giá hợp lý, tương tự như cách đánh giá của giáo viên về chất lượng tổng thể của bài viết. Nó sau đó chấm điểm bài viết, cuối cùng là đưa ra nhận xét về cách viết, cấu trúc của bài viết. Cỗ máy đang được sử dụng tại khoảng 60.000 trường học này được cho là “suy nghĩ” sâu hơn và có tác dụng nhiều hơn một bộ máy kiểm tra chính tả tiêu chuẩn. Giới chuyên gia nhận định nó sẽ trở thành “cánh tay đắc lực” của giáo viên khi mà có thể giúp giáo viên giảm lượng thời gian dành cho việc đánh giá các bài luận. Ngoài ra, nó cũng có thể giúp học sinh, đặc biệt là những học sinh ở vùng sâu, vùng xa vốn hạn chế trong việc tiếp cận các tài liệu học tập, cải thiện kỹ năng viết của họ một cách nhanh chóng. Theo SCMP, cỗ máy này tương tự như e-rater, một hệ thống tự động được Viện Khảo thí giáo dục Mỹ dùng để đánh giá bài luận của các nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, không giống như e-rater, nó có thể đọc cả tiếng Hoa lẫn tiếng Anh.

Học sinh Trung Quốc trong một giờ kiểm tra. Ảnh: SCMP

Với sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc, AI đang phát triển một cách nhanh chóng tại nước này. Công nghệ AI được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày. Song, việc thử nghiệm AI để đánh giá bài luận của học sinh đang gây ra nhiều tranh cãi. Theo đó, tại hầu hết các trường thử nghiệm cỗ máy trên, phụ huynh đều không được thông báo, chỉ các nhân viên được ủy quyền mới tiếp cận được hệ thống, trong khi kết quả đánh giá được phân loại một cách nghiêm ngặt. Thậm chí tại một số lớp học, học sinh không biết bài viết của họ đã được đánh giá bằng một cỗ máy.

Trả lời báo giới xung quanh vấn đề trên, Wang Jing, trưởng phòng học vụ ở trường trung học thuộc Đại học Nhân dân, cho biết: “Chúng tôi đang thử nghiệm cỗ máy đánh giá bài luận của học sinh một cách thận trọng. Kết quả kiểm tra sẽ không được tiết lộ nhằm tuân theo thỏa thuận của nhà trường với các nhà phát triển cỗ máy”. Hầu hết các trường khác được SCMP phỏng vấn cũng đưa ra câu trả lời tương tự. Song, họ đều cho rằng cỗ máy này là chưa hoàn hảo khi mà nhiều bài viết được giáo viên đánh giá cao lại bị nó cho điểm thấp. Do đó, cỗ máy này hiện chỉ được sử dụng để cho điểm các bài kiểm tra thông thường, không một trường nào có kế hoạch dùng nó để đánh giá các bài luận trong các kỳ thi vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập chính thức của học sinh. Yu Yafeng, chuyên gia tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho rằng cỗ máy chỉ có thể giúp cho điểm các môn như toán học hay vật lý vì câu trả lời là khách quan nhưng nó sẽ không thể đánh giá được bài luận do đa phần đều có thể chứa các yếu tố văn hóa, cảm xúc và cá nhân.

    Tuy nhiên, các nhà phát triển cỗ máy ngày càng tỏ ra tự tin về tiềm năng của nó. Một chuyên gia thuộc Khoa khoa học máy tính và kỹ thuật tại Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh thậm chí còn so sánh nó với AlphaGo - phần mềm sử dụng công nghệ DeepMind của Google đã chiến thắng huyền thoại cờ vây thế giới Lee Se-dol. Hiện cỗ máy này được cho đang cải thiện khả năng hiểu ngôn ngữ con người bằng cách sử dụng các thuật toán học để đánh giá các bài viết của học sinh Trung Quốc và so sánh kết quả với kết quả đánh giá của giáo viên. Nó cũng được cho có thể thu thập và xây dựng “cơ sở tri thức riêng” mà ít hoặc không có sự can thiệp của con người. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết