20/11/2020 - 09:58

Trẻ nhỏ sớm dùng kháng sinh dễ phát triển nhiều bệnh 

Khi con bệnh, một số phụ huynh vì nóng lòng đã chấp nhận làm mọi cách để trẻ nhanh khỏi bệnh, kể cả cho trẻ dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ mới đây cảnh báo việc sử dụng dược phẩm này trước 2 tuổi có thể khiến trẻ khởi phát nhiều vấn đề sức khỏe trong giai đoạn thơ ấu.

Sử dụng kháng sinh sớm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ nhỏ.

Sử dụng kháng sinh sớm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ nhỏ.

Để đưa ra cảnh báo trên, các chuyên gia tại Viện Mayo đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 14.500 trẻ tham gia vào một nghiên cứu dài hạn tại hai bang Minnesota và Wisconsin, trong đó 70% số trẻ có ít nhất một lần dùng kháng sinh trước 2 tuổi. Họ phát hiện những trẻ được cho dùng nhiều liều kháng sinh trước 2 tuổi có nguy cơ cao phát triển các bệnh lý và các vấn đề sức khỏe - bao gồm hen suyễn, dị ứng theo mùa, dị ứng thức ăn, vấn đề về cân nặng và béo phì, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), bệnh Celiac (không dung nạp gluten) và chàm bội nhiễm.

Nguy cơ phát bệnh cũng khác nhau tùy theo giới tính và tuổi của trẻ, loại kháng sinh, liều lượng thuốc đã dùng. Cụ thể, trong nhóm trẻ nhận từ 1-2 liều kháng sinh, chuyên gia Nathan LeBrasseur cho biết các bé gái có nguy cơ phát triển hen suyễn và bệnh Celiac cao hơn những trẻ không dùng kháng sinh. Ở nhóm trẻ dùng từ 3-4 liều kháng sinh, bé gái dễ phát triển ADHD và bệnh Celiac trong khi bé trai dễ bị béo phì, còn nguy cơ mắc hen suyễn, viêm da cơ địa và thừa cân đều cao như nhau ở cả hai giới.

Đáng chú ý, bất kỳ trẻ nào dùng từ 5 liều kháng sinh trở lên trước 2 tuổi đều có nguy cơ phát triển hen suyễn, viêm mũi dị ứng, thừa cân, béo phì và ADHD ở mức đáng lo ngại - riêng bé gái có nguy cơ bị bệnh Celiac cao hơn.

Xem xét trên các loại kháng sinh kê đơn phổ biến nhất, các nhà nghiên cứu nhận thấy penicillin liên quan đến nguy cơ cao mắc hen suyễn, thừa cân ở cả bé trai và bé gái, song bé gái dễ bị bệnh Celiac và ADHD, bé trai dễ bị béo phì hơn. Còn cephalosporin khiến trẻ gia tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh nhất và mắc chứng dị ứng thực phẩm, rối loạn phổ tự kỷ.

Kháng sinh làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột (microbiome)

Nhóm nghiên cứu cho rằng mặc dù thuốc kháng sinh tác động đến hệ vi sinh đường ruột trong ngắn hạn, nhưng có thể để lại ảnh hưởng lâu dài đến quá trình phát triển của trẻ.

Thông thường, cơ thể chúng ta cần một số  loại vi khuẩn nhất định để hấp thụ dưỡng chất, phân hủy thức ăn trong ruột và bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi các mầm bệnh. Trong khi đó, do không phân biệt được lợi khuẩn và hại khuẩn trong đường tiêu hóa, kháng sinh thường tiêu diệt tất cả vi khuẩn. Vì thế, thuốc có thể gây ra tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, làm giảm tác dụng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột vốn cần thiết cho sự phát triển của hệ miễn dịch, phát triển thần kinh, cấu tạo cơ thể và hoạt động trao đổi chất khỏe mạnh của trẻ nhỏ.

Tuy nghiên cứu chưa kết luận quan hệ “nhân - quả” giữa kháng sinh và các vấn đề sức khỏe kể trên, song các phát hiện giúp mở ra hướng nghiên cứu mới trong tương lai nhằm xác định các phương pháp tiếp cận đáng tin cậy và an toàn hơn về thời gian, liều lượng và loại kháng sinh nên dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.

AN NHIÊN (Theo CNN, Study Finds)

Chia sẻ bài viết