Với sự trong trẻo, hồn hậu, tập truyện ngắn "Tiếng dương cầm trong mưa" của nữ tác giả Nguyễn Hoài Sâm (NXB Văn học) mang lại cho người đọc cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp.
Đọc tác phẩm của Hoài Sâm, dễ nhận thấy cô không đặt nặng cốt truyện mà thường viết theo cảm xúc, nên những bài viết nhẹ nhàng, tinh khôi, pha lẫn trầm tư. Để rồi những câu chuyện ấy đem lại cảm giác yên an cho người đọc, bởi chính tác giả đã từng thốt lên: "Đôi khi, thèm lắm một khoảng trời riêng êm ả, chỉ một mình ta với những hoài niệm, thèm được bình yên, chia sẻ với một tâm hồn đồng điệu, bình yên ngắm bình minh lên, bình yên nghe buổi sáng chim hót trên cành" (Buổi sáng chim hót- trang 124).
Tác giả có sự quan sát tinh tế, miêu tả tỉ mỉ và ngôn từ đậm chất thơ. Cảnh vật, con người hay những điều bình dị qua lăng kính của Hoài Sâm hiện lên vẻ đẹp dịu êm và tươi sáng. Đó là cuộc sống giản dị và hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ vùng cao (Điều giản dị), sự chia sẻ ấm tình làng nghĩa xóm (Hạnh phúc), những mối tình dang dở đong đầy kỷ niệm đẹp (Bến xưa, Biển mơ) hay khoảnh khắc giật mình nhìn lại bản thân mình (Lăng kính)... Đặc biệt, trong khó khăn, vẫn có niềm tin: "Bến sông mưa trắng xóa, hiu quạnh. Anh dân chài lơ mơ ngủ trong chiếc thuyền gỗ dầm mưa nắng bạc phếch. Mơ màng nghe mưa. Lạnh. Gió xoáy, quăng quật như muốn nhấn chìm chiếc thuyền nhỏ bé xuống dòng nước trong cơn cuồng nộ. Anh chìm vào giấc ngủ chập chờn, mong mưa tan, bể lặng để kéo thuyền ra khơi" (Đoản khúc ngày mưa- trang 39).
Trong bức tranh đầy màu sắc về cuộc sống của Hoài Sâm, vẫn có những gam màu buồn, những khoảng lặng. Có ai hiểu nỗi cô đơn, buồn chán của 3 đứa trẻ trong ngôi nhà xa hoa nhưng thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ, hơi ấm gia đình (Biệt thự hoa hồng); có ai không day dứt, buồn khổ khi chỉ vì một chút chủ quan, lơ đễnh của cha mẹ mà một tổ ấm yêu thương hóa thành lạnh lẽo khi đứa con nhỏ bất ngờ qua đời vì một cơn sốt ác tính (Nhà cho con). Và đâu đó, có những tình cảm yêu thương, cảm hứng nghệ thuật mất đi chỉ vì nỗi lo cơm áo gạo tiền (Sắc màu)...
Sau những phút ưu tư, người đọc lại cảm nhận sức sống, tinh thần lạc quan từ những con người đầy nghị lực, vượt khó vươn lên như Vui (Sống là cố gắng), hay cô gái tật nguyền (Lam) hoặc Nương (Tiếng dương cầm trong mưa)... Bên cạnh đó là những câu chuyện giản dị của những tấm lòng lương thiện, khoan dung.
Cứ vậy, "Tiếng dương cầm trong mưa" rót vào lòng người đọc những thanh âm nhiều cảm xúc của cuộc đời.
Cát Đằng