Cuộc đua thống trị Internet vệ tinh toàn cầu đang nóng trở lại với những phát triển gần đây của 2 quốc gia tỉ dân Trung Quốc cùng Ấn Ðộ. Một phần lợi ích của xu hướng cạnh tranh này chính là mang lại cho người dùng trên toàn cầu cơ hội tận hưởng trải nghiệm "lướt web" tốc độ với giá rẻ hơn, thậm chí mở ra kỷ nguyên mới với nhiều sự lựa chọn về dịch vụ vệ tinh Internet băng thông rộng.

Một vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO). Ảnh: Getty Images
Sự thống trị của Mỹ
Con người đang sống trong thời đại số, nhưng thực tế chỉ 65% dân số toàn cầu có thể truy cập Internet nhờ vào mạng cáp quang trên đất liền, cáp ngầm dưới biển hoặc kết nối băng rộng di động. Trong nỗ lực tiếp cận những vùng xa xôi hẻo lánh, Internet vệ tinh nổi lên như giải pháp quan trọng, đặc biệt kết nối những nơi thiếu nguồn lực hay bị thiên tai.
Ở lĩnh vực này, Starlink của tập đoàn SpaceX (Mỹ) là mạng lưới Internet vệ tinh băng thông rộng giá trị và lớn nhất thế giới hiện nay, có vùng phủ sóng mạnh nhờ vào 5.200 vệ tinh đang hoạt động trong số hơn 6.000 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO). Năm 2023, Starlink có hơn 2 triệu người sử dụng và hiện diện ở hơn 60 quốc gia khắp các châu lục. Công ty sản xuất tên lửa và vệ tinh Internet do tỉ phú Elon Musk sáng lập có tham vọng mở rộng "chòm sao vệ tinh" lên con số 42.000, tiếp tục thống trị thị trường những năm tới.
Khi Starlink bắt đầu cho bay thử nghiệm 2 vệ tinh năm 2018, tập đoàn Facebook (nay đổi tên thành Meta) của tỉ phú Mark Zuckerberg thời điểm đó cũng xác nhận phát triển vệ tinh Athena để cung cấp dịch vụ Internet cho các khu vực kém phát triển. Ðối thủ khác là dự án chùm vệ tinh quỹ đạo LEO Kuiper do công ty con của Amazon vận hành, dù mới bước vào giai đoạn thử nghiệm nhưng được dự báo có tiềm lực cạnh tranh với Starlink bằng kế hoạch phóng hơn 3.000 vệ tinh lên quỹ đạo LEO, cung cấp khả năng truy cập Internet tốc độ cao ở mọi nơi trên thế giới.
Tham vọng của Trung Quốc
Nếu Starlink của tỉ phú Musk thống lĩnh thị trường Internet vệ tinh toàn cầu, Trung Quốc đương nhiên không muốn đứng thứ 2. Tham vọng trở thành cường quốc về vệ tinh LEO và củng cố vị thế thống trị không gian vũ trụ đã thúc đẩy Bắc Kinh đưa việc xây dựng chòm sao vệ tinh lên thành dự án chiến lược quốc gia từ năm 2020.
Trong hành động mới nhất, công ty Trung Quốc Shanghai Spacecom Satellite Technology (SSST) đã phóng 18 vệ tinh thuộc nhóm Quỹ đạo 01 của dự án "Chòm sao Thiên Phàm" hay còn được gọi là G60 Starlink lên quỹ đạo LEO. Công bố từ năm 2021, kế hoạch G60 là một phần của chương trình đổi mới công nghệ do Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn trên khắp đồng bằng sông Dương Tử thịnh vượng với ưu điểm gần mặt đất, chi phí rẻ, tiêu thụ điện năng ít, độ trễ thấp và vùng phủ sóng rộng. Tính đến đầu năm 2024, SSST huy động được 933 triệu USD cho dự án. Trong giai đoạn đầu, chòm sao Thiên Phàm sẽ có 648 vệ tinh vào năm 2025 và hơn 14.000 vệ tinh vào năm 2030, tạo ra mạng lưới đa phương tiện vệ tinh băng thông rộng (BSM) để mang đến cho người dùng toàn cầu các dịch vụ Internet đáng tin cậy, tốc độ cao và độ trễ thấp.
Dự án của SSST là một trong 3 "siêu mạng lưới" vệ tinh Trung Quốc đang xây dựng trên quỹ đạo LEO, bao gồm chùm 12.992 vệ tinh của mạng lưới Guowang do China Satellite Network phát triển và chùm 10.000 vệ tinh của Lanjian Aerospace. Nếu hoàn tất, Trung Quốc sẽ có tổng cộng 40.000 vệ tinh trên quỹ đạo LEO. Có thể nói, với các dự án này thì quy mô chuỗi ngành công nghiệp hàng không vũ trụ thương mại của Trung Quốc sẽ tiếp tục được mở rộng. Theo ước tính của Everbright Securities, thị trường sản xuất và phóng vệ tinh Trung Quốc có thể đạt 115,8 tỉ USD trong khi ngành thiết bị mặt đất đạt hơn 800 tỉ USD, còn dịch vụ vệ tinh thu về khoảng 700 tỉ USD.

Ăng-ten bắt sóng vệ tinh của Starlink. Ảnh: malaysiasun
Không chỉ thương mại, mở rộng các chòm sao vệ tinh còn đem đến lợi thế thông tin liên lạc và củng cố ảnh hưởng ngoại giao của Bắc Kinh, tăng cường khả năng kiểm soát luồng dữ liệu và an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, dự án Chòm sao Thiên Phàm nói riêng và tham vọng dẫn đầu ngành công nghiệp Internet vệ tinh của Trung Quốc nói chung vẫn đối mặt nhiều thách thức kỹ thuật. Ðầu tiên là chi phí, ước tính số tiền phóng vệ tinh hiện tại của Trung Quốc là khoảng 10.000USD cho trọng lượng 1kg, tương đương một lần phóng vệ tinh liên lạc LEO tiêu tốn khoảng 2 triệu USD. Con số này của SpaceX hiện nay rơi vào khoảng 750.000USD. Bên cạnh đó, tên lửa Trường Chinh 6A dùng phóng lô vệ tinh đầu tiên của Chòm sao Thiên Phàm đã phát nổ và tan rã trên quỹ đạo ở độ cao 810km, tạo ra ít nhất 700 mảnh vỡ. Những mảnh vỡ này có thể vẫn trôi dạt trong thời gian dài, gây ra mối đe dọa cho tàu vũ trụ cùng quỹ đạo. Xét tất cả điều này, Trung Quốc vẫn còn chặng đường dài phải đi trước khi có thể vượt qua Starlink, đặc biệt làm cách nào giảm chi phí phóng, thu hồi và ngăn ngừa các vụ nổ tên lửa giai đoạn cuối.
Tiềm lực lớn từ thị trường Ấn Độ
Năm ngoái, Chính phủ Ấn Ðộ phê duyệt Chính sách Vũ trụ sau những bước tiến đạt được trên không gian những năm qua như liên lạc qua vệ tinh, viễn thám, hoạt động không gian, vận tải, dẫn đường. Chính sách này loại bỏ gần như mọi hạn chế với khu vực tư nhân ở những ngành mà trước đây họ gần như không thể tiếp cận, chẳng hạn như chế tạo tên lửa, phóng, sở hữu và vận hành vệ tinh, phát triển dịch vụ cũng như thu thập và phổ biến dữ liệu quan sát Trái đất.
Trong động thái được hoan nghênh, New Delhi hiện cho phép công ty nước ngoài đầu tư trực tiếp 100% vào lĩnh vực sản xuất các bộ phận vệ tinh cũng như hệ thống phụ mà không cần phê duyệt. Sắp tới, Trung tâm Cấp phép Xúc tiến Không gian Quốc gia Ấn Ðộ (IN-SPACe) sẽ sớm cho phép doanh nghiệp tư nhân vận hành các trạm mặt đất, tạo điều kiện cho các nhà khai thác tải xuống dữ liệu khi vệ tinh bay qua Ấn Ðộ.
Sau khi dỡ bỏ nhiều rào cản, Chủ tịch IN-SPACe Pawan Goenka cho biết nguồn đầu tư trong lĩnh vực tư nhân ở nước này đang ở mức 20-30 triệu USD, tăng nhiều lần so với chỉ 2-7 triệu USD hồi năm ngoái. Thời điểm đó, các số liệu ước tính nền "kinh tế vũ trụ" của Ấn Ðộ khoảng 8 tỉ USD, chỉ chiếm 2% nền kinh tế vũ trụ toàn cầu. Tuy nhiên, với những hỗ trợ thể chế mới và chính sách cấp nhà nước, Chủ tịch Goenka tin những lợi thế khác nữa như thị trường nội địa rộng lớn, số lượng sinh viên tốt nghiệp nhóm khoa học kỹ thuật số (STEM) cao bên cạnh chi phí lao động cạnh tranh sẽ sớm giúp Ấn Ðộ tăng thị phần trong nền kinh tế vũ trụ toàn cầu. Trong đó, công ty tư vấn Deloitte dự đoán thị trường dịch vụ băng thông rộng vệ tinh của Ấn Ðộ sẽ tăng trưởng 36% mỗi năm trong 5 năm tới và đạt 1,9 tỉ USD vào năm 2030.
MAI QUYÊN (Tổng hợp)