16/09/2017 - 09:24

Triều Tiên thách thức lệnh cấm vận mới 

Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng diễn biến phức tạp sau khi Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa qua không phận miền Bắc nước Nhật sáng 15-9.

Dân Nhật hoảng hốt

Đây là lần thứ hai CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản trong chưa đầy một tháng. Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa Triều Tiên được phóng đi vào lúc 6 giờ 57 phút sáng (giờ địa phương) từ quận Sunan ở Thủ đô Bình Nhưỡng. Người dân khu vực phía Bắc Nhật Bản đồng loạt nhận được cảnh báo kêu gọi họ tìm nơi trú ẩn khi tên lửa Triều Tiên bay qua.

Thông tin vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên trên màn hình Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Theo đánh giá ban đầu của Hàn Quốc và Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, vũ khí Triều Tiên sử dụng trong đợt phóng mới rồi có thể cùng loại tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Hwasong-12 mà nước này phóng qua đảo Hokkaido hôm 29-8. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ngược lại tin rằng vụ phóng hôm 15-9 sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với tầm bắn lớn hơn đáng kể so với tháng trước. Cụ thể, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết tên lửa Triều Tiên đã đạt đến độ cao 770km và tầm bắn 3.700km trước khi rơi xuống vùng biển Thái Bình Dương cách mũi Erimo trên đảo Hokkaido 2.600 km về phía Đông. Dù quân đội Mỹ khẳng định hướng đi của tên lửa không đe dọa lục địa Bắc Mỹ hoặc đảo Guam, nhưng giới phân tích quân sự cảnh báo tên lửa Triều Tiên với tầm bắn này có thể tiếp cận lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương nếu đi theo quỹ đạo khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng cho rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản của Triều Tiên được thực hiện với tính toán nhắm tới vùng lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương. Phát biểu với báo giới, ông Onodera cho biết tên lửa đã bay được 3.700 km, tức là đủ tầm bắn tới Guam vốn nằm cách Triều Tiên 3.400 km.

Thông điệp từ Triều Tiên

Theo giới quan sát, việc Triều Tiên phóng tên lửa là nhằm phản đối các biện pháp chế tài cứng rắn được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua vài ngày trước liên quan vụ Bình Nhưỡng thử hạt nhân hôm 3-9. Sau vụ phóng vài giờ, Triều Tiên tiếp tục cảnh báo sẽ có hành động “mạnh mẽ” chống lại Mỹ nếu Washington “không từ bỏ chính sách thù địch và tách mình ra khỏi các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên”. Trước đó hôm 14-9, Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương của Triều Tiên (KAPPC) cũng dọa “nhận chìm” Nhật Bản và đẩy Mỹ vào cảnh “tro tàn và bóng tối” sau khi 2 nước này ủng hộ nghị quyết trừng phạt mới.

Theo chuyên gia nghiên cứu cao cấp Yang Uk thuộc Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc, động thái lần này của Bình Nhưỡng còn nhằm gây sức ép lên cộng đồng quốc tế bởi loại tên lửa mà Triều Tiên phóng đi cho thấy nước này đang đẩy mạnh việc hoàn thiện công nghệ sau 14 vụ thử nghiệm tính từ tháng 2 đến nay. Hồi đầu tháng 9, Triều Tiên còn tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) trong vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Trái với bác bỏ trước đó của Mỹ, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, Tướng Không quân John Hyten hôm 14-9 lần đầu tiên đưa ra giả định Bình Nhưỡng có thể thực sự đã thử nghiệm một quả bom H.

Mỹ - Nhật – Hàn phản ứng

Trở về từ chuyến công du Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Tokyo không thể chấp nhận việc Triều Tiên nhiều lần tái diễn các hành động khiêu khích. Theo ông Abe, động thái của Bình Nhưỡng càng cho thấy nghị quyết trừng phạt của LHQ phải được thực hiện triệt để. “Cộng đồng quốc tế cần đoàn kết và gởi thông điệp rõ ràng đến Triều Tiên, rằng các hành động khiêu khích nguy hiểm của họ đang đe dọa hòa bình thế giới. Chúng ta phải khiến Bình Nhưỡng hiểu rằng họ sẽ không có tương lai tươi sáng nếu tiếp tục theo đuổi con đường hiện tại” – CNN trích tuyên bố của Thủ tướng Nhật. Được biết, ông Abe đã triệu tập cuộc họp khẩn với Hội đồng An ninh Quốc gia sau cam kết về khả năng phòng thủ toàn diện dựa trên liên minh Mỹ - Nhật Bản.

Chính phủ Hàn Quốc trong tuyên bố mạnh mẽ chỉ trích vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vi phạm rõ ràng các nghị quyết của HĐBA LHQ, đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như an ninh quốc tế. Tại cuộc họp khẩn với Hội đồng An ninh Quốc gia, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố đối thoại với Bình Nhưỡng trong tình hình hiện nay là “điều không thể” mà thay vào đó cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp tăng cường áp lực ngoại giao và quân sự. Ông  Moon còn yêu cầu giới quan chức phân tích và chuẩn bị đối phó nguy cơ khác từ Bình Nhưỡng, bao gồm các cuộc tấn công sử dụng vũ khí sinh học và xung điện từ (EMP).

Ngay trước tuyên bố của Tổng thống Moon, quân đội Hàn Quốc trong cuộc tập trận trên Biển Nhật Bản vào sáng ngày 15-9 đã phóng hai tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 nhằm đáp trả hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng. Vụ phóng diễn ra ở bờ biển phía Đông gần biên giới liên Triều và chỉ 6 phút sau khi Triều Tiên phóng tên lửa. Quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết một tên lửa đã “nhắm chính xác” mục tiêu giả định trên vùng biển cách đó 250km, tương đương khoảng cách từ bãi phóng của Hàn Quốc đến khu vực Sunan của Triều Tiên.

Tại Washington, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận được thông tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên nhưng chưa phản hồi. Trong khi đó, các quan chức cấp cao khác gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đồng loạt chỉ trích “hành động liều lĩnh” của Triều Tiên và kêu gọi Nga và Trung Quốc vốn là 2 đối tác kinh tế lớn của Bình Nhưỡng có “hành động trực tiếp” nhằm gây sức ép lên chính quyền Kim Jong Un.

Trung Quốc thúc giục giải pháp hòa bình, ngoại giao

Sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Bắc Kinh đã nỗ lực hết sức mình để thực thi các nghị quyết của HĐBA LHQ trừng phạt Bình Nhưỡng về vấn đề tên lửa đạn đạo và hạt nhân, nhưng nhấn mạnh thế giới cần tiếp tục thúc đẩy tìm kiếm các giải pháp hòa bình và ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng tình hình hiện nay.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết