07/02/2021 - 11:32

Trung Đông trong cuộc chiến quyền lực Mỹ - Trung 

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đánh giá lại chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung và chính sách với Trung Quốc nói riêng, khu vực Trung Đông vốn đang trải qua quá trình chuyển đổi chưa từng có, có thể trở thành mặt trận tiếp theo trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.

Cảng Haifa của Israel, nơi Trung Quốc đổ tiền phát triển. Ảnh: AP

Cảng Haifa của Israel, nơi Trung Quốc đổ tiền phát triển. Ảnh: AP

Nhiều đối tác chiến lược toàn diện

Giữa lúc nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng gia tăng, Trung Quốc nhận thấy cơ hội ở Trung Ðông và tỏ ra “thèm khát” khu vực mà ban đầu Bắc Kinh xem là xa xôi và phức tạp dưới tầm ảnh hưởng của Washington. Sau phong trào “Mùa xuân Arab” cũng như trong bối cảnh sự hiện diện của Mỹ tại khu vực đang dần bị thu hẹp, Trung Quốc nhanh chóng đưa ra chiến lược tiếp cận Trung Ðông. Gần một nửa lượng dầu và khí đốt tự nhiên của Trung Quốc hiện được nhập khẩu từ Trung Ðông, trong khi ngày càng có nhiều hàng hóa, dịch vụ và công nghệ của Trung Quốc được đưa đến khu vực này.

Cơ hội từ đại dịch COVID-19

 Trung Quốc được cho đang dần tiến gần hơn đến vùng Vịnh giàu có và đầy hứa hẹn. Gần đây nhất, Trung Quốc đã lợi dụng đại dịch COVID-19 để củng cố ảnh hưởng về kinh tế và chiến lược trong khu vực khi thúc đẩy “ngoại giao khẩu trang” và “ngoại giao vaccine”. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hồi tháng 9 năm ngoái trở thành nước đầu tiên chấp nhận một loại vaccine của Trung Quốc, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 1 đã bắt đầu sử dụng loại vaccine khác của Trung Quốc. Giới chức Ai Cập và Saudi Arabia đều ca ngợi Trung Quốc là “hình mẫu” mà họ noi theo trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Là nhà đầu tư lớn nhất tại Trung Ðông, Trung Quốc ra mắt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti vào năm 2017, qua đó mở rộng phạm vi hoạt động tới eo biển Hormuz. Bắc Kinh cũng tích cực tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của các đồng minh quan trọng của Mỹ, gồm Israel. Ðầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ và các dự án cơ sở hạ tầng của Israel, gồm dự án phát triển cảng Haifa và Ashdod, khiến Mỹ lo ngại. Trung Quốc còn xác định Israel là đối tác quan trọng giữa lúc cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng leo thang.

Bắc Kinh định hình vị thế của mình trong khu vực bằng sách lược cân bằng và không can thiệp các mối quan hệ xung khắc giữa các nước như Iran, Saudi Arabia, Ai Cập và Israel. Các quốc gia bị cô lập như Iran nhiệt liệt ủng hộ sách lược này của Trung Quốc. Trung Quốc xem Iran là cầu nối hữu ích để hoạt động trên “địa bàn” truyền thống của Mỹ. Sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và Iran đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, giúp Bắc Kinh có được chỗ đứng vững chắc tại khu vực vốn là mối quan tâm chiến lược của Washington trong nhiều thập kỷ. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại, khách hàng nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Tehran đối với các sản phẩm phi dầu mỏ, cũng như là nguồn đầu tư nước ngoài quan trọng. Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương 2 nước đạt hơn 23 tỉ USD, tăng nhanh so với 2,48 tỉ USD năm 2000.

Ngoài ra, Trung Quốc đang đạt được vị thế trên mặt trận công nghệ thông qua các hợp đồng 5G, bán máy bay không người lái và công nghệ giám sát cho các quốc gia Trung Ðông. Ðáng chú ý, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các nước Arab trong nửa đầu năm 2020 khi kim ngạch thương mại song phương đạt 115 tỉ USD. Ðặc biệt, Bắc Kinh đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 12 quốc gia Arab. Thậm chí công dân ở 6 quốc gia Trung Ðông, gồm Algeria, Jordan, Lebanon, Libya, Morocco và Tunisia, đều thích Trung Quốc hơn Mỹ trong một cuộc khảo sát gần đây.

Khó soán ngôi Mỹ ?

Trung Quốc còn biến sáng kiến cơ sở hạ tầng “Vành đai, Con đường (BRI)” trở thành một phần quan trọng trong hoạt động tiếp cận Trung Ðông. Ðến nay, có tới 18 quốc gia trong khu vực tham gia BRI. Thông qua sáng kiến ngàn tỉ USD này, Trung Quốc đã đầu tư khắp châu Á, châu Âu và châu Phi. “Ðể kết nối tất cả những nơi này, Trung Quốc đang rất tích cực trong việc xây dựng hoặc hỗ trợ tài chính xây các cảng và căn cứ quân sự, đồng thời củng cố quan hệ tối tác kinh tế và chiến lược với các quốc gia Trung Ðông” - Robert D. Kaplan, chuyên gia về địa chính trị tại Viện Nghiên cứu Chính sách Ðối ngoại (Mỹ), cho biết.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Trung Quốc khó có thể soán ngôi thống trị của Mỹ tại khu vực, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, bởi sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Ðông mang lại nhiều lợi thế cho xứ cờ hoa. Mặt khác, Trung Quốc tỏ ra còn cảnh giác trước những cạm bẫy và bất ổn tại Trung Quốc. Quan trọng hơn, Trung Quốc không tìm cách đảm nhận vai trò chính trị hàng đầu tại Trung Ðông, bởi nước này vẫn nhạy cảm với sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

TRÍ VĂN (Theo SCMP, VOA)

Chia sẻ bài viết