18/10/2021 - 10:59

Triển khai đồng bộ việc phục hồi du lịch thích ứng an toàn trong giai đoạn "bình thường mới" 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang soạn thảo hướng dẫn về việc du lịch thích ứng an toàn để có cơ sở triển khai đồng bộ phục hồi du lịch trên toàn quốc.

Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình tặng hoa chào đón du khách đến với Quảng Bình sau một thời gian dài ngành du lịch tạm đóng cửa phòng tránh dịch COVID-19. 

Mỗi tỉnh 1 sản phẩm du lịch

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa giao nhiệm vụ cho Bộ phải khẩn trương ban hành hướng dẫn về vấn đề du lịch thích ứng an toàn để có cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc, không chỉ đơn lẻ ở từng địa phương

“ Qua khảo sát, Bộ VHTTDL đang đề nghị các tỉnh, thành tạo ra sản phẩm  du lịch đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách đang thay đổi, theo hướng đi nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về du lịch thăm qua di tích, danh lam, thắng cảnh”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc tới nền kinh tế - xã hội không chỉ ở trong nước mà ở toàn cầu. Đến thời điểm này, Việt Nam có tín hiệu vui khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát và đẩy lùi.

“Năm 2020 và 9 tháng năm 2021, du lịch bị tổn thất nặng nề. Có người nói rằng du lịch đã "chạm đáy", người thì cho rằng du lịch đã về lại con số 0, có người nói du lịch thật ảm đạm và khó để phục hồi. Ở góc độ tiếp cận nào cũng phù hợp với tình hình hiện nay, nhưng sâu xa hơn, chúng ta phải tìm ra căn nguyên, xem xét cả yếu tố chủ quan, khách quan. Dựa trên cơ sở khảo sát, các con số cho thấy du lịch của chúng ta đã khó khăn lại càng khó khăn. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm 80% mà trước đó nhờ lượng khách quốc tế đã đưa vị thế du lịch Việt Nam lên top đầu của châu Á. Năm 2021, chúng ta giảm đến 90% khách du lịch quốc tế. Còn khách nội địa, năm 2020, Việt Nam có 85 triệu lượt khách, nhưng sang năm 2021 hầu như đóng băng”, ông Nguyễn Văn Hùng nhận định.

Cơ sở lưu trú du lịch cũng gặp nhiều khó khắn. Thường cơ sở lưu trú chiếm  khoảng 46-50% doanh thu hoạt động du lịch, nhưng nay 90% các cơ sở lưu trú đều phải đóng cửa vì không có khách, công suất hoạt động phòng khách sạn không có, chỉ sử dụng 10%.

Việc làm trong ngành bị đứt gãy do không có khách, nên buộc phải cắt giảm lao động, giãn cách dẫn tới người lao động không có việc làm. Các doanh nghiệp phải rút giấy phép, xin ngừng hoạt động liên tục tăng. Hiện chỉ còn lại rất ít doanh nghiệp còn trụ vững, giữ thương hiệu để chờ thời điểm phục hồi.

“Các số liệu giúp chúng ta có nhận định này và phù hợp với nhận định chung của quốc tế. Do đó, chúng ta phải thích ứng với điều kiện mới. Chúng ta nên nghiên cứu dự báo để xác định hướng đi đúng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Bộ VHTTDL được Chính phủ giao trách nhiệm tham mưu và cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. “Trong đó, nhóm nhiệm vụ lĩnh vực về du lịch - dịch vụ là nhóm ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng. Vì vậy, chúng tôi đang tiếp cận theo hướng phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, phù hợp hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm.

Ở nhóm nhiệm vụ này, thời gian qua, Bộ VHTTHDL đã đề xuất và Chính phủ, Quốc hội chấp thuận giảm tiền điện trong cơ sở lưu trú được áp dụng thời gian khá dài; Hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch, trợ cấp khó khăn khi phải chịu tác động; Đề xuất giảm tiền ký quỹ du lịch cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành sửa đổi theo Nghị định 168 giảm 80% nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nguồn lực của đất nước đang khó khăn. Nhìn ra tình hình chung thế giới, nhóm chính sách về tài khóa và tín dụng là ưu tiên hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ phục hồi. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vì vậy, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính, ngành ngân hàng đề xuất các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ. Theo đó Bộ VHTTDL cũng đồng kiến nghị xem xét để có gói tín dụng dành cho doanh nghiệp nói chung trong đó có doanh nghiệp du lịch.

“Khi Chính phủ ban hành chính sách đó, thì các doanh nghiệp du lịch sẽ liệu cơm gắp mắm, vay thế nào, vay bao nhiêu để có thể phục hồi cần có chính sách và cách để quyết định của từng doanh nghiệp” Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.

Bên cạnh đó, các đơn vị du lịch phải tập trung giải quyết vấn đề khó đang gặp phải là chính sách hỗ trợ để không bị đứt gãy nguồn lao động. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc vì lực lượng lao động du lịch có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề. Lực lượng lao động này đã bắt đầu bỏ nghề và chuyển sang lao động khác.

“Khi thị trưởng mở cửa lại, ngành du lịch khởi động,  thì có một bộ phận đã hoạt động trở lại, nhưng cũng có một bộ phận đã chuyển hướng  sang làm công việc khác và không có ý định quay lại làm du lịch. Sự thiếu hụt này sẽ được bù đắp như thế nào. Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ cùng Bộ LĐTBXH có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm lại để không bị đứt gẫy lao động trong doanh nghiệp du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong lĩnh vực chỉ đạo quản lý, là phải tập trung nghiên cứu lựa chọn một số công việc có tính chất trọng tâm và nhất là định hướng để chuyển đổi. Đại dịch COVID-19 không chỉ tác động kinh tế mà còn tác động tâm lý, tình cảm, sở thích nguyện vọng.

Qua khảo sát sơ bộ, tâm lý người đi du lịch có sự thay đổi. Nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông tour lớn thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình. Bộ đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần 1 tỉnh phải có 1 sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn sản phẩm du lịch. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch, nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam.

Trước mắt là du lịch nội tỉnh, nội địa

Trước bối cảnh còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết: Tổng cục đang nghiên cứu, đề xuất, phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và địa phương để nắm bắt được tình hình để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ, và trình Thủ tướng, các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, Tổng cục chủ động nghiên cứu và tham mưu cho lãnh đạo Bộ triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, phối hợp các địa phương để bàn thảo các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch nội địa.

Phục hồi du lịch trước mắt là du lịch nội tỉnh của các địa phương đã kiểm soát được dịch, tiến đến đón khách từ các địa phương khác sau khi dịch được kiểm soát. Và cũng có những tiêu chí cụ thể, tiến đến đón khách du lịch quốc tế sau khi có kết quả đánh giá của việc triển khai thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc.


Điển tham quan Cầu Vàng - TP Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp để sớm khôi phục lại hoạt động du lịch. Ảnh: TTXVN

Tổng cục Du lịch đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, các doanh nghiệp và người lao động theo 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất là chính sách tài khóa, liên quan các chính sách ưu đãi về tín dụng cho các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi để vượt qua khó khăn, chi trả lương cho người lao động, để thu hút người lao động ở lại với doanh nghiệp, rồi có kinh phí để xây dựng các sản phẩm mới thích ứng với môi trường mới.

Nhóm thứ hai là chính sách tài chính, Tổng cục Du lịch đề xuất với Bộ VHTTDL để có kiến nghị điều chỉnh giảm thuế, phí, lệ phí, để giảm bớt gánh nặng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nhóm thứ ba là gói an sinh xã hội. Bộ VHTTDL đã có những tham mưu để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt đối tượng hướng dẫn viên vừa qua nhận được tiền hỗ trợ. Doanh nghiệp, người lao động cũng cần sự quan tâm lớn hơn nữa từ Chính phủ.

Tổng cục Du lịch cũng kiến nghị kéo dài thời gian giảm tiền điện cho cơ sở kinh doanh đến năm 2022, thậm chí đến năm 2023. Giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Từ góc độ của doanh nghiệp du lịch, bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng: Về chính sách vĩ mô, cần sự thống nhất, đồng bộ những chính sách vĩ mô chung trong cả nước. Đó là điều kiện tiên quyết để du lịch phục hồi. Bởi vì nếu không có những giải pháp tổng thể để các địa phương mỗi nơi một chính sách, thì rõ ràng việc triển khai sẽ rất khó khăn.


Mùa lúa chín ở Trùng Khánh thu hút du khách đến Cao Bằng. Ảnh: TTXVN

Trong Nghị quyết 128 cũng có đề cập đến vaccine và đây là điều kiện tiên quyết. Do đó, cơ quan chắc năng đánh giá lại tỷ lệ vaccine ở tất cả các địa phương để đưa ra các chính sách và bản đồ vaccine của toàn khu vực là điều kiện rất quan trọng để người dân và du khách thấy được sự an toàn và bình an của khu vực.

“Chỉ khi vaccine được tiêm, nơi đến và nơi đi an toàn, người dân mới trở lại với du lịch. Đó mới là chính sách vĩ mô để giúp khôi phục kinh tế. Còn mọi nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng không thể nào kích lại du lịch nếu chúng ta không có điều kiện tiên quyết này. Hiện nay, an toàn là điều kiện ưu tiên số 1, nhưng hiện nay các thủ tục hành chính giữa các địa phương cũng rất nhiều”, bà Nguyễn Lê Hương cho biết.

“Phần du lịch quốc tế nói quá sớm, nhưng rõ ràng chúng ta vẫn có những chuyến bay đến và đi các nước. Chúng ta có người về Việt Nam, nhiều chuyên gia sang nhưng muốn đi du lịch đều không được, bởi vì hiện tại các chính sách của chúng ta hiện tại vẫn chưa áp dụng được cho việc đi du lịch. Cho nên chúng tôi cũng mong muốn BộVHTTDL và Tổng cục có những chính sách vĩ mô và thông điệp về truyền thông. Bởi vì những chuyến bay của chúng ta đang xin giấy phép và nhiều giấy phép khó tiếp cận. Chúng ta nên mở ra từ những chuyến bay đó để phát triển du lịch, từ đó sớm mở các đường bay thương mại và sớm có đánh giá về các đường bay, chuyến bay quốc tế của các đơn vị trong khu vực ASEAN cũng như quốc tế để có định hướng sớm. Từ đó các doanh nghiệp, nhà cung cấp có kế hoạch để triển khai hoạt động” bà Nguyễn Lê Hương đề xuất.

Là doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam nhưng năm 2021, Vietravel chỉ đạt doanh thu 10% chỉ trong 7 tháng đầu năm. Còn 5 tháng từ 11/5 đến hết 30/10 hầu hết doanh thu bằng 0. Lượng nhân viên làm việc chỉ từ 3-5%. Cho nên cần có những hỗ trợ riêng cho ngành du lịch phục hồi sau COVID-19.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng: Các kế hoạch đề xuất cần thời gian dài để hoàn thiện, vì một số quy định thật sự chưa thích ứng trong thời gian tới. Tuy nhiên, Việt Nam cần xác định rõ tâm thế luôn luôn trong tư thế sẵn sàng để thích ứng. Do đó, Nghị quyết 128 của Chính phủ đề xuất rất cụ thể các biện pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả. Điều này thể hiện rõ Việt Nam đang từng bước tiệm cận với những điều kiện thực tế.

XM/Báo Tin tức

Chia sẻ bài viết