19/06/2017 - 21:55

Trợ lực để sinh viên, giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những hoạt động trọng điểm làm nên chất lượng và uy tín của các trường đại học. Thời gian qua, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy NCKH trong toàn trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của trường.

Nhiều đề tài có tính ứng dụng cao

 PGS.TS Lê Việt Dũng (bìa trái), Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT trao giải “Tài năng NCKH trẻ Trường ĐHCT” năm 2017 cho cán bộ trẻ. Ảnh: CTV

Trong 5 năm (2012-2016), hoạt động NCKH trong sinh viên, giảng viên trẻ ĐHCT được đánh giá cao với những đề tài có tính thực tiễn. Hầu hết 355 đề tài do sinh viên thực hiện và 199 đề tài của giảng viên trẻ đều có tính ứng dụng cao trong đời sống và đoạt nhiều giải thưởng: "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam"; "Holcim Prize"; KOV,… Riêng giải thưởng "Sinh viên NCKH" do Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2016, sinh viên của trường đạt 8 giải (1 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích). Chuẩn bị tham gia giải thưởng này năm 2017, ĐHCT có 18 công trình NCKH của sinh viên và 9 công trình NCKH của cán bộ trẻ, thuộc nhiều lĩnh vực: khoa học tự nhiên, kỹ thuật hóa và công nghệ thực phẩm, kỹ thuật điện… Qua thẩm định của các tiểu ban chuyên môn, có 16 công trình NCKH (10 công trình của sinh viên, 6 công trình của cán bộ trẻ) được trao giải "Tài năng NCKH trẻ Trường ĐHCT" năm 2017.

PGS.TS Hà Thanh Toàn: Mỗi năm, trường dành khoảng 7-8 tỉ đồng hỗ trợ NCKH cho giảng viên trẻ và khoảng 1 tỉ đồng cho sinh viên. Hiện nay có trên 60 đề tài các cấp; trong đó, nhiều đề tài có tính liên kết ứng dụng ở các tỉnh thành vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ, trải rộng nhiều năm, tổng kinh phí khoảng 30 tỉ đồng, đang được tiến hành. 

Tại Hội nghị NCKH trẻ Trường ĐHCT vừa tổ chức, đại diện của các nhóm đề tài đoạt giải cao đã cho thấy những ứng dụng nghiên cứu hữu ích. Đề tài "Tổng hợp và đánh giá hoạt tính sinh học của một số dẫn xuất Naphthalene - Benzimidazole" của nhóm sinh viên Khoa Khoa học Tự nhiên, đã thực hiện các bước nghiên cứu tài liệu, thực nghiệm, tổng hợp bằng phương pháp vi sóng… chứng minh rằng, hợp chất Benzimidazole có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn, kháng virus, đặc biệt kháng ung thư. Phùng Văn Bình, đại diện nhóm tác giả cho biết: "Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người chết vì mắc bệnh ung thư cao. Đây là lý do mà nhóm chọn đề tài này, nhằm góp phần nhỏ trong công tác phòng, điều trị bệnh ung thư".

Bên cạnh đó, đề tài "Thiết kế đồ dùng dạy học Địa lý phổ thông từ rác thải trường học trên địa bàn thành phố Cần Thơ" của nhóm tác giả Đỗ Lan Chi, Trần Thị Mỹ Linh và Nguyễn Cao Cường (sinh viên Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT), được hội đồng khoa học trường đánh giá cao. Theo nhóm tác giả, số học sinh hiện đang tăng nhanh, kéo theo lượng rác thải cũng tăng, hệ quả là gây ô nhiễm môi trường tại các trường học. Vì thế, nhóm đã tận dụng phế phẩm để thiết kế làm đồ dùng dạy học môn Địa lý cho lớp 10, 11 và 12. Theo Đỗ Lan Chi, nhóm phân loại rác thải trường học: vô cơ, hữu cơ, rác thải độc hại. Sau đó, nhóm sử dụng vải, bọc nilong, ống hút, nắp chai, giấy và bìa carton… để tạo ra bản đồ, biểu đồ, quả địa cầu hay mô hình hoang mạc. Kết quả khảo sát cho thấy mức độ hài lòng của học sinh Trường THPT Thực hành Sư phạm - ĐHCT khi sử dụng những đồ dùng dạy học này là khá cao và quan trọng hơn hết, sáng kiến đã góp phần bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức sống xanh cho học sinh.

Tạo đà cho NCKH phát triển

Thống kê của ĐHCT cho thấy: Trước năm 2009, số lượng đề tài, kinh phí cho NCKH trong sinh viên, cán bộ trẻ khá ít, chỉ tập trung ở một số lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, kỹ thuật- công nghệ… Gần đây, số lượng đề tài, kinh phí cho hoạt động NCKH ngày càng tăng, lĩnh vực nghiên cứu phong phú, đa dạng hơn; đáng trân trọng là sự tham gia của sinh viên, giảng viên lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn. Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư từ Ban Giám hiệu, các đơn vị trực thuộc ĐHCT, nỗ lực trong NCKH của sinh viên, giảng viên trẻ. Tuy nhiên, nhiều sinh viên, giảng viên trẻ của trường cho rằng, cần có sự tiếp sức từ nhiều phía, để sinh viên, giảng viên trẻ được tiếp cận nhiều hơn nữa với thực tiễn cuộc sống, cũng như hoạt động nghiên cứu- ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó năng động hơn trong tìm nguồn kinh phí NCKH. Về phía ĐHCT, cũng cần phân công cán bộ giảng viên theo sát, khuyến khích công tác NCKH trong sinh viên, giảng viên trẻ; cũng như dẫn dắt, tạo điều kiện để sinh viên dần hình thành thói quen NCKH, hướng dẫn cách sắp xếp thời gian, rèn luyện tinh thần tự lập trong nghiên cứu, học thuật…

Nhóm sinh viên Trường ĐHCT với đề tài nghiên cứu thiết bị sản xuất rau sạch,
bảo vệ môi trường. Ảnh: B.NG

Theo PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường ĐHCT, nhà trường đề ra các quy định và hướng dẫn cụ thể để thúc đẩy hoạt động NCKH; định kỳ tổ chức tập huấn chuyên sâu về cách viết thuyết minh, lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí đề tài; khen thưởng hằng năm các đề tài đạt loại xuất sắc để khích lệ các cá nhân có thành tích nghiên cứu tốt… PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho biết: Hội nghị NCKH Trường ĐHCT được tổ chức thường niên từ năm 2014 nhằm biểu dương thành tích của sinh viên và giảng viên trẻ trong NCKH, phát hiện và bồi dưỡng tài năng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Lãnh đạo trường tạo mọi điều kiện, tranh thủ các nguồn tài trợ để sinh viên, giảng viên trẻ thực hiện các đề tài NCKH một cách hiệu quả.

Sắp tới, ĐHCT sẽ có những điều chỉnh để đẩy mạnh công tác NCKH, bổ sung thêm nguồn kinh phí cho hoạt động này, tạo điều kiện để sinh viên có thể tham dự các hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế. Qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu, vốn ngoại ngữ cũng như chất lượng đào tạo của trường, xứng tầm trường đại học trọng điểm của vùng và cả nước; đồng thời giúp sinh viên có thể tự tin hội nhập.

Là trường trọng điểm của cả nước, ĐHCT hiện đang đào tạo trên 50.000 sinh viên ở 97 ngành; với 1.200 cán bộ, viên chức. Giai đoạn 2012-2016, giảng viên trẻ và sinh viên trường đã thực hiện 554 đề tài, tổng kinh phí trên 14,6 tỉ đồng. Trong đó có 355 đề tài của sinh viên (với tổng kinh phí trên 6,7 tỉ) và 199 đề tài của giảng viên trẻ (với 8 tỉ đồng). Giai đoạn này, cán bộ và sinh viên Trường ĐHCT đã đạt được những thành tích đáng khích lệ khi tham gia các giải thưởng. Ở giải “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”, cán bộ trẻ của trường đoạt 1 giải ba, 3 giải khuyến khích (năm 2012), 3 giải ba (năm 2014). Cũng tại giải trên, sinh viên trường đoạt 3 giải ba, 4 giải khuyến khích (năm 2012); 3 giải nhì, 3 giải ba, 2 giải khuyến khích (năm 2013); 7 giải ba, 4 giải khuyến khích (năm 2014). Ngoài ra, sinh viên trường đã đoạt 7 giải thưởng trong khuôn khổ giải thưởng Holcim Prize từ năm 2011-2016. Giải thưởng Kova cũng đã được trao cho 27 sinh viên có thành tích học tập xuất sắc và có đề tài NCKH đạt kết quả tốt...

Theo thống kê của trường, từ năm 2006 đến nay, doanh thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường trên 316 tỉ đồng. Trường đã đưa vào áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, phòng, chống dịch bệnh cây lúa; sinh sản nhân tạo một số giống cá cũng như nhiều mô hình nông- lâm- thủy sản, mang lại hiệu quả sản xuất cao.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết