08/07/2017 - 13:52

Trung Quốc bắt tay Nga xây dựng “Con đường tơ lụa trên băng”

Trung Quốc và Nga vừa đồng ý hợp tác xây dựng "Con đường tơ lụa trên băng" dọc theo tuyến Biển Bắc ở Bắc Cực - một tuyến vận tải giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã gặp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tại Thủ đô Mát-xcơ-va để thảo luận về hợp tác song phương trong kế hoạch đầy tham vọng nói trên. Trong cuộc gặp, ông Tập cho biết Nga là một đối tác quan trọng trong việc thực thi sáng kiến "Một vành đai, Một con đường - (OBOR)" của Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi 2 nước "hợp tác xây dựng Con đường tơ lụa trên băng dọc theo tuyến Biển Bắc", cũng như triển khai thực hiện nhiều dự án kết nối khác. Bản thân Nga cũng đang thúc đẩy mở con đường Biển Bắc như là một tuyến hàng hải thay thế giúp cắt giảm thời gian vận chuyển từ thành phố Thượng Hải đến thành phố cảng Rotterdam (Hà Lan) khoảng một tuần so với việc đi qua eo biển Malacca và kênh đào Suez.

Tàu phá băng Nga trên tuyến Biển Bắc. Ảnh: ADN

Chuyến thăm của ông Tập tới Nga diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh trong những tháng gần đây không ngừng tăng cường mối quan hệ ngoại giao với các nước ở Bắc Cực gồm Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch và Iceland. Tuy Tân Hoa Xã không tiết lộ thêm chi tiết về sự hợp tác này nhưng thông tin trên được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc chính thức đưa tuyến Biển Bắc vào OBOR, vốn được Bắc Kinh khởi xướng nhằm thúc đẩy thương mại thông qua các khoản đầu tư lớn vào đường sắt, cảng, hệ thống cơ sở hạ tầng, kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi. Thông tin này là nhằm củng cố thông tin mà Ủy ban Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia Trung Quốc và Cơ quan Quản lý Đại dương Trung Quốc đưa ra trong một tài liệu phát hành hôm 20-6 rằng một "lối đi kinh tế xanh" sẽ được triển khai, kết nối châu Âu thông qua Bắc Băng Dương. Tài liệu cho biết, Trung Quốc hy vọng sẽ hợp tác với tất cả các bên để đưa ra nghiên cứu về các tuyến đường thủy, về những thay đổi về môi trường và khí hậu ở Bắc Cực cũng như khám phá các nguồn lực tiềm năng của khu vực. Tài liệu khuyến khích các công ty Trung Quốc tham gia khai thác tiềm lực thương mại của tuyến đường Bắc Cực này, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ tích cực tham gia vào các sự kiện được các cơ quan quốc tế liên quan đến Bắc Cực tổ chức.

Hiện Trung Quốc cũng đang tìm cách phát triển hợp tác khoa học với các quốc gia Bắc Cực nhằm nâng cao kiến thức xung quanh những thay đổi về khí hậu và địa lý ở vùng Viễn Bắc, cũng như bày tỏ mong muốn hợp tác với các quốc gia láng giềng gồm Nhật Bản và Hàn Quốc trong công tác nghiên cứu Bắc Cực. Bắc Kinh trong một tuyên bố mới đây cho biết, 3 nước này sẽ tổ chức một cuộc đối thoại hợp tác chính thức về nghiên cứu Bắc Cực.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng bày tỏ quan tâm đến sự phát triển kinh tế chung ở Bắc Cực. Nước này đã tham gia vào nhiều dự án tại đây, như dự án thăm dò dầu khí ở Bắc Đại Tây Dương với Iceland và Na Uy, dự án hợp tác với Nga trong mỏ khí tự nhiên hóa lỏng Yamal trị giá 27 tỉ USD ở Siberia, dự án phát triển hệ thống đường sắt và cảng tại thành phố Arkhangelsk (Nga), dự án đầu tư khai thác các nguyên tố đất hiếm ở thành phố Kvanefjeld (Greenland - hòn đảo thuộc Vương quốc Đan Mạch).

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết