 |
Chị Nguyễn Thị Dớn bên cây mận đang cho trái. |
Theo hướng dẫn của anh Phạm Văn Đức, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), chúng tôi đi dọc theo quốc lộ 80 rồi rẽ vào tỉnh lộ 853 đến chợ Giao Thông. Tiếp tục men theo con đường đất nhỏ đối diện chợ dài trên 2 cây số, anh dẫn chúng tôi đến gặp vợ chồng anh Nguyễn Thành Tài và chị Nguyễn Thị Dớn, ở ấp Tân Thới, chủ vườn mận Tam Hoa, để tìm hiểu về giống cây ăn trái mới cho hiệu quả kinh tế cao.
Chìa cho tôi xem 2 trái mận “to đùng” vừa được tuyển bớt, thấy tôi ngạc nhiên, chị Nguyễn Thị Dớn - vợ anh Tài - cho biết: “Chưa đâu, lúc chín, trái còn to gấp rưỡi. Trung bình 1 ký chỉ 3- 4 trái thôi”. Tay làm, miệng nói, chị nhanh chóng tìm hái trái mận màu xanh chín mọng để chúng tôi thưởng thức ngay tại vườn. Tách trái mận ra, bên trong đặc ruột, không có hạt, chị cho biết: “Mỗi cây chỉ có 1- 2 trái dạng bầu là có hạt nhưng hạt cũng rất nhỏ”.
Đi cùng chúng tôi, anh Nguyễn Đức Tài - cán bộ nông nghiệp xã Phong Hòa - tấm tắc khen: “Đúng là rất ngon! Mận Tam Hoa ăn rất giòn, xốp và chắc thịt”. Theo lời chị Dớn: Đây là giống mận được ghép bo từ nhánh mận An Phước và mận Tam Hoa, khi cây đâm chồi chỉ chừa lại phần phát triển từ nhánh Tam Hoa. Cách nay 3 năm, qua lời giới thiệu của người quen, vợ chồng chị đến Tiền Giang đặt bo gốc 100 nhánh. Khi cây bắt đầu lớn, anh chị tuyển chọn 50 gốc phát triển nhất để trồng và nhân giống bán, tặng cho vài người quen ở địa phương. Sau 18 tháng trồng, cây bắt đầu cho trái chiếng và năng suất cũng tăng dần theo thời gian.
Nhờ có kinh nghiệm trồng mận An Phước nên vợ chồng anh Tài khá thuận lợi trong việc trồng và chăm sóc loại mận này. Chủ vườn Thành Tài làm phép so sánh: Điểm nổi bật của mận Tam Hoa là cây cho trái liên tục, chưa kịp thu hoạch là cây bắt đầu nhú bông, nên không cần phải xử lý ra hoa. Mỗi năm, cây cho trái và thu hoạch 4-5 đợt, vào thời điểm tháng 6- 7 âm lịch thì cây thường nghỉ dưỡng... Thêm vào đó, với đặc tính lá cây to và dày nên không cần phòng bệnh thán thư (bệnh gây hại chủ yếu trên lá, thân và quả các loại cây ăn trái). Liều lượng thuốc trừ sâu và phân bón cũng giảm từ 1/3 đến 1/2 so với trồng mận An Phước.
Vừa nói chuyện với chúng tôi, vừa tranh thủ tuyển bớt trái và dùng bao ni lông bao cẩn thận lại mấy quả mận còn non, chị Dớn cho biết: “Giống mận này ra hoa rất nhiều, nhưng mỗi chùm chỉ chừa lại 4- 5 trái, hoặc tối đa là 6 trái thì cây mới phát triển tốt. Dùng bao ni lông sẽ có tác dụng bảo vệ trái và giảm bớt sâu bệnh. Vào mùa thu hoạch, trái chín oằn cây, phải dùng dây buộc và dùng cây chống đỡ...”. Về thị trường và giá cả của loại mận này, anh Thành Tài cho biết: “Vào thời điểm một số loại mận rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/kg thì mận Tam Hoa vẫn ổn định với mức giá bán tại vườn là 7.000 - 8.000 đồng/kg, vào mùa cao điểm giá dao động từ 14.000- 18.000 đồng/kg”. Ngoài bán trái, anh chị Tài còn bo ghép nhánh bán với giá 30.000 đồng/cây. Tuy giá có cao nhưng do giống mận này khá mới nên khi thu hoạch, chỉ bán chủ yếu cho mối quen ở TP Cần Thơ. Vừa rồi, có thương lái đến lấy hàng và thử đi tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh. Nếu loại trái này được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường mở rộng, anh chị sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng giống cây này.
Theo anh Phạm Văn Đức, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Lai Vung: Nếu tính chi phí khoảng 15% giá thành sản phẩm, trung bình mỗi năm nhà vườn thu hoạch 5 đợt với khoảng 2 tấn mận/50 gốc và mức giá trung bình 8.000 đồng/kg cũng là con số thu nhập không nhỏ đối với nhà vườn trong thời điểm cạnh tranh. Tuy nhiên, “bài toán” đầu ra cho sản phẩm cũng cần được tính đến khi nhân rộng giống mới có chất lượng cao, để tránh lặp lại “điệp khúc” của cây nhãn và mận An Phước.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI