05/06/2009 - 09:03

Hội viên phụ nữ ấp Nhơn Thuận 1

Trồng sương sáo "xóa đói giảm nghèo"

Sương sáo là một loài cây quen thuộc, thường được bà con nông dân trồng quanh vườn nhà, dùng để chế biến thành thức uống trong những ngày nắng nóng. Thế nhưng, ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, các hội viên phụ nữ ấp đã mạnh dạn xây dựng mô hình “trồng sương sáo” như một mô hình trồng màu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bước đầu đem lại hiệu quả...

Cô Võ Thị Nhiên đang làm cỏ trên ruộng sương sáo. 

Bà Đoàn Thị Mai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Nhơn Thuận 1, cũng là tổ trưởng Tổ “trồng sương sáo”, kể: Trước đây, có vài gia đình trong ấp trồng sương sáo dọc theo bờ mẫu để bán cho những người xung quanh mua về nấu làm thức uống giải khát. Thấy trồng sương sáo nhẹ công chăm sóc, nhưng hiệu quả cao, Chi hội Phụ nữ ấp vận động hội viên trồng sương sáo để cải thiện thu nhập trong lúc nông nhàn. Bà Mai nhớ lại: “Khi mới bắt đầu trồng sương sáo, đa số hội viên còn thiếu kinh nghiệm chăm sóc, nên ruộng sương sáo chưa phát triển tốt, lá sâu nhiều... Dần dần, chị em có thêm kinh nghiệm nên năng suất khi thu hoạch được nâng lên. Đầu năm 2009, chúng tôi đã mạnh dạn mở rộng thành mô hình “trồng sương sáo”, coi như thực hiện thí điểm mô hình trồng “màu” xen giữa 2 vụ lúa. Hiện tại, mô hình trồng sương sáo được các chị em tích cực tham gia, tổng diện tích trồng trên 3,5ha”.

Theo các hội viên Hội Phụ nữ ở ấp Nhơn Thuận 1, sương sáo là loài cây trồng ngắn ngày, từ lúc giâm cành đến khi thu hoạch chỉ khoảng 4 tháng. Các chị trồng sương sáo thay cho lúa vụ 2, sau khi thu hoạch vụ đông xuân. Loại cây này ít bệnh nên chăm sóc cũng không mấy vất vả, chủ yếu là làm cỏ, xịt sâu lá. Chi phí khoảng hơn 2 triệu đồng/ công, chủ yếu là tiền cây giống. Đối với bà con ở đây, yên tâm nhất vẫn là đầu ra ổn định. Đến vụ thu hoạch, thương lái từ Hậu Giang, Vĩnh Long,... đến tận nhà mua sương sáo khô với giá 7.000- 8.000 đồng/kg, mùa nghịch giá bán lên đến 14.000- 15.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi công đất trồng sương sáo, sau khi trừ hết chi phí, chị em còn lãi khoảng 10 - 11 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Thành công bước đầu của mô hình đã giúp nhiều chị em có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Cô Võ Thị Nhiên, một trong những thành viên của Tổ “trồng sương sáo”, kể: Trước đây, gia đình cô chỉ chăn nuôi vịt, làm thuê, làm mướn... thấy các chị phụ nữ trồng sương sáo bán có lời, năm 2008, cô thuê 1,5 công đất để trồng sương sáo, thu nhập ngày một khá lên. Gặp chúng tôi, cô Nhiên không giấu vẻ vui mừng, nói: “Nhờ tiền lãi từ vụ sương sáo vừa rồi mà gia đình tôi đã có ít vốn để làm ăn. Năm nay, tôi sẽ tiếp tục thuê đất trồng sương sáo để cuộc sống gia đình ổn định hơn”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đoàn Thị Mai cho biết: Tham gia mô hình, bên cạnh việc thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc trồng sương sáo, các chị còn vần đổi công cho nhau, vừa đỡ tốn chi phí mướn nhân công vừa tạo được không khí lao động hăng say trong tổ, nhóm. Không những cùng nhau làm việc, đây cũng là cơ hội để các hội viên trong Chi hội chia sẻ cho nhau về chuyện gia đình, chăm sóc và giáo dục con cái, kịp thời hỗ trợ giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn. Những chị có nhu cầu tham gia mô hình nhưng thiếu vốn, các chị em trong Hội sẵn sàng hỗ trợ bằng cách bán cây giống trả chậm, cho vay thông qua các tổ, nhóm tiết kiệm... Mỗi lượt vay từ vài trăm ngàn đến một triệu đồng.

Phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế đang ngày càng phát triển. Mô hình “trồng sương sáo” của chị em phụ nữ ấp Nhơn Thuận 1 tuy khá mới mẻ, nhưng đã giúp nhiều chị em phụ nữ có thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Thiết nghĩ, mô hình này cần được nghiên cứu, nhân rộng để tạo điều kiện giúp chị em vươn lên trong cuộc sống...

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAM

Chia sẻ bài viết