Sở hữu vườn cau trên 1.000 cây, nông dân Nguyễn Ngọc Tần (61 tuổi, ngụ xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) thu lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm nhờ bán cau trái và cây giống.
Ông Tần sở hữu vườn cau đẹp như trong truyện cổ tích.
Vườn cau của ông Tần được trồng ngay hàng, thẳng lối đẹp mắt thu hút du khách đến chiêm ngưỡng, bởi khung cảnh đẹp như trong truyện cổ tích. Thành quả này là do ông Tần mạnh dạn phá bỏ vườn thanh long canh tác hàng chục năm để chuyển hoàn toàn sang trồng cây cau.
Được biết đến là người trồng cau chuyên canh đầu tiên ở miền Tây. Tuy nhiên thời điểm đầu cũng gặp không ít thử thách khó nhằn. Ông Tần kể, ông trồng thanh long từ năm 1997, tuy nhiên, diện tích thanh long không ngừng phát triển mà giá cả đầu ra bấp bênh. Năm 2016, ông quyết định chuyển đổi 6.000m2 đất vườn trồng thanh long để chuyển sang trồng chuyên canh cây cau. “Trồng thanh long tốn công chăm sóc, khó thuê nhân công, trong khi giá cả bấp bênh, thua lỗ kéo dài. Tình cờ biết thị trường tiêu thụ cau khá ổn định, cau ít tốn công chăm sóc và vốn đầu tư thấp nên tôi lên tận TP Hồ Chí Minh mua giống cau vú bò Bà Điểm về trồng”, ông Tần kể.
Tuy nhiên, do giống cau này càng ngày càng hiếm. May mắn tìm gom được 300 trái, ông Tần đem về ươm trồng. Sau đó, tiếp tục tìm mua giống để trồng phủ khắp 6 công đất vườn. Đến nay, vườn cau có trên 1.000 cây đang cho trái. Theo ông Tần, cây cau kháng bệnh rất mạnh, ít tốn phân thuốc, công chăm sóc, trồng khoảng 4 năm bắt đầu cho trái. Cây cau ưa nắng, nên phải trồng hàng cách hàng 4-5m, cây cách cây từ 1,3 - 1,5m để vườn cây đón nhận đủ ánh nắng, phát triển tốt. Mỗi liếp đất trồng 2 hàng cau, 2 liếp ngăn cách nhau bởi một mương nước.
Để trồng cau đạt hiệu quả, ông đã lắp hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nên ít tốn công chăm sóc. Ngoài ra, để đất tơi xốp ông còn trồng cây họ đậu phủ khắp vườn. Sử dụng phân hữu cơ bón cho vườn cau. Hiện ngoài trồng giống cau vú bò Bà Điểm, ông Tần còn trồng thêm 2 loại cây cau trái tròn và trái dài. Hai loại cây cho trái năng suất cao gấp 2-3 lần so với cau truyền thống. Mỗi cây cau cho thu hoạch khoảng 50 kg trái/năm. Cách khoảng 10 ngày, ông tiến hành thu hoạch 1 lần. Phần lớn trái cau của ông Tần được thương lái mua phục vụ xuất khẩu; một phần bán lẻ phục vụ làm cau cúng, cau lễ, cau ăn trầu trong nước… Giá bán dao động từ 23.000-45.000 đồng/kg (tùy thời điểm), sản xuất cây giống bán với giá từ 20.000-25.000 đồng/cây. Nhờ đó, ông thu lãi trên 300 triệu đồng/năm. “Vườn cau mới cho thu hoạch khoảng 2 năm gần đây. Cau càng trồng lâu năm cho trái càng nhiều. Năm trước thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ vườn cau. Năm 2024 này năng suất cau sẽ tăng vì trái nhiều hơn năm ngoái, dự kiến thu lãi từ 800-900 triệu đồng. Năm tới nếu giá cau như năm nay thì thu nhập sẽ cầm chắc hơn tỉ đồng”, ông Tần phấn khởi.
Ông Lê Hoàng Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tịnh An, cho biết, mô hình trồng cau của ông Tần rất hiệu quả, đáng học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, do mô hình mới nên chưa khuyến khích bà con mở rộng diện tích canh tác.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH